Những tình huống 'dở khóc dở cười' quanh chiếc phong bì ngày 20.11

Việc thay quà tặng bằng chiếc phong bì để tri ân thầy cô giáo trong ngày 20.11 đã không còn là 'chuyện lạ'. Nhưng quà tặng, không bằng cách tặng.

Nhiều phụ huynh hiện nay chọn cách thể hiện tình cảm với thầy cô giáo của con bằng phong bì. Ảnh: Q.Huy

Giáo viên khó xử vì chiếc phong bì

Đời sống giáo viên hiện còn khó khăn, lương thấp, chịu nhiều áp lực, nhất là giáo viên bậc mầm non và tiểu học. Rất nhiều phụ huynh có suy nghĩ, việc tặng quà thầy cô bằng tiền đơn giản chỉ là để bày tỏ tấm lòng, để giáo viên trang trải cho bữa ăn ngày 20.11 đủ đầy hơn trong thời buổi đắt đỏ này.

Và khi chiếc phong bì hiện diện nhiều hơn trong các dịp lễ tết, giáo viên cũng có những phản ứng khác nhau.

Tri ân thầy cô nhân ngày 20.11 là nét đẹp truyền thống. (Ảnh minh họa: H.N)

Có giáo viên nhất quyết không bao giờ nhận phong bì, vì cho rằng nó làm hạ phẩm giá của mình. Nhưng cũng có nhà giáo suy nghĩ, “tặng gì là sự tự nguyện của phụ huynh, mình không đòi hỏi. Việc này chỉ đáng lên án khi tặng và nhận có sự toan tính, vụ lợi”.

Nhưng việc phụ huynh tặng quà thầy cô không khéo cũng làm người được tặng chạnh buồn.

Một giáo viên dạy mầm non ở quận Thanh Xuân, Hà Nội (xin được giấu tên) kể với phóng viên những chuyện “dở khóc dở cười” quanh chiếc phong bì ngày 20.11:

"Hai năm nay, phần lớn phụ huynh đều tặng cô quà dịp lễ bằng chiếc phong bì. Có phụ huynh đến nhà, lấp ló trong bó hoa là chiếc phong bì. Người tặng ngay trên lớp. Có người đưa tận tay cô tấm thiệp, bên trong có chiếc phong bì.

Nhưng có những phụ huynh, đưa phong bì cho cô ngay trước mặt con. Khi học sinh hỏi: “Tại sao mẹ lại gửi thư cho cô thế?”, mẹ chỉ biết gãi đầu.

Thậm chí, có người dắt tay con vào lớp rồi đứng ngay trước cửa, vội vàng tìm ví lấy tiền nhét vào phong bì, vội vàng dúi vào tay cô. Đương nhiên, tôi không bao giờ nhận.

Tôi muốn nói với phụ huynh: Dù món quà là gì cũng không quý bằng sự chân thành, tình cảm của HS và phụ huynh dành cho nhà giáo chúng tôi”.

Đừng nghĩ quà to, tiền nhiều, sẽ được cô quan tâm hơn!

Đây là khẳng định của cô Trần Thị Bích Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hà Nội). Cô cho rằng vì mang tâm lý "phải có quà to, con mình mới được cô quan tâm, không bị trù dập", khiến phụ huynh có cái nhìn tiêu cực, thiếu thiện cảm với thầy cô.

“Giáo viên chúng tôi không đòi hỏi quà cáp gì. Thành tích của học trò, sự tôn trọng của phụ huynh đã là bó hoa đẹp nhất, ý nghĩa nhất rồi. Ở thời kỳ mà mạng xã hội phát triển, chỉ đưa thông tin một vài cá nhân không tốt ở đâu đó có thể khiến dư luận hiểu theo hướng tiêu cực, ảnh hưởng rất lớn đến danh dự nhà giáo.

Trên thực tế, vẫn có rất nhiều tấm gương thầy cô tâm huyết, hết mình vì học trò. Họ cống hiến cả đời và chẳng bao giờ mong nhận quà cáp. Tôi mong phụ huynh đừng suy diễn, chỉ cần phối hợp với nhà trường, với giáo viên chúng tôi để dạy dỗ con em mình nên người, thế là quý lắm rồi” – cô Liên chia sẻ.

Bích Hà

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/nhung-tinh-huong-do-khoc-do-cuoi-quanh-chiec-phong-bi-ngay-2011-576317.ldo