Những tình tiết khán giả có thể bỏ qua trong 'Đại chiến hành tinh khỉ'

'War for the Planet of the Apes' khép lại bộ ba tái khởi động thương hiệu 'Hành tinh khỉ', đồng thời chứa đựng một số chi tiết kết nối tới các tác phẩm trong thế kỷ XX.

*Lưu ý: Bài viết tiết lộ trước nội dung bộ phim Hành tinh khỉ (1968) và Đại chiến hành tinh khỉ (2017)

Nova: Trong tập Planet of the Apes đầu tiên năm 1968, Nova (Linda Harrison) là cô gái loài người xinh đẹp nhưng bị câm, được chọn làm đối tượng phối giống với phi hành gia Taylor (Charlton Heston) mới lạc xuống Hành tinh Khỉ. Các bộ phim hồi thập niên 1960-1970 chưa bao giờ giải thích lý do con người trở nên như vậy. Nhưng War for the Planet of the Apes đã tiết lộ rằng đó là vì biến thể của virus cúm khỉ (Simian Flu), và một trong những nạn nhân của nó là cô bé Nova (Amiah Miller). Đạo diễn Matt Reeves khẳng định: “Nhân vật đã cho thấy tại sao con người trong bộ phim Planet of the Apes đầu tiên bị câm”.

Con búp bê: Con búp bê vải gây họa ở cuối phim của Nova là một chi tiết nữa gợi nhắc tới Planet of the Apes. Song, ở tập phim năm 1968, đó là một con búp bê biết nói, được tìm thấy ở khu vực khảo cổ thuộc Khu vực Cấm (Forbidden Zone). Nó tiết lộ cho Taylor biết rằng con người trên Hành tinh Khỉ không phải sinh ra đã ngu ngốc, trước khi anh khám phá ra kết cục bi kịch dành cho chính bản thân. Theo đạo diễn Matt Reeves, chi tiết con búp bê là món quà đặc biệt mà ông muốn dành tặng các fan của thương hiệu.

Alpha/Omega: Trong phần hai, Beneath the Planet of the Apes (1970), khán giả được gặp một nhóm người đột biến tôn sùng quả bom nguyên tử có tên Alpha-Omega. Ở War of the Planet of the Apes, đội quân của Đại tá McCullough (Woody Harrelson) tự gọi mình là Alpha/Omega, đồng thời áp dấu biểu tượng giống như trên quả bom lên cơ thể mình.

Ape-pocalypse Now: Trong một cảnh ngắn dưới lòng đất, khán giả thoáng trông thấy dòng chữ “Ape-pocalypse Now” sơn trên tường. Đó là cụm từ nhại từ tựa đề bộ phim chiến tranh kinh điển Apocalypse Now (1979) của đạo diễn Francis Ford Coppola. Chưa kể, nhân vật Đại tá McCullough trong phim có cách cạo đầu rất giống với Đại tá Kurtz do Marlon Brando thể hiện ở tác phẩm điện ảnh năm xưa.

Donkey: “Lừa” là từ mà con người dùng để gọi các chú khỉ thông minh phản bội đồng loại, quay sang phục vụ mình. Từ tiếng Anh trong phiên bản gốc của bộ phim là “Donkey”, được lấy cảm hứng từ trò chơi điện tử nổi tiếng Donkey Kong của hãng Nintendo. Có lẽ do vấn đề bản quyền mà hãng Fox đã không thể sử dụng toàn bộ cụm từ đó.

Cornelius: Con trai út của khỉ Caesar (Andy Serkis) mang tên Cornelius, tức được đặt theo tên khỉ mẹ là Cornelia (Judy Greer). Nhưng Cornelius còn là tên của chú khỉ nhân vật chính ở các tập phim Planet of the Apes đầu tiên và do Roddy McDowall thể hiện. Sau này, con trai của Cornelius xuất hiện trong Conquest of the Planet of the Apes (1970) và Battle for the Planet of the Apes (1973). Cũng do Roddy McDowall khắc họa, nhân vật đó có tên là Caesar. Cornelius hẳn muốn con trai lớn lên cũng uy dũng như người cha huyền thoại của mình.

Cảnh cưỡi ngựa ở bãi biển: Trong những phút cuối cùng của bộ phim năm 1968, Taylor và Nova cưỡi ngựa qua một bãi biển dài, trước khi phát hiện thấy tàn tích của tượng Nữ thần Tự do, và nhận ra rằng Hành tinh Khỉ thực chất chính là Trái đất sau khi trải qua chiến tranh hạt nhân. Đó là cảnh hai nhân vật đi từ phải sang trái màn hình. Còn ở War for the Planet of the Apes, nhóm nhân vật khỉ cùng Nova cũng đi qua một bãi biển dài, nhưng là từ trái sang phải màn ảnh. Có lẽ đích đến ở cuối phim của họ chính là thuở sơ khai của Thành phố Khỉ (Ape City) trong tập phim Planet of the Apes đầu tiên.

Tuấn Lương
Ảnh: Fox

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhung-tinh-tiet-khan-gia-co-the-bo-qua-trong-dai-chien-hanh-tinh-khi-post763928.html