Những trái tim hội tụ và giấc mơ tỏa sáng

Mang thông điệp “Những trái tim hội tụ, những giấc mơ tỏa sáng” (Hearts Meet, Dreams Shine), Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á lần thứ 4 (Asian Para Games 4), sau một năm tạm hoãn sẽ khai mạc hôm nay 22/10 tại thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) và kéo dài đến ngày 28/10.

Lãnh đạo và các đại diện Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tại lễ thượng cờ các đoàn dự Asian Para Games 4-2023.

Lãnh đạo và các đại diện Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tại lễ thượng cờ các đoàn dự Asian Para Games 4-2023.

Asian Para Games 4 sẽ chứng kiến hơn 30.000 vận động viên (VĐV) người khuyết tật của 45 đoàn thể thao quốc gia và vùng lãnh thổ tranh tài ở 566 nội dung ở 22 môn thể thao, trong đó có 19 môn nằm trong chương trình thi đấu tại Thế vận hội thể thao người khuyết tật (Paralympic Paris 2024). 19 môn thi đấu này gồm: Bắn cung, điền kinh, cầu lông, boccia, canoeing, xe đạp, bóng đá người khiếm thị, bóng ném, judo, cử tạ, chèo thuyền, bắn súng, bơi, taekwondo, bóng bàn, bóng chuyền ngồi, bóng rổ trên xe lăn, đấu kiếm trên xe lăn và quần vợt trên xe lăn. Ngoài 19 môn thể thao Paralympic có thêm 3 môn là cờ vua, ném bóng trên cỏ và cờ vây cũng sẽ được tổ chức tại Hàng Châu.

Ngày 21/10, đội tuyển cầu lông của Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam chính thức bước vào thi đấu vòng bảng môn cầu lông trước ngày khai mạc. Ở nội dung đơn nam nhóm C hạng thương tật SL3 và nhóm D hạng SU5, hai VĐV Trịnh Anh Tuấn và Phạm Văn Tới giành chiến thắng trước hai VĐV của Thái Lan với tỷ số 2-0 và 2-1. Tuy nhiên, ở các vòng đấu bảng ở các hạng thương tật khác của nam và nữ, ba VĐV của Việt Nam là VĐV Trương Ngọc Bình, Hoàng Thị Hồng Thảo, Bùi Minh Hải lại thất bại trước tay vợt của Malaysia và hai tay vợt của Thái Lan. Tại nội dung đôi môn cầu lông, cặp VĐV Hoàng Mạnh Giang-Trương Ngọc Bình đã thắng cách biệt cặp VĐV của Đài Loan (Trung Quốc) với tỷ số 2-0.

Trong số 22 môn thể thao, 3 môn đua thuyền canoeing, taekwondo và cờ vây sẽ lần đầu tiên được tổ chức tại Asian Para Games. Điền kinh dành cho người khuyết tật sẽ là môn thể thao có nhiều VĐV với tổng số 656 người, trong khi, sau màn ra mắt thành công tại Paralympic Tokyo 2020, taekwondo dành cho người khuyết tật được kỳ vọng sẽ là một trong những điểm nhấn lớn tại Hàng Châu 2022.

Tại đại hội này, nước chủ nhà Trung Quốc có số thành viên tham dự nhiều nhất với 439 VĐV - gấp đôi so với Asian Para Games 2018 với hy vọng giữ vị trí số 1 sau khi đứng đầu bảng xếp hạng huy chương tại Paralympic Tokyo 2020 (giành 97 Huy chương vàng).

Chỉ còn chưa đầy một năm nữa là đến Paralympic Paris 2024, bởi thế Asian Para Games 4 là cơ hội để các VĐV giành quyền tham dự. Ở môn bóng bàn, một suất tham dự sẽ thuộc về người chiến thắng ở nội dung đánh đơn. Ở môn quần vợt xe lăn, đội vô địch ở nội dung đơn nam và đơn nữ sẽ giành được vé đến Paris.

Biểu tượng của Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á Hàng Châu gồm hình ảnh một VĐV ngồi trên xe lăn đang nỗ lực tiến về phía trước, toát lên sự năng động, nghị lực và niềm đam mê. Logo cũng bao gồm một đường chạy được hình thành bởi 10 đường bắn cung từ mầu tím sang mầu đỏ và sau đó là mầu vàng - phản ánh thủy triều dâng cao của sông Tiền Đường chạy qua Hàng Châu. Ông Chen Weiqiang, Phó Tổng thư ký Asian Para Games và Phó Thị trưởng Hàng Châu cho biết: “Biểu tượng phù hợp khái niệm: ánh nắng, sự hòa hợp, tự hoàn thiện và chia sẻ”.

Trong khi đó, linh vật đại hội được lấy cảm hứng hình ảnh chú chim mang lại hạnh phúc và là sứ giả của niềm vui cũng như sự khác biệt về văn hóa. Đó là sự kết hợp giữa di sản của Hàng Châu và động lực đổi mới công nghệ, mang theo khát vọng chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Chữ “fei” đầu tiên có nghĩa là chim bay, hàm ý sự hòa nhập, tôn trọng và tình huynh đệ của xã hội loài người. Và chữ “fei” thứ hai tượng trưng cho tinh thần kiên trì của các VĐV khuyết tật theo đuổi ước mơ và vượt lên chính mình. Kéo dài từ đôi cánh đến má là hoa văn tinh túy của văn hóa Liangzhu, với đôi cánh nâng lên thể hiện vẻ đẹp năng động. Chữ “i” trên vương miện tượng trưng cho trí thông minh và cũng tượng trưng cho Hàng Châu là “Thành phố Internet”, thành phố nhấp nháy mầu xanh lam khi “cô chim” vui vẻ hoặc chơi thể thao. Chiếc nhẫn gồm 45 chấm trên ngực “cô chim” tượng trưng cho sự đoàn tụ vui vẻ của tất cả thành viên Ủy ban Paralympic châu Á.

Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự đại hội với 48 VĐV, tranh tài ở 7 môn: Điền kinh, bơi, cử tạ, cờ vua, bóng bàn, cầu lông và taekwondo. VĐV nổi bật nhất của thể thao Việt Nam là nhà đương kim vô địch cử tạ thế giới Lê Văn Công. Anh vừa đoạt chiếc Huy chương vàng thế giới tại Saudi Arabia vào tháng 8/2023. Ngoài ra, đội tuyển cử tạ người khuyết tật Việt Nam còn nhiều gương mặt nổi bật là Nguyễn Bình An (đã vô địch hai kỳ liên tiếp ở hạng 54 kg nam) và Đặng Linh Phượng (đương kim vô địch hạng 50 kg nữ). Bên cạnh đó, môn bơi cũng là thế mạnh của Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam với nhiều VĐV nổi bật như: Võ Thanh Tùng (Huy chương bạc Paralympic 2016, 3 Huy chương vàng Asian Para Games 3), Nguyễn Thành Trung (1 Huy chương vàng Asian Para Games 3)…

Theo Nhân Dân Điện tử

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/the-thao-giai-tri/202310/nhung-trai-tim-hoi-tu-va-giac-mo-toa-sang-0e42bf8/