Những trái tim 'thắp lửa' (bài cuối)

Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là một mặt trận không có tiếng súng, nhưng mỗi lần xung trận, những người lính phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ luôn phải đối mặt với hiểm nguy, nhiều khi đánh đổi cả tính mạng. Cuộc chiến với giặc lửa luôn là cuộc chiến cam go, cứu nạn cứu hộ chưa bao giờ là công việc nhàn hạ, nhưng vượt lên trên hết, bằng tinh thần quả cảm của người chiến sĩ, bằng tình yêu đối với đồng bào, đồng chí, họ vẫn lao vào lửa cháy, sông sâu, 'vì nước quên thân, vì dân phục vụ' như lời Bác Hồ căn dặn. Họ đã 'thắp lửa' trong tim để chiến thắng những ngọn lửa, lặng thầm nhưng lại tỏa sáng như ánh dương trong màn đêm.Tạp chí Xây dựng Đảng xin gửi tới bạn đọc chùm 3 bài viết của nhóm tác giả Huy Nam - Thái Hưng về những tập thể điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cuộc chiến chống 'giặc lửa' cam kho, khốc liệt.Những trái tim 'thắp lửa' (bài 1)Những trái tim 'thắp lửa' (bài 2)

Đội tìm kiếm cứu nạn và cứu hộ Bộ Công an hoàn thành nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ, về đến sân bay quốc tế Nội Bài. (Ảnh: TTXVN).

BÀI 3: MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Giúp đỡ một dân tộc khác bảo vệ độc lập tự do của họ cũng chính là bảo vệ lợi ích của đất nước mình, "giúp bạn là tự giúp mình". Vì lẽ đó, Người luôn động viên nhân dân Việt Nam vừa tiến hành sự nghiệp bảo vệ độc lập tự do của dân tộc mình, vừa thực hiện sự giúp đỡ vô tư chí tình, chí nghĩa đối với các dân tộc anh em. Từ chủ nghĩa quốc tế trong sáng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng và xây dựng nên tình đoàn kết quốc tế rộng lớn của nhân dân Việt Nam với các dân tộc trên thế giới, góp phần vào những thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới. Tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam nói chung, lực lượng chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ nói riêng đã phát huy tinh thần quốc tế trong sáng, giữ vững truyền thống nhân văn, ưu việt của dân tộc Việt Nam, khẳng định uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhiệm vụ chính trị đặc biệt

Sáng ngày 6-2-2023, hai trận động đất và và hàng trăm rung chấn đã xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong phút chốc, nhiều vùng lãnh thổ của đất nước này đổ sụp, trở nên tan hoang, tiêu điều, chôn vùi rất nhiều người dân trong đống đổ nát. Tính đến ngày 9-2 (3 ngày sau xảy ra động đất), số người chết đã lên đến 16.000 người, hàng chục nghìn căn nhà bị phá hủy, ước tính 13,5 triệu người tại khu vực bị ảnh hưởng.

Trước những mất mát lớn, cả thế giới cùng hướng về Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có Việt Nam. Với tinh thần đoàn kết quốc tế, Việt Nam đã nhanh chóng cử các lực lượng tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn, hỗ trợ người dân Thổ Nhĩ Kỳ. 24 chiến sĩ, sĩ quan Công an tinh nhuệ, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm tham gia nhiều vụ cứu nạn, cứu hộ được cử lên đường làm nhiệm vụ chính trị đặc biệt.

Hình ảnh tại nơi đoàn cứu nạn, cứu hộ quốc tế Việt Nam tìm kiếm người dân Thổ Nhĩ Kỳ bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Ảnh: TL.

Đây là lần đầu tiên Bộ Công an tổ chức một đoàn cứu nạn, cứu hộ của Bộ làm nhiệm vụ quốc tế tại khu vực xảy ra thảm họa ở rất xa lãnh thổ Việt Nam. Thời điểm đó, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã khẳng định: “Việc tham gia của Đội cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng góp, chia sẻ một phần sức lực của Việt Nam đối với nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời thể hiện cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước với vai trò là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề khó khăn, thách thức và duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới".

Nhiệm vụ gấp gáp, những người lính cứu hỏa phải lên đường chỉ sau vài giờ nhận lệnh. Với tác phong chuyên nghiệp, tính kỷ luật và chiến đấu cao, họ đã khắc phục mọi khó khăn để lên đường đúng thời gian. Nhiều chiến sĩ chỉ kịp chuẩn bị vài bộ quần áo, ăn vội cái bánh bao rồi lên xe ra sân bay. Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ (C07, Bộ Công an) nhận nhiệm vụ gấp cũng không kịp về nhà. Hay Trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an TP. Hồ Chí Minh, trên chuyến xe gấp rút ra sân bay chỉ kịp gửi lời nhắn nhủ vội vàng qua điện thoại với vợ con: "Em và con ở nhà giữ sức khỏe, đừng lo cho anh, anh đi làm nhiệm vụ xong sẽ về".

Lần đầu làm nhiệm vụ ở một nơi xa Tổ quốc, biết trước sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, nhưng ai cũng hồi hộp, mong ngóng để đặt chân đến Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ, giúp đỡ người dân nơi đây. Trung tá Thành trước khi lên đường đã bộc bạch: “Ở Việt Nam, tôi đã từng tham gia nhiều vụ cứu nạn, cứu hộ. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên đến làm nhiệm vụ ở một đất nước rất xa xôi, không khỏi tự hào khi là một trong những người Việt Nam đi làm nhiệm vụ quốc tế. Tôi hy họng sẽ áp dụng tất cả kỹ năng, kinh nghiệm tốt nhất của mình trong nhiệm vụ đặc biệt này”.

Với lòng tự hào dân tộc, tinh thần sẵn sàng nhất, chiều 9-2-2023, các chiến sĩ PCCC và Cứu nạn cứu hộ Việt Nam đã lên đường thực hiện nhiệm vụ quốc tế, cứu hộ cứu nạn thảm họa động đất xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ - một nhiệm vụ chính trị đặc biệt chưa từng có trong cuộc đời!

“Thương người như thể thương thân”

Đoàn công tác của Việt Nam tìm kiếm, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: TL.

Ngày 10-2, Đội Cứu nạn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam đặt chân đến sân bay Istanbul, rồi tiếp tục nối chuyến bay đến thành phố Adana, phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thảm họa động đất. Sáng sớm 11-2 (giờ địa phương), Đội cứu hộ Việt Nam đã đến nơi có các tòa nhà bị sập trên đường 531, thuộc thành phố Adiyaman để phối hợp cùng lực lượng quốc tế tiến hành đào bới, tìm kiếm, giải cứu các nạn nhân mắc kẹt trong những đống đổ nát.

Dù đã 5 ngày trôi qua sau trận động đất nhưng hy vọng về sự sống vẫn còn nhen nhóm. Đoàn công tác chia làm hai nhóm: Nhóm 1 làm công tác cứu nạn, cứu hộ theo sự phân công của ban tổ chức; sử dụng thiết bị ca-mê-ra dò tìm người bị nạn. Nhóm 2 phân loại thiết bị y tế để trợ giúp cho nạn nhân... Tình hình rất khó khăn, khối lượng công việc vô cùng nhiều, ai cũng nỗ lực từng phút, từng giờ, chạy đua với thời gian để tìm kiếm người còn sống. Đại tá Nguyễn Minh Khương cho biết, chính quyền địa phương hỗ trợ máy cào (máy xúc), còn nhóm tìm kiếm cứu nạn phần lớn sử dụng thiết bị cầm tay. Máy cào đến đâu, lực lượng cứu hộ theo đó tìm kiếm đến từng ngóc ngách…

Thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo, cán bộ Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Khu vực 4 (Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Công an TP. Hà Nội) nhớ lại: “Ngày 11-2, khi đang đào bới, đội cứu hộ Việt Nam nghe thấy tiếng gõ vọng ra từ bên trong đống đổ nát. Khoảnh khắc khiến cả đội gần như không tin nổi, bởi đã 6 ngày trôi qua mà vẫn có người còn sống. Chúng tôi cùng nhau hô to "Hello" để báo hiệu cho nạn nhân, đáp lại chúng tôi tiếp tục là những tiếng gõ. Từng tiếng từng tiếng như mệnh lệnh hối thúc chúng tôi đào bới nhanh nhất có thể, thận trọng nhất có thể, bằng mọi giá đưa nạn nhân ra ngoài”. Cuối cùng, mọi nỗ lực đã mang lại kết quả. Trong đêm tối, một thiếu niên 17 tuổi được đưa ra khỏi khu đổ nát an toàn. Khoảnh khắc đó là phép màu, là kỳ tích, là niềm hạnh phúc vỡ òa của tất cả những người có mặt tại đó.

Qua từng ngày, khi hy vọng về sự sống dưới những đống đổ nát càng ít dần đi, lòng ai nấy đều nặng trĩu, xót xa. Mỗi chiến sĩ không khỏi đau lòng khi đôi bàn tay chạm vào thi thể những nạn nhân xấu số, xót xa trong tiếng khóc xé lòng của người dân. Hay khi tới hiện trường một ngôi nhà bị sập, khi từng mảng bê tông được lật lên là thi thể của cả một gia đình, thi thể em nhỏ vẫn nằm gọn trong vòng tay cha mẹ. Đó là kí ức đầy ám ảnh, nỗi đau nhói trong tim khó thể nào quên của mỗi người lính cứu hộ.

Cán bộ, chiến sĩ Đội cứu nạn, cứu hộ Việt Nam tranh thủ ăn nhanh tại hiện trường, chạy đua với thời gian để tìm kiếm các nạn nhân còn sống sót. Ảnh: TL.

Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an – Trưởng đoàn công tác chia sẻ: Các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Việt Nam đã có những ngày căng mình chiến đấu trong thời tiết khắc nghiệt, điều kiện thiếu thốn. Đoàn dựng ba lều trại tại một trường học. Trời rất lạnh, ban đêm nhiệt độ xuống âm 4 - 6oC, ban đầu nhiều CBCS chưa thích nghi kịp nên không ngủ được. Việc thích ứng cái lạnh và lệch múi giờ khiến CBCS mất sức rất nhiều. Các điều kiện sinh hoạt khác đều thiếu thốn. Đoàn chủ yếu ăn cơm, mỳ gói, bánh mì để có sức duy trì nhịp làm việc luôn hối hả. Nguồn nước hạn chế nên ưu tiên để uống và nấu cơm, nấu mỳ, việc tắm gội phải hạn chế hết mức. Bất đồng ngôn ngữ giữa các nhóm cứu hộ cũng khiến việc phối hợp gặp một số khó khăn…

Dù gian nan, cực khổ, nhưng CBCS Đội cứu hộ Việt Nam chưa một lần nhụt ý chí. Tình yêu thương, lòng nhân ái truyền thống của người Việt Nam là sức mạnh tinh thần, là động lực để mỗi CBCS quyết tâm, mang hết sức mình cứu người bị nạn. Những ngày gian khổ ấy, tinh thần dân tộc, niềm tự hào là con người Việt Nam đang hỗ trợ bạn bè quốc tế là niềm thiêng liêng cao cả nhất!

Dấu ấn Việt Nam

Dấu ấn Việt Nam trên đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: TL.

Sau 7 ngày làm nhiệm vụ, với tinh thần làm việc không biết mệt mỏi, Đoàn cứu hộ Việt Nam đã cứu được 1 nạn nhân còn sống và tìm được 14 thi thể nạn nhân đưa ra ngoài. Ngoài hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, Đội còn trao thuốc thiết yếu và trang bị y tế cho Sở Y tế thành phố Adiyaman; tổ chức thăm hỏi người dân, tặng mì gói cho Quân đội và người dân Thổ Nhĩ Kỳ sống gần khu vực đoàn làm nhiệm vụ. Cán bộ của Đội đã chế tạo bếp lửa dã chiến từ thùng phuy để giúp bà con sưởi ấm dưới trời lạnh giá. Trước khi quay trở lại Việt Nam, Đội cũng đã trao tặng lại các trang thiết bị cứu nạn cứu hộ cho nước bạn. Những hành động, việc làm xuất phát từ trái tim mỗi người lính cứu hộ Việt Nam thực sự là nguồn động viên kịp thời, ý nghĩa đối với người dân Thổ Nhĩ Kỳ trong hoàn cảnh ngặt nghèo.

Đại tá Nguyễn Minh Khương kể lại, khi gặp các thành viên của đoàn Việt Nam, người dân địa phương và lực lượng cứu hộ của Thổ Nhĩ kỳ đã đặt tay lên ngực trái để thể hiện sự cảm động và biết ơn bằng tất cả trái tim. Trong mất mát đau thương, người dân nơi đây phần nào được an ủi động viên bởi tình người ấm áp, bằng sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trong đó có những người lính cứu nạn cứu hộ thuộc lực lượng vũ trang Việt Nam.

Ngày 19-2-2023, 24 thành viên Đội cứu nạn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam đã trở về nước an toàn, hoàn thành sứ mệnh nhân đạo cao cả. Các CBCS trong Đội đã chứng minh cho bạn bè quốc tế thấy người Việt Nam có thể thực hiện được tốt công tác cứu nạn cứu hộ với tinh thần kiên cường, không ngại khó khăn, gian khổ. Đây là minh chứng khẳng định năng lực tham gia và khả năng hoàn thành các nhiệm vụ quốc tế của lực lượng vũ trang Việt Nam, truyền tải thông điệp về đất nước, con người Việt Nam thân thiện, nhân ái, nghĩa tình, nhân đạo, đoàn kết quốc tế cao cả.

Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam, ông Haldun Tekneci cho biết: Thổ Nhĩ Kỳ đã phải trải qua một trong những thảm họa động đất nặng nề nhất trong lịch sử, rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên cử lực lượng tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ của Bộ Công an, sau đó là Bộ Quốc phòng tới Thổ Nhĩ Kỳ. “Tôi xin trân trọng cảm ơn Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã đóng góp to lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ. Cảm ơn các đội tham gia cứu hộ, cứu nạn cũng như gia đình của họ, đã quên mình phục vụ và không ngại hiểm nguy tại đất nước chúng tôi”, ông Haldun Tekneci nói những lời xúc động. Ông khẳng định, nghĩa cử cao đẹp đã thể hiện rõ cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện sứ mệnh nhân đạo toàn cầu. Điều này thể hiện mối quan hệ hết sức tốt đẹp mà Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam đã theo đuổi trong nhiều năm qua.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ xúc động cảm ơn sự giúp đỡ của các chiến sĩ công an Việt Nam. Ảnh: TL.

Dù triển khai nhiệm vụ trong khoảng thời gian rất ngắn, phải đối mặt với điều kiện vô cùng khó khăn khắc nghiệt về thời tiết, những hiểm nguy từ các rung chấn còn tiếp diễn, những khó khăn về ngôn ngữ, tập quán, điều kiện ăn ở, sinh hoạt và làm việc, nhưng với tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, trình độ và ý chí quyết tâm cao, đội cứu nạn cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đã phát huy tốt tinh thần quốc tế cao cả, truyền thống “đâu cần Công an có, đâu khó có Công an”. Việc làm đó rất đáng trân trọng, thể hiện trách nhiệm, năng lực, uy tín của lực lượng công an trước các vấn đề an ninh phi truyền thống.

Có thể khẳng định rằng 24 cán bộ Công an Việt Nam, trong đó chủ yếu là các chiến sĩ PCCC và cứu nạn cứu hộ từ Nam ra Bắc chính là những sứ giả hòa bình đã nỗ lực hết mình thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, vì cuộc sống bình yên của người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Họ đã góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam với tinh thần hợp lực quốc tế phòng, chống thiên tai, thảm họa.

Ngày 17-3-2023, trong buổi gặp mặt đoàn công tác Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã tham gia cứu nạn cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đây lần đầu tiên chúng ta triển khai lực lượng cứu nạn cứu hộ đi giúp đỡ một nước. Việc tham gia của Đoàn không chỉ khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, mà còn là minh chứng năng lực và khả năng hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn. Điều này truyền tải thông điệp về đất nước, con người Việt Nam nhân ái, nghĩa tình, đoàn kết quốc tế - như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

Huy Nam - Thái Hưng

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/hoc-va-lam-theo-bac/nhung-trai-tim-thap-lua-bai-cuoi-19941