Những trang lưu bút của liệt sĩ Cao Văn Tuất được cựu binh Mỹ lưu giữ hơn 50 năm

'Đá phải là đá kim cương/ Hoa phải là hoa hướng dương/ Chim phải là chim bồ câu trắng/ Người phải là người cộng sản'… Đó là những dòng lưu bút trích từ cuốn sổ đặc biệt của người lính Cao Xuân Tuất (tức là liệt sĩ Cao Văn Tuất ở thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh).

Lưu bút của chiến sĩ trẻ Cao Xuân Tuất. Ảnh: Đặng Huyền từ New York.

Lưu bút của chiến sĩ trẻ Cao Xuân Tuất. Ảnh: Đặng Huyền từ New York.

Cơ quan chức năng xác minh thông tin tại nhà ông Hà Huy Mỳ ở xã Kỳ Xuân. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Ngôi nhà của gia đình ông Hà Huy Mỳ (cháu của liệt sĩ Cao Văn Tuất) ở xã biển Kỳ Xuân những ngày này tấp nập người vào ra. Cả gia đình ông Mỳ đang ngày đêm mong ngóng được tiếp nhận kỷ vật đặc biệt của liệt sĩ Cao Văn Tuất.

Nước mắt của những người ở lại đã lăn dài trên má khi cơ quan chức năng Hà Tĩnh nhận định cuốn sổ do cựu binh Mỹ lưu giữ suốt 56 năm qua chính là kỷ vật, bút tích của liệt sĩ Cao Văn Tuất, cuốn sổ mang tên Cao Xuan Tuat.

Ông Hà Huy Mỳ - cháu của liệt sĩ Cao Văn Tuất - xúc động khi nhìn thấy lưu bút của cậu. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Ông Hà Huy Mỳ (cháu của liệt sĩ Cao Văn Tuất) cho biết, liệt sĩ Tuất là con thứ 2 trong gia đình có 4 chị em, bố mẹ và một người em gái đã mất, hiện chỉ còn hai chị gái đang sống.

“Năm 1972, sau khi nhận được giấy báo tử của cậu, gia đình chúng tôi không có bất kỳ tin tức gì của cậu, kể cả di ảnh, di vật hay phần mộ. Khi nhìn những bức ảnh có bút tích của cậu, cả gia đình tôi ai cũng xúc động. Chúng tôi chỉ mong sớm được nhận lại kỷ vật của cậu”, ông Hà Huy Mỳ chia sẻ.

Ông Trần Nhật Tân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh nỗ lực tìm kiếm chủ nhân cuốn lưu bút.

Sau nhiều ngày nỗ lực kết nối, ông Trần Nhật Tân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh đã ghi nhận được đầy đủ 104 trang trong cuốn sổ.

Chiến sĩ Cao Xuân Tuất bắt đầu ghi lưu bút vào cuốn sổ đặc biệt vào ngày 20/7/1966.

Ảnh: Đặng Huyền từ New York.

Lần dở từng trang viết tay với những điểm nhấn là chữ nghệ thuật và phong cảnh, hoa văn, nội dung cuốn sổ thể hiện, chiến sĩ Cao Xuân Tuất không chỉ có tài hoa, tâm hồn của một thi sĩ mà còn chất chứa lý tưởng cách mạng cao đẹp.

Cuốn sổ lưu bút đã khắc họa quyết tâm của người chiến sĩ cộng sản Cao Xuân Tuất. Ảnh: Đặng Huyền từ New York.

Cuốn sổ ngoài những vần thơ, bản nhạc chép lại còn có những trang thư nhắn gửi yêu thương đến mẹ, chị gái, và người “em” đặc biệt.

Cuốn sổ lưu bút đã khắc họa quyết tâm của người chiến sĩ cộng sản qua những khẩu hiệu, phương châm sống của chàng trai “mãi mãi tuổi 20” - Cao Xuân Tuất.

Chiến sĩ Cao Xuân Tuất. Ảnh: Đặng Huyền từ New York.

Thông qua ngòi bút của mình, chiến sĩ Cao Xuân Tuất đã thể hiện lý tưởng cách mạng: “Sống như những người cộng sản, làm việc đưa hết thân mình phục vụ cho cách mạng”; “Đảng là mẹ hiền, tổ quốc trên hết, thanh niên anh dũng tiến lên”; “Tổ quốc hòa bình, gia đình hạnh phúc”.

Lời dạy của Bác Hồ “trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” được chiến sĩ trẻ Cao Xuân Tuất khắc ghi.

Với người “em” đặc biệt, chiến sĩ Cao Xuân Tuất kìm lòng: “Anh biết rồi sẽ phải xa em/ Vì một lẽ giản đơn em nhỉ/ Tổ quốc cần anh chiến sĩ/ Giải phóng quân chiến đấu vì dân/ Lúc này Đảng, Tổ quốc đang cần/ Thì em ơi, tình riêng đành đôi ngả”…

Những dòng lưu bút viết cho "em". Ảnh: Đặng Huyền từ New York.

Cũng trong những dòng cảm xúc nhớ thương “gửi em”, người chiến sĩ trẻ vẫn tự hứa với lòng: “Anh sẽ luôn trau dồi công tác, luyện tập cầm chắc tay súng…”; “Ngày mai hết chuyện chiến tranh/ Bắc Nam thống nhất thì anh trở về”.

Ngày 24/11/1966, giữa chiến trường khốc liệt, con trai duy nhất của ông Cao Xuân Kế, bà Lê Thị Vỹ “Nhắn mẹ”: Đêm giao thừa lòng con nhớ mẹ/ Trời đã khuya gió nhè nhẹ từng cơn/ Lòng con luôn những bồn chồn/ Hương tàn thoáng giữa vần mến thương/ Con xa mẹ trăm đèo ngàn nhớ…”.

Những lời tâm sự với mẹ được chiến sĩ Cao Xuân Tuất viết vào ngày 24/11/1966 cũng khép lại dòng lưu bút. Ảnh: Đặng Huyền từ New York.

“Mẹ ơi lòng con như sóng dâng cao, như dòng phi lao góp gió, vì quê mình đấu tranh cho 2 miền thống nhất yên vui mẹ ơi... Mẹ ơi miền Nam sóng gió hôm nay, như ngày mai đây mây đan trời trong sáng, như hai miền với nhịp cầu Hiền Lương, mẹ con sẽ đoàn viên xóa hết buồn và thương”.

Đằng sau từng câu chữ, nét vẽ ấy là nỗi nhớ, khát khao đoàn tụ với gia đình, quê hương.

Những lời tâm sự với mẹ được chiến sĩ Cao Xuân Tuất viết vào ngày 24/11/1966 cũng khép lại dòng lưu bút. Những trang giấy trắng vẫn còn nhưng chiến sĩ trẻ đã ra đi, hóa thân mình trong lòng đất Mẹ thiêng liêng.

Những dòng lưu bút của chiến sĩ trẻ thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước, thể hiện quyết tâm “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Giữa mưa bom, bão đạn nhưng chiến sĩ trẻ ấy vẫn lạc quan, yêu đời. Anh đã gác lại tình riêng để “đi gìn giữ bầu trời tự do, giải phóng quê hương”.

Nhưng ý chí của người chiến sĩ cộng sản, lý tưởng sống của người lính “mãi mãi tuổi 20” Cao Xuân Tuất - Cao Văn Tuất … vẫn còn sống mãi với thời gian.

Chiến sĩ Cao Xuân Tuất viết: "Tổ quốc hòa bình, gia đình hạnh phúc" . Ảnh: Đặng Huyền từ New York.

Trước đó, trong bài viết “Hành trình tìm chủ nhân cuốn sổ đặc biệt do cựu quân nhân Mỹ lưu giữ hơn nửa thế kỷ”, Đại Đoàn Kết Online đã thông tin, cuốn sổ có tên Cao Xuan Tuat được cựu binh người Mỹ - Peter Mathews nhặt được vào tháng 11/1967, trong chiến dịch Đắk Tô - Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum).

Cuốn sổ được Peter Mathews lưu giữ trong một chiếc hộp trên gác mái căn nhà của ông ở Bergenfield, New Jersey, Mỹ. Hơn nửa thế kỷ cất giữ lưu bút của người lính Việt Nam, khi ở tuổi 77, cựu quân nhân Mỹ mới mở lòng. Ông đăng thông tin tìm kiếm chủ nhân cuốn sổ trên các trang web, Facebook cá nhân.

Ngày 27/1/2023, tờ NorthJersey (Mỹ) đăng tải câu chuyện của cựu quân nhân Peter Mathews với khát khao tìm kiếm, trao trả kỷ vật cho chủ nhân cuốn sổ.

Ngày 30/1, ông Trần Nhật Tân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh nắm được thông tin. Sau nhiều ngày nỗ lực tìm kiếm, xác minh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh và cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã tìm được chủ nhân cuốn lưu bút.

Ở tuổi 77, cựu binh Peter Mathews mới mở lòng.

“Tôi rất mong được gặp gia đình liệt sĩ Cao Văn Tuất và tận tay gửi trả lại cuốn nhật ký, giúp vơi đi nỗi đau và sự mất mát trong họ. Họ mới là chủ nhân thực sự của cuốn nhật ký và có toàn quyền quyết định những bước tiếp theo.

Ngoài ra, tôi thật sự ấn tượng với những gì đã xảy ra trong khoảng thời gian qua. Tôi biết ơn người Việt Nam vì lòng tốt và sự trợ giúp của các bạn. Tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến mọi người. Sự hỗ trợ và ủng hộ của người Việt Nam đã vượt quá sức tưởng tượng của tôi. Một lần nữa, từ tận đáy lòng, tôi cảm ơn các bạn!” - ông Trần Nhật Tân dịch, trích dẫn từ email của cựu quân nhân Mỹ Peter Mathews.

Căn cứ vào các thông tin, bản trích lục liệt sĩ và kết quả thẩm tra xác minh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh nhận định: Liệt sĩ Cao Văn Tuất ở thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh là tác giả của cuốn sổ có tên Cao Xuan Tuat. Cuốn sổ được cựu binh Mỹ - Peter Mathews lưu giữ suốt 56 năm qua.

Hạnh Nguyên - Cẩm Kỳ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhung-trang-luu-but-cua-liet-si-cao-van-tuat-duoc-cuu-binh-my-luu-giu-hon-50-nam-5709319.html