Những trang văn đẹp của một nhân cách đẹp

Đầu năm 2016, tôi được nhận một món quà đặc biệt từ một người thầy, một nhà văn thế hệ đi trước của lực lượng BĐBP. Cuốn sách 'Chuyện thần kỳ ở chốn non xanh' dày gần 300 trang, gồm 34 truyện sinh động, thú vị về các loại động vật hoang dã sống ở nơi núi rừng biên giới mà những tháng năm quân ngũ, nhà văn Trần Hữu Tòng đã từng trải qua. Vốn đã đọc hầu hết các trang văn của ông, từng làm phim về ông, song cho đến khi thưởng thức hết trang sách cuối cùng, tôi thú vị nhận ra một Trần Hữu Tòng ở tuổi xưa nay hiếm nhưng tâm hồn thì vẫn trẻ trung, hóm hỉnh như anh lính Biên phòng 'tò te' ngày nào.

Nhà văn Trần Hữu Tòng. Ảnh: CTV

Sinh năm 1938, ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, có thể nói rằng, tuổi thơ của nhà văn Trần Hữu Tòng rất éo le. Chào đời chưa bao lâu, do hoàn cảnh gia đình, ông được chị gái của mẹ mình đón về nuôi. Tháng 4 năm 1954, Trần Hữu Tòng nhập ngũ khi mới 16 tuổi và là một trong những người đầu tiên xẻ núi, mở rừng xây dựng Đồn BP Cầu Treo. Nhà văn chân thành chia sẻ rằng, ông xuất thân từ một người lính Biên phòng trong những năm đầu tiên thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Tác phẩm khởi đầu cho nghiệp cầm bút của ông được ra đời nơi biên viễn nên các tác phẩm viết về biên giới và hình tượng người lính Biên phòng luôn là đề tài xuyên suốt trên những trang viết của ông. Chính vì thế, trong suy nghĩ của lớp nhà văn hậu bối như chúng tôi, một tác giả là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1981, thuộc Chi hội Nhà văn Công an nhân dân với hơn 30 đầu sách thì đường văn nghiệp của ông thực sự rất đáng ngưỡng mộ và trân trọng.

Năm 1959, từ Đồn Công an nhân dân vũ trang Cầu Treo, Trần Hữu Tòng được điều về Cục Chính trị Công an nhân dân vũ trang và trở thành một trong những thành viên sáng lập báo Công an nhân dân vũ trang - nay là báo Biên phòng. Con đường văn chương đến với ông một cách thật tình cờ. Năm 1963, Cục Chính trị yêu cầu ông lên Đồn BP Leng Su Sìn, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cũ, nay thuộc tỉnh Điện Biên - nơi ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào, một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe để viết về tấm gương của liệt sĩ Trần Văn Thọ.

Ngày đó, anh Thọ đã kiên trì bám địa bàn, bám dân; cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào. Anh dành dụm từng đồng từ khoản lương ít ỏi của mình rồi đi bộ leo núi suốt hai tháng trời về xuôi gùi cái cày và hạt giống lúa nước lên dạy bà con làm ruộng, kêu gọi bà con định cư trồng lúa nước, mang lại một cuộc sống mới cho bản làng nơi đây. Do công tác ở vùng rừng thiêng nước độc, Trần Văn Thọ bị sốt rét ác tính và hy sinh, khi chưa kịp có một tổ ấm cho riêng mình.

Chuyến đi thực tế gian khó đó, cơn sốt rét ác tính đã suýt cướp đi sinh mạng của ông. Trong suốt 3 tháng ở cùng đồng bào, vừa chống chọi với bệnh tật, ông vừa thu thập tài liệu để viết thành công tác phẩm "Trung với Đảng, hiếu với dân", được in khổ nhỏ để có thể dễ dàng bỏ trong ba lô của những người lính trên đường ra mặt trận, góp phần không nhỏ để liệt sĩ Trần Văn Thọ được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

"Anh hùng như Nguyễn Văn Trỗi; dũng cảm như Nguyễn Viết Xuân; tận tụy với dân như Trần Văn Thọ" - khẩu hiệu ấy đã luôn vang lên trong suốt hành trình chống Mỹ của những người chiến sĩ. Từ tác phẩm đầu tay này, ông đã dày công viết thành tập truyện "Bên dòng Păng Pơi". Cố nhạc sĩ Vũ Hiệp Bình từng nhận xét rằng, các tác phẩm viết về người lính, đặc biệt là lực lượng BĐBP của nhà văn Trần Hữu Tòng thực sự rất có ý nghĩa, mang lại nhiều câu chuyện xúc động của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đứng chân trên miền biên ải.

Khiêm tốn một cách chân thành, Trần Hữu Tòng tự nhận mình không phải là người có năng khiếu văn chương bẩm sinh. Ông trở thành nhà văn của vùng biên ải vì ông yêu văn chương và muốn viết về cuộc sống với những hy sinh thầm lặng của đồng đội mình và sự kiên gan giữ đất, giữ bản làng của cộng đồng các dân tộc nơi biên giới - điều mà không phải ai cũng biết, cũng nhìn thấy. Là người lính, nhà văn Trần Hữu Tòng hiểu điều đó hơn ai hết. Mỗi khi có dịp thuận lợi là ông lại lên biên giới để tìm cảm hứng sáng tác và lấy thêm tư liệu để viết.

Ông có mặt ở những nơi gian truân nhất, thâm nhập hồ sơ tội phạm, lấy tư liệu về các chuyên án lớn của lực lượng Biên phòng để viết truyện ngắn, truyện ký hoặc các ký sự dài kỳ. Từ những ghi chép điền dã ấy, người lính Biên phòng đã bước vào các tác phẩm của ông và trở thành những hình tượng đẹp của lòng quả cảm, đức hy sinh. Những câu chuyện giản dị, chân thành như cây rừng của người dân vùng biên không chỉ là nguồn cảm hứng cho các sáng tác của ông, mà còn là điểm nhấn quan trọng, tạo sự khác biệt và đa dạng về văn hóa trong văn của Trần Hữu Tòng.

Trong các tác phẩm văn học ở nhiều thể tài, thể loại của nhà văn Trần Hữu Tòng, giá trị tư tưởng của tác phẩm và phương pháp xây dựng các chi tiết cụ thể được đánh giá là thế mạnh của ông. Tất nhiên, để có được điều đó đòi hỏi người nghệ sĩ phải có những trải nghiệm thực tế và sự tâm huyết với nghề văn mà tiêu biểu cho nhận định đó là truyện ngắn "Rừng Thiêng", một tác phẩm độc đáo đã được trao giải Nhất trong cuộc vận động sáng tác về đề tài Biên phòng năm 2009.

Truyện kể về sự mất tích bí hiểm của một chiến sĩ, Trần Hữu Tòng đã tạo dựng lại chân dung của người chiến sĩ đó trong tình cảm của đồng đội, của những người dân bản; và qua sự truy tìm nguyên nhân cái chết của người chiến sĩ đó, ông đã đưa người đọc đến với sự huyền bí, mơ mộng của đại ngàn. Người già trong bản nói rằng, hồn thiêng của người chiến sĩ đã hóa thành một thứ hương thơm đặc biệt lan tỏa vào rừng cây gió núi. Đó là một cách ghi công của đất trời, của nhân dân đối với người chiến sĩ. Cùng với kinh nghiệm đi rừng được đan cài trong nhiều truyện đã đưa người đọc đến với vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên mà không phải nơi nào cũng có. Trần Hữu Tòng đã tạo nên sức hấp dẫn cho những ai muốn hiểu hơn về cuộc sống vừa nguy hiểm, vừa lãng mạn của những chiến sĩ làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh ở miền biên giới.

Hay trong tập truyện gần đây nhất - "Chuyện thần kỳ chốn non xanh" đã hấp dẫn người đọc bằng những tình tiết bất ngờ, mới lạ về những con thú trong rừng sâu. Người lính Biên phòng xa gia đình lên biên giới chỉ có đồng đội, đồng bào và những con vật không biết nói làm bạn. Khá nhiều trang viết xuất phát từ thực tiễn chiến đấu của người lính được tái hiện lại qua trang văn đẹp, chân thực và giọng kể hồn hậu: nhờ có dấu vết của con thú, chiếc lông rơi của con chim, hay tiếng kêu thảng thốt của bầy hoẵng mà những người lính Biên phòng đã tìm ra biệt kích, phỉ và tội phạm ma túy. Nói về loài vật nhưng không chỉ là chuyện giải trí, cao hơn cả, đó là tầm tư tưởng của người viết, tính nhân văn của tác phẩm.

Sở hữu hơn 30 đầu sách gồm tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn mà không có tác phẩm nào vắng bóng người chiến sĩ Biên phòng như "Ngôi sao biên cương", "Dấu vết để lại", "Tín hiệu bình yên", "Bên dòng Păng Pơi", "Cơn lốc rừng thông", "Bầy cọp núi", "Cánh rừng và hai vầng trăng", "Bếp lửa đêm rừng", "Phiên gác trăng tà", "Sau màn sương lạnh", "Bóng núi", "Chuyện thần kỳ chốn non xanh" cùng nhiều giải thưởng văn học có giá trị trong hành trình sáng tác của mình, có thể nói rằng, với nhà văn Trần Hữu Tòng, ký ức của một thời trai trẻ, về những miền đất xa xôi nơi biên ải chắc hẳn vẫn luôn tươi mới và là nguồn cảm hứng dồi dào cho ngòi bút của ông.

Xin mượn một câu thơ của nhà văn Trần Hữu Tòng để kết thúc cho bài viết nhỏ này. "Ngàn năm non nước biên phòng/Trao nhau cây súng giữ sông núi nhà/ Người đi ngàn dặm đường xa/ Mang theo phiên gác trăng tà trong mây/Năm nhăm năm đã về đây/Chào anh lính trẻ gác thay phiên mình". Qua 4 câu thơ ấy, tôi chợt cảm thấy nhà văn Trần Hữu Tòng đang trao cho tôi một phiên gác mới, đó là bước tiếp trên đường văn biên giới mà ông và các nhà văn của lực lượng Bộ đội Biên phòng như Lương Sĩ Cầm, Nguyễn Xuân Thái, Đào Quang Thép, Phạm Thanh Khương... đã đi và cống hiến.

Phạm Vân Anh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-trang-van-dep-cua-mot-nhan-cach-dep/