Những tranh cãi về mục tiêu loại bỏ nhiên liệu hóa thạch ở COP28

Đề xuất loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch chắc chắn sẽ gây ra cuộc tranh luận sôi nổi giữa gần 200 quốc gia tham dự Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2023 (COP28) kéo dài hai tuần ở Dubai, UAE.

Tại hội nghị này, các quốc đang xem xét việc kêu gọi chính thức loại bỏ nhiên liệu hóa thạch như một phần trong thỏa thuận cuối cùng nhằm giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu.

Khí thải từ các ống khói của nhà máy Yara France ở Montoir-de-Bretagne gần Saint-Nazaire, Pháp. Ảnh: Reuters

Những bất đồng khó giải quyết

Đề xuất này chắc chắn sẽ gây ra cuộc tranh luận căng thẳng giữa gần 200 quốc gia tham dự hội nghị. Trong khi các chính phủ phương Tây thúc đẩy áp dụng đề xuất, thì các quốc gia sản xuất dầu khí lại phản đối kịch liệt.

Ngày 5/12, nghiên cứu được công bố tại hội nghị cho thấy lượng khí thải CO2 toàn cầu từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm nay, khiến các nhà khoa học dấy lên lo ngại rằng nỗ lực chống biến đổi khí hậu là không đủ để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất.

Trong cùng ngày, dự thảo do cơ quan khí hậu Liên hợp quốc công bố đã đề xuất “kế hoạch loại bỏ nhiên liệu hóa thạch một cách có trật tự và công bằng”. Nếu được thông qua, đề xuất này sẽ trở thành thỏa thuận toàn cầu đầu tiên chấm dứt thời đại dầu mỏ.

Bàn luận về vấn đề này trong hội nghị COP28, CEO của một số công ty năng lượng lớn đã lập luận ủng hộ khai thác dầu khí, nêu bật tiến bộ của họ trong các lĩnh vực như cắt giảm khí mê-tan vốn gây hiệu ứng nhà kính.

Giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí đa quốc gia TotalEnergies Patrick Pouyanne cho biết quá trình cắt bỏ dầu khí sẽ mất nhiều thời gian, vì vậy tập đoàn khẳng định sẽ áp dụng công nghệ để sản xuất dầu và khí đốt theo cách cắt giảm lượng khí thải.

Đặc phái viên khí hậu Kathy Jetnil-Kijiner của Quần đảo Marshall cho biết: “Mặc dù chúng tôi hy vọng về một thế giới nơi thực hiện lời hứa trong Thỏa thuận Paris về ngăn chặn biến đổi khí hậu, nhưng với tư cách là một quốc gia cực kỳ dễ bị ảnh hưởng bởi khí hậu, chúng tôi cần phải thực tế và trung thực về con đường khó khăn phía trước”.

Ba phương án giải quyết nhiên liệu hóa thạch

Văn bản dự thảo thỏa thuận cuối cùng của COP28 bao gồm 3 phương án xử lý nhiên liệu hóa thạch.

Đầu tiên là “loại bỏ một cách có trật tự và công bằng”, theo đó các quốc gia giàu có có lịch sử đốt nhiên liệu hóa thạch lâu đời sẽ phải đẩy tốc độ cắt bỏ nhiên liệu hóa thạch nhanh hơn các quốc gia khác.

Thứ hai là “đẩy nhanh các nỗ lực hướng tới việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch không suy giảm”, và điều thứ ba là tránh đề cập đến việc loại bỏ dần dần.

Hiện Mỹ, 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu cùng các quốc đảo nhỏ dễ bị ảnh hưởng bởi khí hậu đang thúc đẩy việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, nhằm phục vụ cho kế hoạch giảm mạnh lượng khí thải CO2 mà các nhà khoa học cho rằng cần thiết trong thập kỷ này.

Tuy nhiên, không có quốc gia sản xuất dầu và khí đốt lớn nào trên thế giới đang lên kế hoạch ngừng khoan những loại nhiên liệu đó, theo Net Zero Tracker, một tập đoàn dữ liệu độc lập bao gồm Đại học Oxford.

Các nhà sản xuất dầu khí lớn bao gồm Ả Rập Xê Út và Nga đã phản đối các đề xuất loại bỏ dần dần nhiên liệu hóa thạch trước đây. Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết đất nước của ông sẽ hoàn toàn không đồng ý với thỏa thuận kêu gọi giảm dần nhiên liệu hóa thạch.

Trong khi đó, Giám đốc sáng kiến khí hậu quốc tế của Viện Tài nguyên Thế giới David Waskow cho biết ông nghĩ rằng COP28 sẽ không đạt được kết quả nếu thế giới không có kế hoạch rõ ràng về việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu, khí đốt và than đá.

Ngoài ra, văn bản dự thảo cũng bao gồm nội dung kêu gọi mở rộng quy mô công nghệ thu hồi carbon. Điều này có thể nhận phản ứng từ một số quốc gia lo ngại những công nghệ non trẻ như vậy sẽ được sử dụng để biện minh cho việc tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Hoài Phương (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-tranh-cai-ve-muc-tieu-loai-bo-nhien-lieu-hoa-thach-o-cop28-post275350.html