Những triệu phú USD mới tại các chaebol Hàn Quốc

Chương trình tặng cổ phần cho nhân viên tại SK Group - tập đoàn gia đình hàng đầu Hàn Quốc giúp một nhóm nhỏ nhân viên trở thành triệu phú USD...

207 nhân viên SK Biopharmaceuticals được nhận cổ phiếu khi công ty IPO. Ảnh: Yonhap.

207 nhân viên SK Biopharmaceuticals được nhận cổ phiếu khi công ty IPO. Ảnh: Yonhap.

Tại Hàn Quốc, nơi một số gia đình quyền lực nắm sở hữu các tập đoàn khổng lồ - còn gọi là chaebol - kiểm soát hầu hết các ngành công nghiệp và thế hệ trẻ phải chật vật để tiến thân trong công việc, làm giàu nhanh chóng là điều không hề dễ dàng. Nhưng điều này lại xảy ra với một nhóm nhỏ nhân viên của tập đoàn SK Group.

Khi hãng dược SK Biopharmaceuticals Co., thuộc SK Group, niêm yết cổ phiếu vào tháng 7/2020, 207 nhân viên của công ty đã nhận được số cổ phiếu trị giá 119,9 triệu Won (105 triệu USD) theo chương trình sở hữu cổ phần. Nếu được chia đều, mỗi người sẽ nhận khoảng 11.820 cổ phiếu, hiện trị giá 1,5 triệu USD khi giá cổ phiếu tăng vọt.

IPO của SK Biopharmaceuticals huy động được 959,3 tỷ Won (hơn 836 triệu USD), là IPO lớn nhất tại Hàn Quốc trong 3 năm qua. Từ khi lên sàn, giá cổ phiếu công ty này đã tăng gần gấp đôi. Theo điều khoản của chương trình trên, người sở hữu chỉ có thể bán cổ phiếu sau một năm và không áp dụng với những người nghỉ việc tại công ty.

Việc nhiều nhân viên của SK Biopharmaceuticals Co trở thành triệu phú USD sau khi công ty niêm yết gây bất ngờ lớn. Một số người cho rằng đây là dấu hiệu cho sự thay đổi tại Hàn Quốc.

“Trước năm 2000, hiếm khi nhân viên hay kể cả quản lý cấp cao được nắm giữ cổ phiếu của công ty. Thậm chí, người ta còn cho rằng nhân viên sở hữu cổ phần là một mối đe dọa tới công ty”, Chung Sun-sup, CEO của hãng nghiên cứu doanh nghiệp Chaebul.com tại Seoul (Hàn Quốc), cho biết. “Sau khủng hoảng tài chính châu Á, ngày càng nhiều chủ công ty nghĩ đến việc cho nhân viên nắm cổ phần để tạo động lực cho họ đóng góp vào sự phát triển của công ty. Giờ đây, ý tưởng này đang được ứng dụng rộng rãi hơn”.

Các tập đoàn chaebol từ lâu được xem là nguyên nhân làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo tại Hàn Quốc, do vị thế áp đảo và thống trị của họ ở khắp các ngành công nghiệp. Không chỉ vậy, quyền lực của các tập đoàn này còn được duy trì qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, cơ hội phát triển sự nghiệp lại mở ra với những người làm việc tại các chaebol có chương trình tặng cổ phần cho nhân viên. Theo quy định tại Hàn Quốc, họ có thể được ưu đãi nhận tới 20% cổ phần của công ty trong đợt IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng).

"Khó có thể nói rằng quy định này nhằm phân phối tài sản từ những người giàu nhất sang cho người nghèo. Tuy nhiên, nó đóng vai trò như một chất xúc tác giúp thúc đẩy năng suất lao động của nhân viên và mang lại cho họ niềm hy vọng, đặc biệt là tại những công ty mới", Park Ju-gun, chủ tịch cơ quan giám sát doanh nghiệp CEOScore, bình luận.

Một trường hợp nổi bật khác là Kakao Games Corp. IPO vào tháng trước, công ty này đã chia số cổ phần trị giá 36,5 tỷ Won cho một nhóm nhân viên. Một số nhân viên tại công ty con cũng được nhận cổ phiếu. Thương vụ IPO thành công giúp một số ít giám đốc của công ty trở nên giàu có, trong đó đồng CEO của Kakao Games - cổ đông cá nhân lớn nhất của công ty này - hiện sở hữu tài sản 103 triệu USD.

Dù vậy, IPO của SK Biopharmaceuticals cũng là lời nhắc nhở về sự mất cân bằng ở Hàn Quốc. Trong khi tập thể nhân viên chỉ nắm giữ 3% cổ phần SK Biopharmaceuticals, SK Holdings Co. sở hữu 75% cổ phần và chủ tịch Chey Tae-won là cổ đông lớn nhất. Vợ cũ của ông Chey Tae-won đang kiện đòi 42,3% cổ phần công ty. Nếu thắng kiện, bà sẽ trở thành cổ đông lớn thứ hai của công ty.

Không may mắn như nhóm nhỏ nhân viên trên của SK Biopharmaceuticals hay Kakao, nhiều người trẻ tại Hàn Quốc đang phải chật vật tìm việc làm, đặc biệt là khi cuộc khủng hoảng Covid-19 khiến nền kinh tế nước này tổn thất nặng nề. Xuất khẩu sụt giảm khiến GDP của Hàn Quốc giảm 3,3% trong quý 2. Trong tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình càng khó khăn hơn với những người mới bước vào lực lượng lao động khi tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi 15-29 tăng lên gần 11% - mức cao nhất kể từ năm 1999 giữa khủng hoảng tài chính châu Á, theo dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc.

Ngọc Trang

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/nhung-trieu-phu-usd-moi-tai-cac-chaebol-han-quoc-20201014100132293.htm