Những trở ngại nhấn chìm thỏa thuận Anh - EU

Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã bước vào vòng đàm phán thứ 8 từ ngày 8-11/9 về thỏa thuận thương mại hậu Brexit, với mục tiêu đạt được một số đột phá trong các vấn đề còn bế tắc. Nỗi lo 'không thỏa thuận' ngày càng rơi vào khủng hoảng, khi EU cáo buộc Anh đang cố gắng điều chỉnh các điều khoản. Bất đồng nghiêm trọng về đánh bắt cá và sân chơi thương mại bình đẳng là hai trở ngại lớn nhất, có thể đánh chìm mọi hy vọng về thỏa thuận.

Lịch sử không thể tái diễn

Quyền đánh bắt cá luôn là trở ngại lớn nhất đối với thỏa thuận hậu Brexit giữa Anh và EU. Cách đây 50 năm, khi Anh tham gia các cuộc đàm phán để gia nhập cộng đồng châu Âu, trước giờ G, Anh đã nhận một bất ngờ không hề mong muốn: 6 thành viên (EC) đã đồng ý nhanh chóng có một chính sách thủy sản chung (CFP).

Nửa thế kỷ sau, 100 cá thể chung ở vùng biển của Anh và EU một lần nữa trở thành đề tài bùng nổ tranh luận gay gắt. Các nhà đàm phán Anh không muốn lặp lại lịch sử về chính trị và địa lý trong vòng thỏa thuận cuối cùng này. Cố vấn O’Neill, trưởng đoàn đàm phán của Vương quốc Anh về gia nhập hồi năm 1972 nhận định: “Bài toán về thủy sản là lợi ích kinh tế, nhưng cũng là động lực chính trị”.

Thỏa thuận thương mại giữa Anh và Liên minh châu Âu gặp nhiều bế tắc khó có thể tháo gỡ. Ảnh: Global Business

Thỏa thuận thương mại giữa Anh và Liên minh châu Âu gặp nhiều bế tắc khó có thể tháo gỡ. Ảnh: Global Business

Giới quan sát đã mô tả quan điểm của EU và Anh là “những người theo chủ nghĩa tối đa”. Với ít nhất 8 quốc gia thành viên EU liên quan trong lĩnh vực nghề cá, lập trường của EU là “không được phép nhượng bộ”, yêu cầu Anh chấp nhận nguyên trạng, nghĩa là các tàu thuyền châu Âu tiếp tục đánh bắt trong vùng biển của Anh, và, cách vùng biển đặc quyền kinh tế của Anh 200 hải lý, các tàu thuyền của Anh được phép đánh bắt hơn 58% cá và thủy sản trong vùng biển EU. Trong khi đó, ngày 7/8, phía Anh tuyên bố muốn tăng gấp đôi sản lượng đánh bắt của mình.

Điểm gây tranh cãi nhất trong thỏa thuận khung với EU về lĩnh vực nghề cá là phương pháp tính toán cách thức chia sẻ tổng sản lượng khai thác cho phép hàng năm (TAC) đối với các bên. Anh muốn tính toán dựa trên “sự ràng buộc theo khu vực”, nghĩa là Anh muốn nhận được nhiều hơn so với quy tắc hiện tại mà EU duy trì.

Sẽ không có thỏa thuận thương mại nào nếu không có sự “công bằng và bền vững” về việc đánh bắt cá.

Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier

đã từng khẳng định một thỏa thuận về chủ đề nghề cá là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ thỏa thuận thương mại toàn diện nào với Anh. Trước khi vòng đám phán mới diễn ra, Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier bày tỏ sự thất vọng, thậm chí đã cáo buộc chính phủ Anh xem ngư dân là “con bài mặc cả”, đồng thời cam kết rằng sẽ không có thỏa thuận thương mại nào nếu không có sự “công bằng và bền vững” về việc đánh bắt cá.

Thế nhưng, Anh cũng không tỏ ra nhượng bộ và cho rằng các yêu cầu của EU về đánh bắt cá không phù hợp với chủ quyền của mình. Đối với Anh, mặc dù đánh bắt cá chỉ chiếm chưa đến 1% trong nền kinh tế, nhưng nó lại mang ý nghĩa biểu tượng rất lớn đối với . Bởi việc giành lại quyền kiểm soát vùng biển, tiếp cận luân phiên để quản lý nghề cá là mục tiêu quan trọng của Anh. Và trên hết, Anh sẽ trở thành một quốc gia ven biển độc lập.

Nghề cá là rào cản lớn nhất đối với việc đạt thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU. Ảnh: Potico

Sự khác biệt nghiêm trọng

Quan điểm của EU cho rằng, nếu Anh muốn tiếp cận thị trường về cả dịch vụ và hàng hóa thì luật lệ ở Anh phải theo sát với luật lệ của EU và phải chấp nhận sân chơi bình đẳng. Thế nhưng, lẽ dĩ nhiên Anh không muốn bị áp đặt những quan điểm đó.

Về chính trị, việc chấp nhận áp đặt luật chơi từ EU sẽ đi ngược với lới hứa và đường lối của những người ủng hộ Brexit. Họ muốn giới tinh hoa xã hội ở London, chứ không phải ở Brussels, nắm quyền định đoạt luật chơi ở Anh. Bên cạnh đó, giới chuyên gia kinh tế nhận ra rằng, việc Anh “ly hôn” EU đã khiến luật lệ ở EU sẽ ngày càng ít thân thiện với các định chế tài chính, công ty công nghệ.

Nước Anh không nhượng bộ trong các điều khoản cơ bản vì giờ đây Vương quốc Anh đã là một quốc gia có chủ quyền độc lập, không phụ thuộc vào EU.

Thủ tướng Anh Boris Johnson

Bước vào vòng đàm phán mới, cả hai bên đã vạch ra những lập trường tương phản rõ rệt. Một EU tuyên bố không thể có thỏa thuận thương mại trừ khi Anh đồng ý với cam kết “sân chơi bình đẳng” và không cắt xén các quy định của EU. Còn giới chức Anh, trong những ngày qua, đã nêu bật lập trường rằng việc có những khác biệt với các quy tắc, tiêu chuẩn của EU là bản chất Brexit, và không e ngại “Brexit không thỏa thuận”. Trong tối hậu thư gửi cho EU ngày 7/9, nhấn mạnh hai bên cần đạt được thỏa thuận trước ngày 15/10, và khẳng định, nước Anh không nhượng bộ trong các điều khoản cơ bản vì giờ đây Vương quốc Anh đã là một quốc gia có chủ quyền độc lập, không phụ thuộc vào EU.

Các nhà ngoại giao châu Âu nhận định, Anh đang chơi trò đuổi bắt, bằng cách đe dọa sụp đổ tiến trình và thách thức Brussels thỏa hiệp trước. Một số khác còn cho rằng, Thủ tướng Johnson đang sử dụng “không thỏa thuận” để phân tán sự chú ý khỏi cuộc khủng hoảng từ đại dịch Covid-19. Trước các diễn biến đó, Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier tuyên bố ông thực sự lo lắng cho những gì diễn ra sắp tới và kêu gọi phía Anh chỉ đơn giản là thực hiện những cam kết chính trị mà nước này đã đưa ra.

Hai trưởng đoàn đàm phán của Anh và Liên minh châu Âu. Ảnh: Reuters

Việc không đạt được thỏa thuận sẽ làm trầm trọng thêm mâu thuẫn trong quan hệ thương mại giữa Anh và EU. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chính nền kinh tế của Anh, khoảng 900 tỷ USD thương mại hàng năm giữa Anh và EU có thể rơi vào tình trạng tắc nghẽn, mà còn của các nước láng giềng lục địa như Ireland. Bộ trưởng Ngoại giao Ireland Simon Coveney cho rằng: “Liệu đây có phải là trò chơi chính trị hay thực sự sẽ có những điều khoản mới được thiết lập trong tuần này? Chúng ta sẽ phải chờ xem”.

Những lằn ranh đỏ của cả hai bên đã làm dấy lên lo ngại rằng không thể đạt được thỏa thuận nào trong vòng đàm phán này. Cả hai bên đều có các mục tiêu chính trị quá lớn. Anh muốn đảm bảo rằng các mối quan hệ châu Âu không làm tổn hại đến sự độc lập mới của mình, còn EU cần chứng tỏ rằng cuộc sống bên trong khối tốt hơn bên ngoài. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nêu rõ: “Anh hy vọng rằng EU sẽ hiểu rằng tuần này là thời điểm để kết thúc mọi chuyện. Cần phải có một thỏa thuận và Anh chỉ cần được EU đối xử như bất kỳ một quốc gia thứ 3 nào khác đang đàm phán về một hiệp định thương mại tự do”.

Nhiều ý kiến tích cực cho rằng, nếu có được sự đột phá trong những vấn đề còn bế tắc, đàm phán thương mại sẽ “xuôi chèo mát mái”. Nhưng cần phải hiểu rằng, tất cả các lĩnh vực chủ chốt, căng thẳng nhất đều phải được đàm phán xong thì mới đi đến phê chuẩn. Nghề cá hay điều kiện cạnh tranh chỉ là cách nói hình tượng, biểu trưng cho việc không có nút thắt trọng yếu nào được “treo” để thỏa thuận tiếp.

Mỹ Nga

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/nhung-tro-ngai-nhan-chim-thoa-thuan-anh-eu-273901.html