Những trường hợp người lao động được đi làm trễ, về sớm vẫn hưởng 100% lương

Thông thường, người lao động (NLĐ) phải đi làm, rời trụ sở Công ty đúng thời gian quy định. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ, NLĐ được quyền đi làm trễ, về sớm nhưng vẫn được hưởng nguyên lương và người sử dụng lao động buộc phải đồng ý.

Một là, lao động nữ được đi trễ, về sớm trong thời gian hành kinh (tổng thời gian đi trễ, về sớm không được quá 30 phút/ngày hành kinh).

Hai là, lao động nữ được đi trễ, về sớm trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi (tổng thời gian đi trễ, về sớm không được quá 60 phút/ngày làm việc).

Đơn xin phép đi trễ 60 phút, hưởng nguyên lương buộc sếp phải ký

Cụ thể, theo Khoản 5 Điều 155. Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ_Bộ luật Lao động 2012, lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Điều 7. Chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ_Nghị định 85/2015/NĐ-CP quy định, lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ như sau: a) Mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 03 ngày trong một tháng; b) Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động; c) Thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.

Ngoài hai trường hợp nêu trên, nếu trong Thỏa ước lao động, Nội quy lao động của công ty có quy định thêm về các trường hợp NLĐ được đi trễ, về sớm và hưởng nguyên lương thì NLĐ đương nhiên được hưởng quyền lợi này.

Ánh Dương

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/nhung-truong-hop-nguoi-lao-dong-duoc-di-lam-tre-ve-som-van-huong-100-luong-d2055111.html