Những từ mẫu ở vùng biên

Đối với đồng bào các dân tộc trên tuyến biên giới tỉnh Nghệ An, hình ảnh thầy thuốc quân hàm xanh đã trở nên thân quen, gần gũi như người thân trong gia đình. Bất kể ngày hay đêm, dù thời tiết khắc nghiệt, đi lại khó khăn, mỗi khi nhận được thông tin bà con bị đau ốm hay gặp nạn là các anh lập tức lên đường…

Thượng úy Hồ Xuân Vượng và nhân viên Trạm y tế xã Nậm Cắn chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Hải Thượng

Thượng úy Hồ Xuân Vượng và nhân viên Trạm y tế xã Nậm Cắn chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Hải Thượng

Vừa ăn xong bữa cơm chiều, bỗng chuông điện thoại reo lên từng hồi, Thượng úy, bác sĩ Hồ Xuân Vượng, quân y Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, hiện tăng cường tại Trạm xá xã Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) nhận được thông tin nam thanh niên trú tại bản Tiền Tiêu (xã Nậm Cắn) do mâu thuẫn chuyện tình cảm đã ăn lá ngón tự tử. Thanh niên đó là Cự Bá T, sinh năm 1987, ngay lập tức được Thượng úy, bác sĩ Vượng cấp cứu qua cơn nguy kịch.

Trên địa bàn xã Nậm Cắn có 2 nạn nhân khác ăn lá ngón tự tử cũng được Thượng úy Hồ Xuân Vượng trực tiếp cứu sống. Đa số các các nạn nhân tự tử bằng lá ngón đều xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình, dòng họ; trai gái yêu nhau nhưng gia đình ngăn cấm; đặc biệt là mâu thuẫn vợ chồng. Do trình độ nhận thức hạn chế, mặc cảm, tự ti và trách nhiệm với gia đình, cộng đồng chưa được đề cao nên đã tìm đến lá ngón.

Thượng úy Hồ Xuân Vượng cho biết: “Ngoài nhiệm vụ khám, điều trị bệnh tại trạm, chúng tôi còn phối hợp với trạm y tế của xã thường xuyên tuyên truyền cho bà con về cách ăn, ở hợp vệ sinh, sống khoa học để đảm bảo sức khỏe. Đồng thời, hướng dẫn bà con thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, tích cực tham gia chiến dịch tẩm mùng mền và phun thuốc diệt muỗi, khử khuẩn”.

Với nỗ lực của bác sĩ Hồ Xuân Vượng, đến nay, công tác chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn xã biên giới Nậm Cắn được đảm bảo hơn, người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng; các ổ dịch được phát hiện sớm và khống chế kịp thời, không để dịch bùng phát trên địa bàn. Năng lực y tế cơ sở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc được nâng cao rõ rệt, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế từng bước được đầu tư khang trang, hiện đại. Bình quân, mỗi năm có từ 1.000-1.500 lượt bệnh nhân tới khám chữa bệnh tại trạm y tế, cấp phát thuốc bảo hiểm y tế cho người nghèo trị giá 100 triệu đồng.

Ông Hờ Bá Chá, Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn, cho biết: “Với thái độ ân cần, niềm nở, quân y Hồ Xuân Vượng đã cùng với các y tá, điều dưỡng Trạm y tế xã Nậm Cắn tận tình khám, kiểm tra sức khỏe, tư vấn, hướng dẫn tỉ mỉ phác đồ phòng ngừa và điều trị bệnh cho hàng nghìn lượt người mỗi năm, kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn bà con các biện pháp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa các dịch bệnh... Chúng tôi mong muốn cấp trên sẽ tiếp tục triển khai chủ trương quân dân y kết hợp để người dân vùng biên giới được hưởng lợi”.

Còn Thiếu tá, y sĩ Trần Xuân Phương, quân y Đồn Biên phòng Tam Hợp, BĐBP Nghệ An, cũng có tấm lòng nhiệt tình, quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào trong việc khám chữa bệnh. Đã từ lâu, y sĩ Phương được đồng bào Mông ở đây xem như người con của bản làng.

Hơn 20 năm qua, công tác tại những bản làng giáp biên giới Việt-Lào, y sĩ Phương luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Chứng kiến những thiếu thốn về trang thiết bị, thuốc men của Trạm quân dân y Phà Lõm, anh đã dùng tiền lương của mình mua bổ sung tủ thuốc với mục đích chữa bệnh hiệu quả cho đồng bào, giữ uy tín cho quân y Biên phòng.

Là người thường xuyên đến thăm khám tại Trạm xá quân dân y do y sĩ Phương phụ trách, ông Xồng Nhia Xử, ở bản Phà Lõm, xã Tam Hợp chia sẻ: “Thời gian y sĩ Phương về đây, dân bản đau ốm đều qua Trạm xá quân dân y để khám, không phải đi khám ở bệnh viện nữa. Y sĩ Phương rất nhiệt tình, có khi đồng chí chuẩn bị về đơn vị họp, nhưng dân bản đến, đồng chí vẫn khám bệnh và cấp thuốc, tư vấn cho bệnh nhân”.

Thiếu tá Trần Xuân Phương chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Hải Thượng

Thiếu tá Trần Xuân Phương cho biết thêm: “Tôi đã đề xuất với chỉ huy đồn mở thêm tủ thuốc để phục vụ bà con dân bản. Người dân không phải đi ra ngoài trạm xá cách xa hàng chục km đường rừng để chữa bệnh. Nếu là bệnh hiểm nghèo, trạm sẽ giới thiệu kịp thời lên tuyến trên để bà con được điều trị. Còn nếu trong khả năng của mình, tôi sẽ tận tâm chữa bệnh cho bà con”.

Ngoài việc bám dân, bám bản, y sĩ Phương còn chịu khó học hỏi và sử dụng thành thạo tiếng Mông, phục vụ tốt quá trình khám bệnh và điều trị bệnh. Anh còn tìm thêm phác đồ điều trị mới đối với các bệnh mà đồng bào thường mắc; trồng và chăm sóc vườn dược liệu quý để nâng cao chất lượng điều trị bệnh và giảm chi phí hoạt động của trạm.

Trước thực trạng bà con ở địa bàn biên giới dễ mắc các bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy, xương khớp, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị cơ sở tăng cường bám nắm cơ sở, tích cực hướng dẫn nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường văn hóa. Quân y các đơn vị chủ động phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động, kết hợp khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào; chủ động giám sát dịch bệnh, không để lây lan trong cộng đồng. Hiện nay, ngoài các đầu mối quân y các đơn vị và 1 Bệnh xá quân dân y Kỳ Sơn, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An còn xây dựng 8 phòng khám kết hợp quân dân y do Chương trình kết hợp dân quân y của Bộ Quốc phòng và các nhà tài trợ đầu tư; chuẩn bị đưa vào hoạt động Trạm xá quân dân y bản Nậm On (Lào) để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân hai bên biên giới.

Hải Thượng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-tu-mau-o-vung-bien/