Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 11)

Năm 1978, quân Pol Pot đã tập trung lực lượng đánh chiếm Long Khốt với mục đích làm bàn đạp tấn công sâu vào hậu phương của ta. Trải qua 43 ngày đêm, từ ngày 14/1 đến ngày 27/2/1978, cùng với các đơn vị quân đội và lực lượng dân quân địa phương, cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Long Khốt đã chiến đấu, bẻ gãy 28 đợt tiến công phản kích của địch, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Bài 11: Long Khốt: Cuộc chiến 43 ngày đêm bảo vệ biên giới

Cổng vào Khu di tích lịch sử quốc gia khu vực Đồn Long Khốt. Ảnh: Đăng Bảy

Bẻ gãy các mũi tiến công của địch

Đã nhiều năm nay, cứ vào dịp 19/5 hàng năm, chính quyền địa phương cùng hàng ngàn cựu chiến binh, gia đình và bà con khu vực các huyện biên giới Long An lại hội tụ về Khu di tích lịch sử quốc gia khu vực Đồn Long Khốt để tổ chức ngày giỗ chung cho các anh hùng, liệt sĩ. Đây là khu tưởng niệm hơn 1.100 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (giai đoạn 1972-1975) và là nơi lưu dấu chiến công 43 ngày đêm bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc của CANDVT Long An trong chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Ngược dòng lịch sử, trở lại thời kỳ chiến tranh, cứ điểm Long Khốt (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) là vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, nằm trong chi khu Tuyên Bình. Thực dân Pháp rồi đến đế quốc Mỹ đã cho xây dựng tại đây hệ thống đồn bốt kiên cố, hòng ngăn chặn đường hành quân của bộ đội ta từ miền Đông xuống miền Tây Nam bộ và ngược lại. Liên tục trong 3 năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tại khu vực Long Khốt đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Trong những cuộc chiến đấu này, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 và bộ đội địa phương đã anh dũng hy sinh...

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc, chưa kịp hàn gắn vết thương thì tiếng súng lại rền vang một vùng biên giới, khi bọn phản động Pol Pot - Ieng Sary tràn sang tàn sát đồng bào ta. Cứ điểm Long Khốt (khu vực đóng quân của Đồn Biên phòng Long Khốt ngày nay) lại thêm một lần nữa trở thành điểm giao tranh rất quyết liệt.

Lúc 22 giờ 45 phút, ngày 14/1/1978, bọn Pol Pot nổ súng tấn công Đồn CANDVT Long Khốt (nay là Đồn Biên phòng Long Khốt). Quân địch đã sử dụng 2 tiểu đoàn bộ binh, được chi viện mạnh của hỏa lực hòng đánh dứt điểm Long Khốt. Trong nhiều ngày liên tục, chúng đã điên cuồng bắn gần 2.000 quả đạn pháo nhằm ghìm quân ta dưới công sự, tạo thời cơ cho bộ binh của chúng tiếp cận, tấn công đồn. Nhưng do ta tổ chức ngăn chặn từ xa tốt, hiệp đồng tác chiến giữa các đơn vị được giữ vững nên đã bẻ gãy từng mũi tiến công của địch.

Tuy được thành lập chưa lâu, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Long Khốt đã kiên trì bám trụ, chiến đấu anh dũng, bẻ gãy các mũi tiến công của địch, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Đại tá Vũ Đăng Quyền, Chỉ huy phó về Chính trị CANDVT Long An (giai đoạn 1978-1991) nhớ lại: “Lúc đó, Đồn CANDVT Long Khốt nằm ở bờ Đông Bắc sông Vàm Cỏ Tây, phụ trách địa bàn hai xã Thái Trị và Thái Bình Trung, huyện Mộc Hóa (nay thuộc huyện Vĩnh Hưng), cách biên giới 700m. Xung quanh đơn vị có hệ thống hầm hào công sự khá vững chắc. Ngoài ra, còn có 4 hầm chiến đấu, có lô cốt cao, có lỗ châu mai có thể bắn được nhiều hướng. Bên ngoài đồn có nhiều hàng rào dây thép gai, xen kẽ cỏ mọc dày đặc; ngoài hàng rào là hào chống tăng sâu 4m, rộng 1,2m”...

Sáng tạo, mưu trí trong chiến đấu

Theo lịch sử BĐBP Long An, đến chiều ngày 21/1/1978, địch lấn chiếm một số điểm từ dọc bờ sông Vàm Cỏ (từ Hưng Điền A đến ngã ba Bình Châu). Ở hướng Tây Bắc, địch lấn chiếm đến đầu đường 94. Ở hướng Đông, quân địch xuất hiện ở sóc A Xây Líp... Đến 17 giờ, ngày 22/1/1978, Đồn Long Khốt hoàn toàn bị bao vây cô lập, chỉ còn liên lạc với bên ngoài bằng vô tuyến điện. Đây là giai đoạn khốc liệt nhất của trận đánh. Cán bộ, chiến sĩ trong đồn phải chịu đựng biết bao gian khổ, cầm cự chiến đấu chống lại hàng loạt các đợt tập kích bằng đạn pháo của địch. Nhiều thương binh cần được cứu chữa nhưng thiếu thuốc men, thức ăn, từng thùng nước uống phải đổi bằng máu vì sông Long Khốt bị địch phong tỏa.

Hàng năm, nhiều cựu chiến binh, hàng ngàn người dân ghé thăm Đền thờ liệt sĩ Di tích lịch sử quốc gia khu vực Đồn Long Khốt. Ảnh: Nguyễn Hà

Đại tá Vũ Đăng Quyền cho biết: “Do biết được ý đồ tấn công của địch nên ngày 21/10/1977, trong phiên họp mở rộng, Đảng ủy CANDVT Long An đã quyết định chọn địa bàn Long Khốt làm mặt trận chủ yếu. Cùng với đó là thành lập Ban Chỉ huy tiền phương do đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chỉ huy phó, Tham mưu trưởng trực tiếp chỉ huy. Đồng chí Phạm Văn Thám, Phó Chủ nhiệm Chính trị phụ trách công tác Đảng, công tác chính trị. Lực lượng nòng cốt gồm Đại đội cơ động 1, Đại đội cơ động 3 và cán bộ, chiến sĩ Đồn Long Khốt. Lực lượng hiệp đồng gồm Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn Vàm Cỏ) và dân quân xã Thái Trị”.

Lúc 5 giờ 30 phút, ngày 23/1/1978, Ban Chỉ huy tiền phương tổ chức hiệp đồng với lực lượng từ các hướng kết hợp với hỏa lực phản công địch. Đến 10 giờ, ngày 23/1/1978, Đồn Long Khốt được giải tỏa, địch phải rút quân. Tuy bị tổn thất về người và vũ khí, nhưng địch vẫn không từ bỏ ý định đánh chiếm mục tiêu. Từ 14 giờ, ngày 27/1/1978 đến 15 giờ, ngày 28/1/1978, chúng huy động 1 tiểu đoàn bộ binh, chia thành 4 mũi tấn công Đồn Long Khốt. Chỉ trong vòng 30 phút, chiều ngày 28/1/1978, chúng đã bắn vào Đồn Long Khốt trên 1.000 quả đạn pháo. Liền sau đó, địch cho bộ binh tiến đánh vào đồn thì bị lực lượng của ta nổ súng ngăn chặn, buộc chúng phải tháo chạy.

Dù trận chiến không cân sức, địch nhiều, hỏa lực mạnh, quân số ta ít, vũ khí trang bị hạn chế, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Long Khốt đã thể hiện quyết tâm chiến đấu cao, công tác tổ chức chỉ huy chu đáo, sáng tạo, nắm vững tình hình địch, phối hợp hiệp đồng chiến đấu trong nội bộ và với các lực lượng tham gia chiến đấu tốt, vận dụng được nhiều cách đánh thích hợp. Tính chung sau 43 ngày đêm chiến đấu (từ 14/1 đến 27/2/1978), cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Long Khốt đã anh dũng, ngoan cường, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch, diệt 70 tên, làm bị thương hơn 130 tên; thu 3 súng AK, 2 B40, 1 B41, 1 M79 và một số quân trang, quân dụng.

Trong cuộc chiến đấu anh dũng này, đã có 8 đồng chí vĩnh viễn nằm lại nơi vùng biên giới Long An và 27 đồng chí bị thương. Với những thành tích vẻ vang đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Long Khốt vinh dự được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa khen ngợi nhân dịp Tết Nguyên đán 1978; được Nhà nước tặng 2 Huân chương Chiến công và tuyên dương danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (ngày 20/12/1979).

Bài 12: Anh dũng chiến đấu bảo vệ biên giới Đồng Tháp

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-tuong-dai-bat-tu-tren-bien-gioi-bai-11-post461007.html