Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 14)

Với hơn 400 ngày đêm chiến đấu chống quân Pol Pot, Đồn Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Cầu Muống (nay là Đồn Biên phòng Cầu Muống) đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, mưu trí, dũng cảm giết giặc lập công, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Trong cuộc chiến đấu này, có 8 cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) của đơn vị đã anh dũng hy sinh để bảo vệ tuyến biên giới Hồng Ngự.

Bài 14: Cầu Muống kiên trung

Anh dũng chiến đấu bảo vệ đồn, trạm

Đồn CANDVT Cầu Muống đóng tại ấp 1 Bình Hòa Hạ, xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự, cách bờ sông Sở Thượng 50m, cách biên giới 150m. Năm 1976, lúc mới thành lập, đồn có 2 trạm là Mỹ Cân và Mốc Rá, với tổng quân số là 38 đồng chí. Doanh trại được cất tạm bằng tre, lá, công sự, chiến hào rất thô sơ, về mùa mưa đều bị ngập. Khi gây hấn trên biên giới, Pol Pot luôn có âm mưu đánh chiếm các đồn, trạm CANDVT để làm bàn đạp tấn công ra các xã lân cận và vùng phụ cận. Đồn CANDVT Cầu Muống và Trạm CANDVT Mỹ Cân là 2 điểm được kẻ địch “chăm sóc” khá chu đáo.

Bia tưởng niệm liệt sĩ Đồn Biên phòng Cầu Muống. Ảnh: Đăng Bảy

Trạm CANDVT Mỹ Cân nằm cách sông Sở Thượng khoảng 100m, cách đồn khoảng 7km, thường vào mùa mưa lũ là bị ngập, việc di chuyển giữa đồn và trạm gặp nhiều khó khăn. Khi chiến sự xảy ra, cả trạm chỉ có 8 đồng chí, hầu hết mới nhập ngũ năm 1977, chưa thông thạo địa hình và chưa có kinh nghiệm chiến đấu. Trang bị lúc đó chỉ có 1 khẩu cối 60, 1 đại liên, còn lại là M79, AK, mìn, lựu đạn và 1 máy liên lạc hiệu PRC25.

Với những chiến công và thành tích xuất sắc trong chiến đấu, năm 1977, Trạm CANDVT Mỹ Cân được Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng. Đồn CANDVT Cầu Muống được Quốc hội và Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Liệt sĩ Lê Văn Đen được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Hai. Đồng chí Võ Thế Mai, liệt sĩ Nguyễn Thành Phê, liệt sĩ Lâm Văn Dũng và nhiều đồng chí khác được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Các đồng chí đã kế tục xứng đáng và góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống đấu tranh cách mạng và khí phách anh hùng của nhân dân Đồng Tháp.

Lúc 2 giờ sáng ngày 20/9/1977, bọn Pol Pot dùng hỏa lực từ bên kia biên giới bắn cấp tập vào Trạm CANDVT Mỹ Cân. Liền ngay sau đó là cho 1 đại đội bộ binh dùng xuồng vượt sông Sở Thượng, tấn công vào trạm. Ông Nguyễn Vũ Hòa, lúc đó là Thiếu úy, Bí thư đầu tiên của Chi bộ Đồn CANDVT Cầu Muống nhớ lại: Tuy ta ít, địch nhiều, nhưng do đã dự đoán trước tình hình nên CB, CS trong Trạm CANDVT Mỹ Cân vẫn bình tĩnh, dũng cảm chiến đấu.

Đồng chí Trạm trưởng Võ Thế Mai chỉ huy anh em đánh lại địch, giành giật từng đoạn chiến hào. Trong trận chiến đấu không cân sức này, một đồng chí hy sinh, một đồng chí bị thương, Trạm CANDVT Mỹ Cân chỉ còn lại 5 tay súng, nhưng chỉ sau 30 phút, CB, CS trong trạm đã dũng cảm chiến đấu, làm chủ trận địa... Chưa tan khói súng đạn, chỉ 15 -20 phút sau đó, địch lại mở đợt tấn công tiếp theo. Ta dùng hỏa lực chống trả quyết liệt, buộc chúng phải rút lui, để lại 3 xác chết và nhiều vết máu. Đêm 21, rạng ngày 22/9, địch lại mở đợt tấn công lần thứ ba, tập kích vào Trạm CANDVT Mỹ Cân. Anh em trong trạm dũng cảm bám chốt đánh địch. Trận này, trạm có một chiến sĩ hy sinh, nhưng vẫn đánh bại cuộc tấn công của địch, giữ vững trạm.

Cũng trong đêm 19, rạng ngày 20/9, vừa tấn công Trạm CANDVT Mỹ Cân, bọn Pol Pot vừa huy động 2 trung đội có hỏa lực yểm trợ, chia nhiều mũi tiến công vào Đồn CANDVT Cầu Muống. Các cuộc chiến đấu diễn ra ngay trong công sự, chiến hào. Trong tình huống khó khăn, nguy hiểm, CB, CS Đồn CANDVT Cầu Muống đã bình tĩnh, mưu trí, giành thế chủ động, tổ chức phản công diệt địch, giành lại các lô cốt và giữ vững đồn. Bọn địch buộc phải rút lui về bên kia biên giới.

Từ sau thất bại tháng 9/1977, bọn Pol Pot vẫn hoạt động uy hiếp các đồn, trạm CANDVT Đồng Tháp. Liên tiếp trong các ngày 4 và 6/10/1977, bọn Pol Pot dùng cối 82, cối 60 và hỏa lực B40, B41 bắn phá ác liệt vào Trạm CANDVT Mỹ Cân rồi huy động bộ binh tấn công với ý đồ bao vây trạm. Nhưng chúng bị ta phát hiện từ xa, bắn trả quyết liệt, đẩy chúng về bên kia biên giới. Càng thua đau, chúng càng điên cuồng bắn phá.

Tô thắm thêm khí phách anh hùng của nhân dân Đồng Tháp

Đầu năm 1978, bọn Pol Pot mở nhiều trận đánh hơn với âm mưu chiếm bằng được Đồn CANDVT Cầu Muống và các Trạm CANDVT Mỹ Cân, Mộc Giá. Liên tiếp trong các ngày 10, 11, 12 và 13/2/1978, chúng dùng các loại hỏa lực như pháo 105 ly, cối 82 ly, cối 60 ly, các loại súng DKZ, B40, B41 bắn tới tấp vào Trạm CANDVT Mỹ Cân, cùng với đó là huy động 1 đại đội bộ binh đánh vào trạm.

Ông Lê Bá Thứng, thương binh hạng 2/4 hào hứng kể lại những tháng năm anh dũng chiến đấu bảo vệ biên giới Đồng Tháp. Ảnh: Đăng Bảy

Trong căn nhà nằm dọc bờ sông Sở Thượng và cách Đồn Biên phòng Cầu Muống khoảng 3km, trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Bá Thứng, 68 tuổi, lúc chiến đấu là Thượng sĩ, nhớ lại: “5 giờ sáng ngày 13/2/1978, chúng bắn trên 100 quả pháo 105 ly, DKZ, 75 ly, B40, B41 vào Trạm CANDVT Mỹ Cân, làm 1 lô cốt và một số hầm hào của trạm bị phá hủy. Địch dùng 2 tiểu đoàn bộ binh, chia 3 mũi bao vây Trạm CANDVT Mỹ Cân, đồng thời, đánh chiếm khu vực Cái Sách, ấp Bình, xã Thường Thới Hậu. Nhưng các đợt tấn công của chúng đều bị ta đập nát”.

Do có phương án từ trước nên CANDVT Đồng Tháp đã huy động lực lượng, kết hợp với bộ đội chủ lực, du kích địa phương bẻ gãy các đợt tấn công của chúng, diệt trên 200 tên. Riêng ngày 11 và 12/2, Trạm CANDVT Mỹ Cân tiêu diệt gần 10 tên. Đến ngày 9/3/1978, lúc 5 giờ sáng, Pol Pot lại huy động 2 đại đội, chia làm 3 mũi, có sự chi viện của hỏa lực, tấn công Đồn CANDVT Cầu Muống. CB, CS trong đồn nhanh chóng bung ra, bố trí thành 3 cụm nhỏ để chiến đấu, tiêu diệt tại chỗ 17 tên, giữ vững trận địa.

Là thương binh hạng 2/4, không còn khỏe, phải ngồi xe lăn, việc nói năng đã khó khăn, nhưng khi nhắc lại chuyện chiến đấu ngày xưa, ông Thứng vẫn hào hứng. Ông kể, ông bị thương khi đang chiến đấu ở chốt. “Quả đạn pháo nổ cách 3m, tôi bị thương nặng, đơn vị đưa đi cấp cứu 7 ngày, tưởng chết. Đến năm 1981 thì tôi phục viên” - ông Thứng nhớ lại.

Trận chiến đấu bảo vệ Trạm CANDVT Mỹ Cân đã nổi lên tấm gương dũng cảm của Trung sĩ Lâm Văn Dũng (sinh năm 1954, quê xã Thường Thới Hậu, huyện Hồng Ngự). Anh Dũng vừa có vợ ở quê lên thăm, thì đêm 20/9/1977, địch bất ngờ nổ súng tấn công vào trạm. Sau khi đưa vợ vượt vòng vây về tuyến sau, anh cương quyết quay lại cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu. Trước lúc hy sinh, anh vẫn dặn anh em kiên quyết giữ lấy chốt.

Hay như Trung sĩ, Tiểu đội trưởng Lê Văn Đen (sinh năm 1951, quê ở xã Tân Thành, huyện Hồng Ngự) diệt tại chỗ 3 tên địch, khi bị thương vẫn xin ở lại chiến đấu và động viên anh em: "Chúng ta thà chết tại đây chứ không thể để kẻ địch chiếm đất". Đồng chí Võ Thế Mai, Trạm trưởng Trạm CANDVT Mỹ Cân, trong tình thế hiểm nghèo, bị địch tấn công, bao vây, trạm mất liên lạc với đồn, vẫn mưu trí tổ chức cho các chiến sĩ còn lại dũng cảm xông lên đánh bại cuộc tập kích của 1 đại đội địch.

Bài 15: Bình Phú và Thông Bình: Mưu trí, linh hoạt trong đánh địch

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-tuong-dai-bat-tu-tren-bien-gioi-bai-14-post461631.html