Những tượng đài bất tử trên biên giới

Trên dọc tuyến biên giới Tây Ninh, từ Chàng Riệc, Xa Mát, Tân Phú đến Phước Tân, Phước Chỉ..., nơi nào cũng có Bia tưởng niệm các liệt sĩ Biên phòng đã ngã xuống vì chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Đó chính là những tượng đài bất tử tạc trong lòng người dân miền biên viễn, trong đó có Bia tưởng niệm liệt sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Phước Tân.

Bài 8: Vững vàng Phước Tân

Phước Tân anh hùng

Không chỉ là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, gương chiến đấu dũng cảm, Bia tưởng niệm liệt sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Phước Tân từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc, khu du lịch tâm linh của bà con huyện Châu Thành nói riêng và nhân dân tỉnh Tây Ninh nói chung. Hàng ngày đều có đồng đội cũ của các liệt sĩ hoặc bà con xung quanh đó ghé qua thắp nén nhang thơm để tưởng nhớ, ghi ơn sự hy sinh của các chiến sĩ Biên phòng đã ngã xuống vì sự trường tồn của dân tộc.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Phước Tân dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ của đơn vị. Ảnh: Đăng Bảy

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Phước Tân dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ của đơn vị. Ảnh: Đăng Bảy

Tấm bia đá - nơi ghi danh các anh hùng liệt sĩ đã tạo ấn tượng rất mạnh cho du khách mỗi khi đặt chân đến đây. Trên cái bệ được lát bằng đá hoa cương vững chãi, một hòn đá xẻ đôi, cao vút được dựng lên. Trên bề mặt phiến đá có chiều rộng hơn 1m, đó là danh sách 36 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, được khắc rất cẩn thận.

Đại tá Cao Văn Vĩnh, nguyên Phó Chính ủy BĐBP Tây Ninh, tác giả của bia tưởng niệm này cho biết: “Không chỉ thể hiện sự vững chắc ngàn đời của chủ quyền thiêng liêng, tấm bia đá đó còn là biểu tượng của cột mốc biên cương, được ví như là hòn đá thề từ thời các vua Hùng dựng nước... Xung quanh bia tưởng niệm là một khu vườn nhỏ trồng rất nhiều hoa, trong đó có hoa mua, hoa sim - loại hoa đặc trưng của biên giới. Liền phía sau là một cái ao sen quanh năm trổ bông, thơm ngát. Mảnh đất phía trước, giáp với đường đi, đơn vị đã cho trồng 36 cây hoa mai, tượng trưng cho 36 liệt sĩ”...

Cựu chiến binh Lê Xuân Kinh, người trực tiếp chiến đấu trong trận đánh bảo vệ biên giới cách đây 46 năm, xúc động nói: “Nơi đặt bia tưởng niệm này, trước kia là vị trí đóng quân của Đồn Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) 479 Phước Tân, nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu Phước Tân”.

Đại tá Nguyễn Hoàng Sa, nguyên Chính ủy CANDVT Tây Ninh (BĐBP Tây Ninh ngày nay) kể: “Sau khi nhận định có nhiều khả năng bọn Pol Pot sẽ đánh vào Đồn CANDVT Phước Tân, chiều 16/11/1977, tôi đã lên động viên, kiểm tra và chỉ đạo đơn vị quyết tâm đánh địch, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới. Cùng đoàn đi có Đại úy Lãi, lên làm Chính trị viên thay cho Thượng úy Phạm Văn Hiểu. Sau khi kiểm tra công tác công tác sẵn sàng chiến đấu, tôi nói với Đồn trưởng, Thượng úy Dương Văn Nho: Khả năng rất cao là bọn Pol Pot sẽ tấn công Đồn Phước Tân, nhưng chưa biết đánh lúc nào mà thôi, các đồng chí cố gắng giữ trận địa”.

Đồn trưởng Nho khảng khái: “Muốn chiếm Phước Tân, Pol Pot phải bước qua xác Năm Nho này”. Thượng úy Phạm Văn Hiểu (sinh năm 1930, quê ở xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) tuy đã nhận quyết định làm Phó Chủ nhiệm Hậu cần CANDVT tỉnh Tây Ninh, nhưng không về đơn vị, mà xin ở lại cùng anh em chiến đấu bảo vệ đồn, vì sợ Đại úy Lãi mới nhận quyết định Chính trị viên, còn lạ lẫm, chưa quen với công việc. Đó cũng là lần cuối cùng ông Nguyễn Hoàng Sa gặp người đồng chí thân thương của mình.

Anh dũng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đồn

Ông Lê Xuân Kinh (quê Bắc Giang), lúc đó là Thiếu úy, Đội trưởng Đội Trinh sát, Đồn CANDVT Phước Tân nhớ lại: “Rạng sáng ngày 17/11/1977, bọn Pol Pot dùng 2 trung đoàn, chia làm 3 mũi tấn công trực diện vào Đồn CANDVT Phước Tân. Tuy địch đông hơn ta rất nhiều cả về quân số lẫn vũ khí, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Phước Tân đã anh dũng chiến đấu, bám trụ trên trận địa”…

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phước Tân tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới. Ảnh: Đăng Bảy

Sau khi bị ta đánh bại nhiều đợt tấn công, quân Pol Pot thay đổi chiến thuật từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang đào công sự, lập nhiều vòng vây xung quanh rồi dùng hỏa lực mạnh bắn cấp tập vào trận địa, hòng san bằng. Lực lượng của Đồn CANDVT Phước Tân lúc đó, số hy sinh, số bị thương ngày càng tăng, vũ khí bị tiêu hao đáng kể, nhưng tinh thần chiến đấu thì không hề nao núng. Trận chiến không cân sức ngày càng trở nên ác liệt. Bom đạn nổ vang suốt ngày đêm, khói lửa, bụi đỏ bốc lên ngút trời. Đến ngày 24/7/1977, khi có lực lượng chi viện, Đồn CANDVT Phước Tân đã đánh bật quân Pol Pot về bên kia biên giới...

Trong cuộc chiến đấu không cân sức này, Đồn CANDVT Phước Tân đã xuất hiện rất nhiều tấm gương chiến đấu gan dạ, không sợ hy sinh. Như Hạ sĩ Lê Văn Tí, bị thương, mất một mảng xương đầu vẫn hăng hái tham gia chiến đấu. Binh nhất Lê Hải Quỳnh, dù bị thương nhưng vẫn một mình bắn 82 quả đạn ĐK82. Trung sĩ Phùng Bá Sinh bị thương nặng ở chân, nhưng vẫn kiên quyết bám trụ, không chịu lùi về tuyến sau…

Hạ sĩ thông tin cơ yếu Đồn Phước Tân ngày ấy là ông Nguyễn Hữu Minh cho biết, sáng 17/11/1977, anh Hiểu bị thương nặng. Trong cơn đau, anh liên tục gọi tên vợ, con rồi mới tắt thở. Anh hy sinh mà trong túi áo vẫn còn nguyên quyết định bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Hậu cần CANDVT tỉnh Tây Ninh. Thượng úy, Đồn trưởng Dương Văn Nho hy sinh khi vợ đang mang thai. Sau khi con ra đời, vì quá thương chồng, vợ anh đã đặt tên cho con trai là Dương Phước Tân để ghi nhớ địa danh, nơi chồng và đồng đội đã anh dũng hy sinh, bảo vệ biên cương.

Trong trận chiến đấu ác liệt kéo dài 7 ngày đêm đó, các chiến sĩ Đồn Phước Tân đã đẩy lùi 38 đợt tiến công của địch, tiêu diệt hơn 264 tên, thu nhiều vũ khí. Để giữ được trận địa, giữ được biên giới, đã có 36 cán bộ, chiến sĩ của Đồn CANDVT Phước Tân hóa thân vào đất mẹ. Một năm sau đó, ngày 31/10/1978, Đồn CANDVT Phước Tân vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, được tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ngoài ra, còn có 25 tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công các loại.

Vì quá thương nhớ đồng đội, sau khi “dời màu áo lính, khoác màu áo dân”, ông Hoàn, ông Kinh và một số anh em Đồn CANDVT Phước Tân khác đã ở lại, sinh cơ lập nghiệp và chọn xã Long Thành, huyện Châu Thành này làm quê hương thứ hai để tiện cho việc sớm chiều hương khói cho các đồng đội đã nằm xuống trong trận chiến đấu bảo vệ đồn, bảo vệ biên giới.

Bài 9: Lập phòng tuyến chiến đấu bảo vệ biên giới

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-tuong-dai-bat-tu-tren-bien-gioi-post460489.html