Những tượng đài bất tử!

Một nét văn hóa đậm bản sắc Việt luôn được kế thừa, phát huy là tinh thần nhớ ơn, biết ơn những thế hệ đi trước. Nhiều câu tục ngữ, thành ngữ được người Việt thuộc nằm lòng: 'Ăn quả nhớ người trồng cây', 'Uống nước nhớ nguồn'…

Đất nước mình trong suốt chiều dài lịch sử có rất nhiều kẻ xâm lược nên cũng có rất nhiều những người con anh dũng hy sinh thân mình để bảo vệ quê hương. Từ năm 1947, chúng ta lấy ngày 27-7 là Ngày Thương binh-Liệt sĩ để ghi nhớ công ơn những anh hùng liệt sĩ, thương binh và giáo dục truyền thống yêu nước... Cũng từ ngày đó, trong văn học có thêm một dòng chảy hòa vào tiến trình văn học cách mạng, nhân văn, tiến bộ, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đặc điểm cơ bản của dòng chảy ấy là bằng giọng điệu bi tráng của ngôn ngữ lắng đọng, chân thành, cảm động, ngợi ca đã điêu khắc những tượng đài bất tử hóa thân vào đất nước!

Đề tài này đã có trong truyền thống, biểu hiện gần nhất là kiệt tác Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của nhà thơ mù yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Tác phẩm ca ngợi những người nông dân nghèo khi giặc đến xâm lược thì vô tư tự nguyện đứng lên đánh đuổi kẻ cướp “Nào ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình…”. Họ ngã xuống. Cái chết của họ trở thành bất tử “Danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen”. Họ để lại tấm gương “nghìn năm tiết rỡ”… Những cái chết đau nhưng không buồn, bi tráng chứ không bi lụy.

Sau 1945 người kế thừa sớm nhất tinh thần của đề tài ấy là Bác Hồ. Tháng 1-1947, trong thư gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng (bác sĩ có con trai vừa hy sinh), Bác viết: “Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi… Họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn sống với non sông Việt Nam”.

Trong kháng chiến chống Pháp có nhiều tác phẩm viết về sự hy sinh. Hoàng Lộc trong Viếng bạn khóc bạn, nước mắt chảy vào trong: “Khóc anh không nước mắt/ Mà lòng đau như cắt”, biến nỗi đau thành “tiếng súng” để “Tiêu diệt kẻ thù chung”. Quang Dũng miêu tả cái chết của người lính Tây Tiến là sự ra đi của bậc tráng sĩ trong sự đón nhận của thiên nhiên trời đất: “Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành”, tức nâng tầm người lính ngang tầm vũ trụ… Sau này, năm 1971, Huy Cận trong Ngã ba Đồng Lộc cũng với bút pháp ấy ca ngợi những cô gái hy sinh là “Bình minh đời sáng rực vầng dương”...

Vẫn còn đó nhiều sự hy sinh, nhưng đó là những cái chết “là hoa trên đỉnh núi” như trong bài thơ Núi Đôi của Vũ Cao, “hóa thành bất tử”, “làm nên lịch sử” như trong Hãy nhớ lấy lời tôi của Tố Hữu hay “Gieo mầm” (tên một truyện ngắn của Nguyễn Thiều Nam). Anh hùng-Liệt sĩ Lê Anh Xuân điêu khắc tượng đài kỳ vĩ anh giải phóng quân ngã xuống nhưng “đứng lên” đánh giặc để trở thành Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ trong dàn âm hưởng tráng ca, bi ca, tụng ca và có cả hoan ca. Có nhiều nấm mộ nhưng là những nấm mộ “nở hoa” như trong bài thơ Mồ anh hoa nở của Thanh Hải, nấm mộ có hương trầm thơm trong Nấm mộ và cây trầm của Nguyễn Đức Mậu… Còn nhiều những tác phẩm mang tinh thần tráng ca của sử thi, với Phan Thiết có anh tôi (Hữu Thỉnh), Khoảng trời-hố bom (Lâm Thị Mỹ Dạ)…

Gần đây, có một đặc điểm này đáng suy ngẫm là có tác phẩm (nhất là thơ) không đi theo truyền thống mà tăng cường thêm nỗi đau, chất tráng ca bị giảm bớt, tác phẩm có thể vẫn hay, cảm động, nhưng bạn đọc thấy thiếu một bàn tay mạnh mẽ của niềm tin nâng dậy nỗi đau để sự hy sinh “nở hoa” như giai đoạn trước đó. Có thể do độ lùi thời gian cho phép nhà văn nói nhiều, nói kỹ, nói đúng về sự hy sinh mất mát. Điều đó là cần thiết. Song thiết nghĩ không vì thế mà làm vơi đi chất lý tưởng cần thiết của tinh thần sử thi!

NGUYÊN THANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/nhung-tuong-dai-bat-tu-545185