Những tuyến biên giới 'nóng' hàng lậu nghìn tỷ đồng

Tuyến biên giới miền Trung, tuyến biên giới Tây Nam bộ và tuyến đường biển một số tỉnh đang là những điểm 'nóng' về hàng lậu.

Theo số liệu sơ bộ 11 tháng năm 2019 của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia), các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 196.830 vụ việc vi phạm (giảm 16% so với cùng kỳ năm 2018), thu nộp ngân sách nhà nước 20.118 tỷ 258 triệu đồng (tăng gần 4% so với cùng kỳ), khởi tố 1.883 vụ (tăng 30% so với cùng kỳ), 2.231 đối tượng (tăng gần 35% so với cùng kỳ).

Đánh giá về tình hình chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2019, ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng – Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, mặc dù hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới các tỉnh:Quảng Ninh, Lạng sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang…đã được các lực lượng tăng cường kiểm tra, nhưng việc buôn lậu một số mặt hàng có diễn biến phức tạp.

“Trên tuyến biên giới miền Trung gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới gia tăng cả về số lượng cũng như tính chất vụ việc. Năm qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy lớn”, ông Thế cho biết.

Điển hình, ngày 17/02/2019 tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, bộ đội biên phòng tỉnh này đã phối hợp với Cục C04-Bộ Công an, cùng Công an, Hải quan tỉnh Hà tĩnh phát hiện, bắt giữ 1 đối tượng vận chuyển trái phép 294 kg ma túy dạng đá từ Lào về Việt Nam.

Tang vật trong vụ án bắt giữ 300kg ma túy đá tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Tang vật trong vụ án bắt giữ 300kg ma túy đá tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Trên tuyến biên giới Tây Nam bộ, địa bàn trọng điểm là các tỉnh: An Giang, Long An, Tây Ninh, Kiên Giang…mặt hàng buôn lậu, vận chuyển trái phép nổi lên vẫn là: thuốc lá, đường cát, đồ điện tử, phế liệu và hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng. Đáng chú ý, tại An Giang, trong tháng 12/2019, lực lượng C03 Bộ Công an đã phát hiện, bắt giữ vụ nhập lậu gần 1.000 tấn đường cát từ Campuchia về Việt Nam.

Trên tuyến đường biển, cảng biển, địa bàn trọng điểm là khu vực cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP.HCM, Đồng Nai; vùng biển Đông Bắc, miền Trung và Tây Nam Bộ.Mặt hàng “nóng” nhất của tuyến này vẫn là xăng, dầu, khoáng sản.

Ông Thế cho biết, thời gian qua các lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ việc, như vụ bắt giữ 2 tàu có hành vi sang mạn trái phép, thu giữ hơn 2 triệu lít xăng A95.

Tình hình vận chuyển trái phép hàng hóa nằm trong danh mục Cites (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp): cá thể tê tê, vảy tê tê, ngà voi,…có chiều hướng gia tăng. Điển hình tại cảng Tiên Sa Đà Nẵng, lực lượng Hải quan đã phát hiện, tam giữ hơn 9 tấn ngà voi giấu trong container gỗ nhập khẩu.

Số vảy tê tê và ngà voi phát hiện tại Cảng Hải Phòng

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389, tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế, nhất là các địa bàn trọng điểm như các cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng; bưu điện quốc tế, chuyển phát nhanh tại Hà Nội, Tp.HCM và các thành phố lớn, các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ vi phạm là hàng hóa gọn nhẹ có giá trị kinh tế cao và dễ cất giấu như vàng, sản phẩm động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, thiết bị công nghệ, rượu ngoại, thuốc lá, xì gà…Điển hình như vụ phát hiện tại kho hàng hóa của Công ty cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài, thu giữ 55 khúc sừng tê giác, với tổng trọng lượng là 125,15 kg được giấu trong các sự kiện hàng lý. Vụ thu giữ 3.000 điều xì gà tại sân bay Đà Nẵng.

Rượu ngoại nhập lậu bị thu giữ

Đánh giá tình hình thị trường nội địa, theo Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389, tình trạng buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra khá phổ biến ở khắp các vùng miền, đặc biệt khu vực đô thị, với nhiều mặt hàng tiêu dùng.Đáng chú ý là tình trạng sản xuất xăng giả, thuốc chữa bệnh giả.

Điển hình vụ sản xuất, buôn bán xăng giả của đối tượng Trịnh Sướng với quy mô lớn, liên quan nhiều tỉnh, Công an đã tạm giữ hơn 3 triệu lít hỗn hợp pha chế thành xăng giả. Vụ án này đã khởi tố và bắt giữ nhiều bị can…

Trong năm 2019, đáng chú ý là hiện tượng hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, gian lận xuất xứ để buôn lậu, trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng.

Điển hình như vụ Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo và các công ty có liên quan. Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý hàng nghìn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ với trị giá hàng chục tỉ đồng tại Trung tâm thương mại thương trường quốc tế Hồng Nguyên và Cửa hàng mua sắm Asean tại Móng Cái, Quảng Ninh.

Tiến Vinh

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/202001/nhung-tuyen-bien-gioi-nong-hang-lau-nghin-ty-dong-5a9115d/