Những ứng dụng không ngờ của cao su phế thải

Hạt cao su SBR làm từ lốp xe tái chế được dùng để trải sân cỏ nhân tạo, làm cho mặt đệm trên sân bền và sạch sẽ. Hiện nay, FIFA cũng đang khuyến khích sử dụng loại cao su này.

Từ lâu, cao su là vật liệu polyme quan trọng, được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong đời sống con người. Cùng với sự phát triển ngày càng cao của xã hội, lượng cao su phế thải thải ra môi trường ngày một nhiều. Điều này đã khiến cho việc xử lý gặp nhiều khó khăn bởi đặc tính bền với các tác nhân vật lý, hóa học cũng như khó phân hủy trong môi trường chôn lấp của cao su. Sau nhiều công trình nghiên cứu, cao su phế thải đã được tái chế, sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau mà nhiều người không nghĩ tới.

Sử dụng làm nhiên liệu

Cao su là một chất cháy có nhiệt lượng cao. Do vậy, người ta có thể tận dụng cao su phế thải để làm nhiên liệu cho các nhà máy gạch, gốm sứ, sản xuất xi măng, nhà máy nhiệt điện... Theo các chuyên gia, nhiệt lượng mà lốp xe ô tô khi cháy tạo ra lên đến 31.000 Kj/mol, còn cao hơn nhiệt lượng của than đá (27.000 Kj/mol). Tuy nhiên, trong khi cháy, cao su phế thải tạo ra các loại khí thải và cặn bã độc hại. Do đó, việc sử dụng cao su làm nhiên liệu phải được xử lý bằng một quy trình, công nghệ phù hợp và an toàn.

Hạt cao su trải sân cỏ nhân tạo

Ngày nay, các sân cỏ nhân tạo không còn quá xa lạ với nhiều người dân. Khi làm sân cỏ nhân tạo, người ta thường sử dụng các hạt cao su để làm cho cỏ đứng thẳng như tự nhiên cũng như tăng độ thẩm mỹ và an toàn cho người chơi khi xảy ra va chạm.

Thông thường, có 2 loại hạt cao su được sử dụng cho sân cỏ nhân tạo. Đầu tiên là hạt cao su SBR làm từ lốp xe tái chế, cao su phế liệu từ các nhà máy ở khu công nghiệp. Loại này làm cho mặt đệm trên sân bền và sạch sẽ, có độ ổn định tốt trong nhiều môi trường và chịu tác động của thời tiết tốt hơn so với cao su tự nhiên. Hiện nay FIFA cũng đang khuyến khích sử dụng loại cao su này.

Loại thứ 2 là cao su EPDM có độ đàn hồi cao, giúp giảm áp lực lên các khớp khi người chơi vận động trên sân cỏ nhân tạo, thân thiện với môi trường và chịu được nhiệt độ cao (khoảng từ 50 – 150 độ C).

Hạt cao su được sử dụng nhiều tại các sân cỏ nhân tạo

Gạch cao su

Trong một nghiên cứu của mình, tác giả Ngô Quang Minh và các cộng sự tại trường ĐH Hàng hải đã tìm cách biến cao su phế thải thành một nguồn sản xuất vật liệu xây dựng. Cao su phế thải sau khi được tách kim loại sẽ được nghiền nhỏ bằng các máy nghiền đến kích thước khoảng 0,5 x 0,5 cm. Các loại chất dẻo thải (PE, PP, PS…) được rửa sạch và phơi khô cũng được nghiền nhỏ đến kích thước như trên. Sau đó, trộn lẫn cao su và chất dẻo theo tỷ lệ khối lượng thích hợp nhằm tăng độ đồng nhất và độ bền cơ học. Hỗn hợp này được trộn thêm các chất phụ gia, chất hóa dẻo, bột đá... và được nấu chảy trong một thùng kín để tạo ra một khối nhão đồng nhất. Khối nhão này được dùng để sản xuất gạch lát và đường “bê tông” với tính chất lý hóa và độ bền tương đương với các mẫu bê tông thông thường.

Gạch cao su

Xử lý cao su phế thải thành nhiên liệu xanh

Bằng công nghệ nhiệt phân liên tục NP-LT tái chế rác cao su thành dầu FO-R và than CBM-R, ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Cty TNHH TMDV Công Nghệ Mới (Newtech) đã tìm ra phương pháp xử lý rác thải cao su, góp phần giải quyết vấn đề môi trường và đem lại hiệu quả về kinh tế.

Trung bình một tháng, Newtech xử lý được 1.000 tấn nguyên liệu, tương đương với 400 tấn dầu, 400 tấn than, số còn lại là khí gas để tuần hoàn làm nhiên liệu đốt cho hệ thống tái chế. Dầu của Newtech còn góp phần tiết kiệm chi phí cho khách hàng.

Đắp lại lốp cũ

Có thể bạn không tin, nhưng hiện có khoảng 15% lốp xe con, 50% lốp xe tải được đắp lại từ các lốp xe cũ thay vì chế tạo mới. Trong đó phần lớn được đắp lại từ 2 đến 3 lần. Riêng lốp máy bay có thể đắp lại đến 20 lần.

Trước khi đắp, tất cả các vỏ lốp xe cũ đều phải thông qua công đoạn kiểm tra. Sau đó là tạo một bề mặt sạch sẽ để đảm bảo sự kết dính cao nhất và tạo đường viền ở vòng quanh vùng đắp. Lốp xe cũ sẽ được đắp bằng dạng dung dịch bởi súng phun tia với lớp keo dán đệm chưa lưu hóa với hình dáng cần thiết để đắp vỏ lốp.

Dùng để trải mặt đường

Mặt đường có thêm vụn cao su sẽ giúp hạn chế sự phát triển của bùn, thoát nước nhanh, độ bền cao, giảm độ lún, giảm tính phản xạ và nứt do sức nóng, chống đóng băng... so với mặt đường thông thường. Được sử dụng lần đầu tiên tại Arizone (Mỹ) từ năm 1960, đến nay, việc ứng dụng cao su trong trải mặt đường ngày càng được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng giúp giảm giá thành cũng như chi phí bảo trì.

Tấm thảm cao su

Thảm làm từ hạt cao su là vật liệu được sử dụng phổ biến ở các nước phát triển. Thảm cao su có tính ứng dụng cao trong nhiều không gian với đặc tính an toàn, tiện lợi và thoải mái.

Trong thể thao, thảm cao su được dùng rộng rãi để làm sàn lát như sân cầu lông, sân tennis, sàn tập võ, vỉa hè giao thông, sàn nhà... do đặc tính chống rung và chống ồn.

Trong công nghiệp, thảm cao su thường được lót xuống dưới các máy móc có độ tĩnh điện cao nhằm giảm khả năng gây ra sự phóng điện giữa các vật thể gây nên cháy nổ.

Thảm cao su có khả năng tránh gây tích điện

Thiện An

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nhung-ung-dung-khong-ngo-cua-cao-su-phe-thai-c7a385811.html