Những ưu ái lạ cho nhà thầu Trung Quốc ở dự án Thái Nguyên

Theo Thanh tra Chính phủ, Công ty Gang thép Thái Nguyên đã ký hợp đồng có nhiều điểm bất lợi với nhà thầu Trung Quốc, cùng đó là trách nhiệm của Tổng Công ty Thép Việt Nam và nhiều bộ, ngành liên quan.

Như plo.vn đã đưa tin, Thanh tra Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận thanh tra tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên, chỉ ra một loạt sai phạm trong quá trình đầu tư, dẫn tới thiệt hại rất lớn về kinh tế.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án mở rộng sản xuất gang thép Thái Nguyên. Ảnh: Tổ quốc

Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án mở rộng sản xuất gang thép Thái Nguyên. Ảnh: Tổ quốc

Ký hợp đồng bất lợi với nhà thầu Trung Quốc

Theo Thanh tra Chính phủ, Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) với vai trò là chủ đầu tư đã có rất nhiều vi phạm trong việc thành lập ban quản lý dự án không đủ năng lực, phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển gói thầu không đúng quy định; lập, trình xin phê duyệt điều chỉnh gói thầu EPC số 01# từ 143,2 triệu USD lên 160,9 triệu USD không đúng quy định…

TISCO đã ký hợp đồng EPC với Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) có một số nội dung không chặt chẽ: không quy định cụ thể về tiến độ thực hiện, không quy định tiêu chuẩn kỹ thuật, không phê duyệt và kiểm soát chặt chẽ tiến độ tổng thể của Dự án; quản lý dự án không đúng quy định gây bất lợi cho TISCO làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dự án; gây thất thoát vốn đầu tư, không đúng hợp đồng.

Sau 18 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực, MCC không thực hiện nhưng TISCO không áp dụng điều khoản phạt hợp đồng đã ký với MCC, không báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét để hủy đấu thầu lại theo quy định khi MCC đề nghị điều chỉnh hợp đồng đưa ra nhiều hạng mục không hợp lý, không có căn cứ.

TISCO còn ký các phụ lục thỏa thuận với MCC, trong đó có việc tiếp nhận nhiều máy móc, thiết bị không đúng quy cách chủng loại, sai khác về xuất xứ, tên nhà cung cấp, mã hiệu, thông số kỹ thuật…

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, TISCO có thẩm quyền ký quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư, tuy nhiên việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 8.100 tỉ đồng là không có căn cứ, không đúng quy định (không được điều chỉnh tổng mức đầu tư đối với dự án sử dụng trên 30% vốn nhà nước).

“Mặc dù, ý kiến của các bộ, ngành cho rằng không có cơ sở điều chỉnh tổng mức đầu tư nhưng TISCO vẫn ký quyết định điều chỉnh là cố ý vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư” – thông báo kết luận thanh tra nêu rõ.

Cung cấp máy móc sai về xuất xứ, chủng loại

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra hàng loạt vi phạm khác của TISCO trong việc phê duyệt gói thầu Mỏ sắt Tiến Bộ không đúng thẩm quyền, quyết định phê duyệt dự án không có kế hoạch nguồn vốn để thực hiện; chưa thực hiện quyết toán đã hoàn thành, đưa vào sử dụng; thanh toán thay cho MCC nhiều loại thuế nhưng đến nay chưa thu hồi…

“Những vi phạm trên của TISCO có dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của pháp luật, buông lỏng quản lý, gây thất thoát vốn đầu tư” – Thanh tra Chính phủ đánh giá.

Về phần MCC, Thanh tra Chính phủ khẳng định sau 18 tháng kể từ khi ký hợp đồng với TISCO, nhưng tập đoàn này không thực hiện các điều khoản đã cam kết; chậm bàn giao thiết kế cơ sở (Phần E); chậm bàn giao thiết bị (Phần P); thỏa thuận với TISCO chuyển phần việc của Phần P sang Phần C, hưởng phí quản lý Phần C không đúng quy định.

Đặc biệt, MCC đã cung cấp nhiều máy móc, thiết bị có giá trị nhưng sai khác về quy cách chủng loại, xuất xứ, tên nhà cung cấp, mã hiệu, thông số kỹ thuật,…không đúng với hợp đồng EPC. Bên cạnh đó, công ty cũng chưa hoàn trả TISCO tiền thuế GTGT, thuế TNDN, thuế nhập khẩu thiết bị, chi phí tiếp nhận, bảo quản trông coi thiết bị và giá trị thiết bị rỉ sét.

Nhiều bộ, ngành có trách nhiệm

Không chỉ TISCO, cơ quan thanh tra còn chỉ ra rằng Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) với vai trò là đại diện chủ sở hữu vốn tại TISCO nhưng đã không làm đầy đủ trách nhiệm.

Cụ thể, VNS chấp thuận nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do TISCO lập chưa đầy đủ cơ sở trình Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ; thẩm định phê duyệt TMĐT thiếu cơ sở; phê duyệt điều chỉnh gói thầu EPC từ 143,2 triệu USD thành 160,9 triệu USD không đúng quy định…

VNS cũng thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến việc TISCO thương thảo, ký kết hợp đồng, phụ lục hợp đồng và các hợp đồng thầu phụ thiếu chặt chẽ, không đúng quy định.

Đối với Bộ Công Thương, cơ quan này chưa thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ được giao, không yêu cầu TISCO, VNS lập thiết kế cơ sở để thẩm định; thiếu kiểm tra, giám sát TISCO, VNS trong việc thẩm định báo cáo đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ khi chưa đảm bảo các điều kiện để triển khai dự án; báo cáo Thủ tướng nội dung báo cáo nghiên cứ tiền khả thi chưa đầy đủ cơ sở.

Đặc biệt, Bộ Công Thương ký văn đề xuất việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án và văn bản báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ (tháng 8-2014). Trong đó có ý kiến việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tăng lên 8.100 tỉ đồng đã được Bộ Công Thương rà soát, thẩm tra, mặc dù trước đó các bộ, ngành đều cho rằng không có cơ sở.

Theo Thanh tra Chính phủ, chủ trương đầu tư dự án là phù hợp với yêu cầu thực tế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác quặng, sản xuất thép, ổn định việc làm, tăng thu nhập cho gần 5.000 cán bộ, công nhân viên. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, TISCO, MCC, VNS, Bộ Công Thương, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đã có hàng loạt khuyết điểm, sai phạm.

Cụ thể, đến thời điểm thanh tra, tổng giá trị TISCO đã thanh toán cho Dự án là 4.421 tỉ đồng; tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả là 3.896 tỉ đồng (hiện lãi vay phải trả trên 40 tỉ đồng/tháng), trong đó thanh toán cho MCC trên 92% giá trị hợp đồng nhưng các hạng mục của Dự án đều chưa hoàn thành, đến năm 2013 MCC và các nhà thầu đã dừng thi công.

TISCO đã thanh toán thay MCC tiền thuế là 11,6 triệu USD, thanh toán chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị là 4,737 tỉ đồng, vượt giá trị hợp đồng, trong khi MCC chưa chuyển đủ thiết bị, cung cấp nhiều máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật, không phù hợp với quy chuẩn Việt Nam với giá trị xác định bước đầu là 38,8 triệu USD (42 xe ô tô là 1,033 triệu USD, 05 đầu máy toa xe là 5,4 triệu USD...).

Hiện một số thiết bị đã rỉ sét, hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng dự án, thiệt hại vốn đầu tư.

T.PHAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/nhung-uu-ai-la-cho-nha-thau-trung-quoc-o-du-an-thai-nguyen-817972.html