Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Khoa học lịch sử Sơn La

Từ khi thành lập đến nay, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Sơn La luôn đặt công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các xã, thị trấn lên hàng đầu.

Hội thảo khoa học “Sơn La với chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 và công tác phát huy giá trị di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp” do Hội Khoa học lịch sử tỉnh tổ chức.(Ảnh tư liệu)

Hội thảo khoa học “Sơn La với chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 và công tác phát huy giá trị di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp” do Hội Khoa học lịch sử tỉnh tổ chức.(Ảnh tư liệu)

Thực hiện tốt công tác tư vấn, phản biện về các di tích trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, đóng góp vào kho tư liệu lịch sử của tỉnh, tư vấn về đặt và đổi tên các đường phố trong tỉnh, tham gia Hội đồng thẩm định sách giáo khoa về giáo dục Văn hóa Lịch sử địa phương đưa vào giảng dạy trong các trường THCS; thẩm định các tài liệu về lịch sử Đảng bộ địa phương đưa vào giảng dạy tại các Trung tâm giáo dục chính trị huyện, thẩm định quá trình hoạt động cách mạng của các nhân vật lịch sử, góp phần giải quyết chế độ chính sách cho những người có công với cách mạng... Công tác của Hội đã góp phần quan trọng trên mặt trận tư tưởng, nhất là trong việc giáo dục, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, truyền thống cách mạng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Để tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu rộng và và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 20-CT/TW ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”; góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và ý nghĩa thực tiễn của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử, phục vụ nhiệm vụ giáo dục truyền thống cách mạng ở địa phương, đơn vị trong thời kỳ mới, Hội cần có những đổi mới trong công tác nghiên cứu, tuyên truyền và giáo dục lịch sử như sau:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử địa phương, tránh những hạn chế, sai sót cơ bản về số liệu, sự kiện lịch sử, đảm bảo chất lượng các công trình lịch sử.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa công tác sưu tầm, khai thác tư liệu và công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử, đảm bảo tính khách quan, khoa học; đồng thời, đổi mới nội dung, phương pháp nghiên cứu lịch sử trên cơ sở áp dụng hiệu quả các phương pháp nghiên cứu hiện đại, liên ngành đi đôi với việc phát triển và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử dân tộc, lịch sử quân sự vào thực tiễn. Cùng với việc hoàn thành nghiên cứu lịch sử chung của Đảng bộ và lịch sử dân tộc, lịch sử truyền thống các ngành, đơn vị, Hội cần phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo tỉnh, Ban Tuyên giáo các huyện, thành phố tập trung nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các cuốn lịch sử Đảng bộ các xã, các ngành, đơn vị nhằm hoàn thiện tổng thể các công trình lịch sử.

Để các công trình nghiên cứu phản ánh đầy đủ, toàn diện, chân thực và sinh động lịch sử dân tộc và lịch sử các địa phương, bảo đảm tính Đảng, tính khoa học, Hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy trình, quy định về nghiên cứu, biên soạn, thẩm định, xuất bản lịch sử Đảng bộ các cấp, lịch sử truyền thống các ban, ngành, đơn vị dưới sự quản lý chặt chẽ của Ban Tuyên giáo các cấp; góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống cách mạng, tổng kết lý luận và cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Việc nghiên cứu cần đi sâu khai thác đề tài lịch sử cách mạng, đặc biệt là những trang sử hào hùng của dân tộc và những tấm gương của các chiến sĩ cộng sản - những người con ưu tú của dân tộc đã cống hiến, hy sinh vì tự do, độc lập của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân nhằm bồi đắp thế giới quan, nhân sinh quan cho thế hệ trẻ, giúp họ nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm đối với đất nước, hình thành suy nghĩ, hành động vì cộng đồng.

Thứ hai, Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lịch sử với những hình thức phong phú, sinh động, phù hợp với từng đối tượng.

Theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, chính quyền địa phương, sở, ban, ngành, đơn vị đã tổ chức lễ ra mắt cuốn lịch sử trang trọng, tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng; lồng ghép việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng địa phương vào các buổi sinh hoạt chính trị, thông tin thời sự, sinh hoạt chi bộ... Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Tỉnh đoàn, Bảo tàng tỉnh, Đại học Tây Bắc... đã tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu, tuyên truyền về lịch sử Đảng bộ, lịch sử cách mạng địa phương, lịch sử truyền thống của các đơn vị. Những hoạt động này giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống văn hóa; nâng cao ý thức, trách nhiệm về việc giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương; nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm chính trị các huyện, thành phố, tăng cường lồng ghép nội dung giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống địa phương vào giảng dạy tại các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên. Sở Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thiện bộ tài liệu lịch sử Đảng bộ tỉnh đưa vào sử dụng tại các trường THPT và THCS.

Hội cần phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, chú trọng nội dung tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng địa phương theo hướng kết hợp nghe, nhìn và trực tiếp tham gia hoạt động phù hợp với điều kiện cụ thể của từng cơ sở giáo dục, từng nhóm đối tượng học sinh, sinh viên.

Hội chỉ đạo các chi hội mở các chuyên mục, diễn đàn: “Tìm hiểu lịch sử cách mạng”, “phổ biến kiến thức lịch sử”, “câu chuyện lịch sử cách mạng địa phương”, “tìm hiểu nhân vật lịch sử”... với nhiều hình thức chuyển tải đa dạng, phong phú, tích hợp công nghệ để thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử. Qua đó cũng góp phần hiểu biết về lịch sử địa phương.

Thứ ba, Chủ động tham mưu cho tỉnh tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm về kỷ niệm các sự kiện lớn và các nhân vật lịch sử tiêu biểu của tỉnh.

Thời gian qua, Hội đã tham mưu và đóng góp tham luận vào các cuộc hội thảo, tọa đàm do các cơ quan chuyên môn ở tỉnh phối hợp với các Viện Nghiên cứu ở Trung ương tổ chức. Tiêu biểu là các cuộc hội thảo khoa học cấp quốc gia và cấp tỉnh: Hội thảo kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh; Tìm và thống nhất ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh; Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Tây Bắc; Kỷ niệm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ lên thăm Sơn La; Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào; Di tích Ngã Ba Cò Nòi... Thông qua đó, nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử đã được làm sáng tỏ bằng những luận cứ khoa học, những tư liệu mới, trên cơ sở nhận thức mới.

Tuy nhiên, trong dòng chảy của lịch sử Sơn La vẫn còn nhiều khoảng trống, nhiều nhân vật chưa được công nhận là người có công, tiêu biểu như: Đồng chí Chu Văn Thịnh – Người lãnh đạo chủ chốt cuộc khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Sơn La thành công; sự kiện Bác Hồ lên thăm Sơn La có dừng lại nói chuyện với nhân dân các dân tộc huyện Mường La, Mai Sơn không? Hội nên chủ động tham mưu với tỉnh cho phép phối hợp với các ngành chức năng tổ chức Hội thảo về sự kiện và nhân vật lịch sử; đồng thời phối hợp với Bảo tàng tỉnh, Trường Đại học Tây Bắc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức một số hội thảo khoa học chuyên ngành nhằm làm sáng tỏ các sự kiện và nhân vật lịch sử, góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Thứ tư, chú trọng công tác sưu tầm, lưu trữ tư liệu, đặc biệt là tư liệu lịch sử thời kỳ trước năm 1962, tiến tới số hóa toàn bộ tư liệu lịch sử.

Quan tâm sưu tầm, khai thác bổ sung tư liệu lịch sử. Làm tốt công tác bảo quản, lưu trữ tư liệu lịch sử Đảng. Tài liệu lịch sử sưu tầm được ở các kho lưu trữ Trung ương, các tỉnh và tư liệu qua phỏng vấn các nhân chứng lịch sử phải được lưu trữ cẩn thận. Trong thời gian tới, Hội Khoa học lịch sử phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng Đề án số hóa các tư liệu lịch sử và Đề án sưu tầm tư liệu qua phỏng vấn các nhân chứng lịch sử trình Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt để triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất.

Thứ năm, xây dựng đội ngũ cộng tác viên là những người đam mê tìm hiểu về lịch sử, văn hóa địa phương.

Hội đã thành lập Ban Biên tập và xuất bản Bản tin “Sơn La Xưa và Nay” mỗi năm 4 số với số lượng 1.300 cuốn/số. Đến nay, đã xuất bản được 59 số, với chất lượng bài viết phong phú, đa dạng về lịch sử, văn hóa, qua đó tiếng nói và uy tín của Hội Khoa học lịch sử tỉnh ngày càng được nâng cao.

Để có những bài viết về lịch sử, văn hóa địa phương có chất lượng trong bản tin “Sơn La Xưa và Nay”; giúp cho Ban Biên tập trong việc sưu tầm tư liệu, nắm chắc về lịch sử địa phương, rất cần có đội ngũ cộng tác viên có kiến thức chuyên sâu về lịch sử, văn hóa. Hằng năm, Hội nên tổ chức Hội nghị cộng tác viên lồng ghép với việc bồi dưỡng nghiệp vụ về nghiên cứu lịch sử. Có như vậy Hội mới tập hợp được đội ngũ cộng tác chuyên sâu, tâm huyết với công tác lịch sử, có những bài viết về lịch sử chân thực, sâu sắc.

Thứ sáu, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền và giáo dục lịch sử.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu rộng đến nhiều lĩnh vực; trình độ văn hóa, sự hiểu biết của nhân dân được nâng cao, các ý kiến, quan điểm, sự đánh giá, nhận xét của bạn đọc ngày càng sâu và chất lượng hơn. Các phương tiện truyền thông, nhất là các phương tiện truyền thông đại chúng ngày càng phát triển và đưa thông tin đến hầu hết các đối tượng công chúng kể cả công chúng ở vùng sâu, vùng xa. Thông tin do các phương tiện truyền thông mang đến cho công chúng ngày càng đa dạng, phong phú, cập nhật và mang tính khách quan. Hội cần đổi mới cách tuyên truyền, phổ biến kiến thức lịch sử thông qua việc lập trang thông tin điện tử (website) nhằm nhanh chóng đưa những kiến thức lịch sử, văn hóa địa phương đến với bạn đọc, giúp cho họ nắm bắt được những sự kiện, nhân vật mà họ quan tâm tìm hiểu.

Thường trực hội, các chi hội phải quan tâm sát sao hơn nữa trong chỉ đạo công tác nghiên cứu, giáo dục và tuyên truyền lịch sử nhằm tạo ra sự chuyển biến về chất đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử; đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch dài hạn và hàng năm để tham mưu hiệu quả cho các cấp ủy Đảng về công tác lịch sử, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới và phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước và địa phương. Đó chính là nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng nhằm bồi đắp lòng yêu nước trở thành sức mạnh nội sinh và động lực to lớn, đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân do Đảng lãnh đạo đi đến thành công.

Vương Ngọc Oanh (Nguyên Chủ tịch Hội KHLS tỉnh Sơn La)

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/son-la-xua-va-nay/nhung-van-de-can-quan-tam-de-phat-trien-hoi-khoa-hoc-lich-su-tinh-son-la-KpYBqTPIR.html