Những vấn đề pháp lý của ông Trump sau vụ nhà riêng bị đột kích

Sau vụ FBI đột kích khu dinh thự riêng của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhiều vấn đề phức tạp đã dần lộ ra, trong đó có hàng loạt vấn đề rắc rối pháp lý liên quan hành động của ông sau khi thất cử và phải rời khỏi Nhà Trắng, cũng như khả năng ông không thể tiếp tục cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024...

Dấu hiệu hình sự?

Như thông tin đã đưa, FBI đã thực hiện lệnh khám xét vào khoảng 9 giờ sáng ngày 8-8 tại tư dinh của ông Trump ở khu Mar-a-Lago, nơi vốn được xem là “biệt điện bất khả xâm phạm” hay “Nhà Trắng mùa đông” của ông. Đích thân Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland đã phê duyệt yêu cầu khám xét của FBI. Vụ đột kích diễn ra nhanh và bất ngờ khiến cả ông Trump và bộ sậu đều không kịp trở tay.

Kể cả những người liên quan trong đảng Cộng hòa, kể cả Nhà Trắng đương nhiệm cũng đều bất ngờ. Hành động này cho thấy các nhà điều tra đang đẩy mạnh cuộc điều tra nhắm vào ông Trump kể từ khi nổ ra vụ việc 6-1 và nó khiến cho những người bên đảng Cộng hòa nổi giận. Bản thân ông Trump cũng chỉ biết đưa ra các phát ngôn chỉ trích cuộc đột kích nhưng đành phải chấp hành.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Việc khám xét của FBI nằm trong kế hoạch của một cuộc điều tra đang diễn ra nhằm kiểm tra việc ông Trump có khả năng xóa và phá hủy hồ sơ Nhà Trắng sau khi rời nhiệm sở vào đầu năm 2021. Theo FBI, cái mà họ tìm kiếm liên quan đến nghi vấn ông Trump có thể đã loại bỏ 15 thùng hồ sơ tổng thống trong Nhà Trắng, bao gồm các tài liệu mật hoặc các tài liệu khác. Cái cớ khiến FBI phải lục soát khu Mar-a-Lago chính là việc Bộ Tư pháp Mỹ từ lâu đã nghi ngờ ông Trump mang các tài liệu mật về đây cất giữ và khi các cuộc điều tra xung quanh vụ bạo lực Đồi Capitol ngày 6-1-2021 nổ ra, thì ông có thể đã tiêu hủy chúng. Ngay trước khi FBI tiến hành cuộc lục soát, trên truyền thông bỗng xuất hiện những ấn phẩm sách báo và hình ảnh mô tả việc ông tiêu hủy các tài liệu, giấy tờ khi còn ngồi trong Nhà Trắng. Những hình ảnh này làm tăng mối nghi ngờ ông Trump thủ tiêu hồ sơ liên quan các hoạt động của ông trong Nhà Trắng ở khu biệt thự riêng, đặc biệt là hồ sơ liên quan đến vụ việc ngày 6-1 trên Đồi Capitol. Việc FBI có trong tay trát lục soát khu Mar-a-Lago có nghĩa là cuộc điều tra đang đi theo hướng hình sự vì có những dấu hiệu phạm tội hình sự ở ông Trump.

Vào tháng 1-2022, khi Cục Quản lý lưu trữ và hồ sơ quốc gia (NARA) chuẩn bị chuyển hồ sơ từ Nhà Trắng của Trump đến Ủy ban Tuyển chọn Hạ viện điều tra vụ việc ngày 6-1, họ phát hiện số lượng tài liệu tương đương 15 thùng hồ sơ đã được đưa đến khu Mar-a-Lago một cách không phù hợp. Sau đó, các hồ sơ đã được trả lại cho NARA sau cuộc đàm phán với luật sư của ông Trump nhưng các quan chức NARA sau đó phát hiện rằng cựu Tổng thống Trump đã lấy đi một số tài liệu được đánh dấu tuyệt mật và nhạy cảm về an ninh quốc gia. Tháng 6-2022, các quan chức NARA tiếp tục đến gặp các luật sư của ông Trump để yêu cầu hoàn trả các hồ sơ còn thiếu trong 15 thùng hồ sơ đã được thu hồi nhưng không có kết quả. Vì vậy, việc lục soát là việc FBI buộc phải làm.

Dinh thự của ông Trump ở khu Mar-a-Lago.

Trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông Trump bị phát hiện đã nhiều lần có hành vi nguy cơ vi phạm Đạo luật Hồ sơ tổng thống năm 1978. Đạo luật này quy định quản lý việc loại bỏ hoặc phá hủy hồ sơ tổng thống một cách cố ý và bất hợp pháp, đồng thời đưa ra các hình phạt đáng kể bao gồm: phạt tiền, bỏ tù và đáng chú ý nhất là “không đủ tư cách giữ chức vụ hiện tại hoặc trong tương lai”. Đạo luật cũng yêu cầu các tổng thống phải bảo quản tài liệu chính thức trong Nhà Trắng, kể cả sau khi rời nhiệm và xử lý các loại giấy tờ một cách thận trọng.

Hiện FBI chưa đưa ra kết luận nào liên quan cuộc lục soát và người ta cũng không biết liệu cơ quan này sẽ có hành động gì tiếp theo trong cuộc điều tra đối với ông Trump.

Cuộc đột kích chưa từng có tiền lệ

Vụ việc FBI lục soát khu Mar-a-Lago được cho là chưa có tiền lệ trong lịch sử nước Mỹ, khi một cựu tổng thống bị điều tra đến mức độ lục soát nơi ở. Với cuộc điều tra này, ông Trump đối mặt với nguy cơ bị áp dụng các chế tài của Đạo luật Hồ sơ tổng thống năm 1978.

Xe công vụ của FBI đậu trước khu dinh thự ở Mar-a-Lago, bang Florida.

Bên cạnh cuộc điều tra của FBI, Ủy ban Tuyển chọn của Hạ viện Mỹ cũng khởi động cuộc điều tra riêng vào việc liệu ông Trump có vi phạm Đạo luật Hồ sơ tổng thống năm 1978 hay không. Ủy ban đã yêu cầu NARA chuyển giao hồ sơ để xem xét, đồng thời yêu cầu các cơ quan liên quan, như FBI, NARA, Nhà Trắng,... báo cáo về các cuộc gọi điện thoại công vụ, hoạt động ghi chép các cuộc gọi và quản lý hồ sơ tổng thống của ông Trump trong thời gian tại nhiệm. Những thông tin tiết lộ trên báo chí mới đây khiến Ủy an Tuyển chọn Hạ viện nghi ngờ ông Trump tiêu hủy giấy tờ không phù hợp với quy định, gây ra nguy cơ làm lộ lọt thông tin bí mật ra bên ngoài.

Hiện tại, song song với các cuộc điều tra liên quan đến cuộc tấn công ngày 6-1-2021 vào Điện Capitol và âm mưu đảo chính sau bầu cử tổng thống; một kế hoạch cung cấp các đại cử tri giả để lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020; các quan chức nhà nước được ông Trump yêu cầu “tìm” phiếu bầu ở bang Georgia và cuộc điều tra về các giao dịch tài chính và hoạt động của tổ chức Trump Organization.

Một loạt cuộc điều trần trên truyền hình của Ủy ban Tuyển chọn Hạ viện điều tra cuộc tấn công vào ngày 6-1-2021 tại Điện Capitol đã vạch ra cái mà ban hội thẩm gọi là một “nỗ lực phức tạp” nhằm lật ngược kết quả ông Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 một cách bất hợp pháp.

Phần quan trọng của nỗ lực đó được tiến hành trong khi ông Trump đang nghỉ lễ Giáng sinh tháng 12-2020 tại khu Mar-a-Lago của ông ở Palm Beach, bang Florida, liên quan đến việc gây sức ép với các quan chức Bộ Tư pháp Mỹ để họ nói dối rằng cuộc bầu cử đã được thực hiện một cách gian lận. Ủy ban cũng cáo buộc ông Trump tham gia sâu vào cuộc tuần hành và biểu tình trở thành bạo lực trên Đồi Capitol vào ngày 6-1-2021.

Là một phần của chiến dịch lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020, ông Trump cũng bị cáo buộc là đã biết về kế hoạch thay thế các đại cử tri hợp pháp được chỉ định bỏ phiếu đại cử tri theo quy định của hiến pháp để bầu ra ông Biden vào tháng 12-2020 bằng các đại cử tri giả.

Theo tờ USA Today, vào tháng 7, các nhà điều tra liên bang đã khám xét nhà của cựu trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Jeffrey Clark, người đã soạn thảo một lá thư cho các quan chức ở 6 bang tìm cách lật ngược kết quả bầu cử của họ. Và, nhà chức trách đã thu giữ điện thoại di động của ông John Eastman, một trong những luật sư riêng của ông Trump, người đã xây dựng một kế hoạch để Phó Tổng thống khi đó là Mike Pence thẳng tay từ chối các cử tri từ các bang mà ông Biden giành chiến thắng. Nhưng, ông Pence đã từ chối thực hiện kế hoạch này.

Đối với cuộc điều tra “tìm phiếu bầu”, các nhà chức trách bang Georgia đang xem xét các cáo buộc rằng ông Trump đã ép các quan chức bầu cử ở bang này yêu cầu “tìm” cho ông đủ số phiếu để giành được phiếu đại cử tri của bang Georgia trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Cơ sở của cáo buộc này là một cuộc trò chuyện được ghi âm vào đầu tháng 1-2021, trong đó ông Trump nói với Ngoại trưởng bang Georgia Brad Raffensperger rằng “Fellas, tôi chỉ cần tìm 11.780 phiếu bầu”. Hiện, cuộc điều tra đang tiếp tục thu thập thêm chứng cứ để đưa ra kết luận liệu ông Trump có vi phạm nghiêm trọng pháp luật bầu cử Mỹ hay không.

Cựu Tổng thống Trump và nhiều cộng sự của ông đang bị FBI, Bộ Tư pháp, Sở Thuế vụ và các cơ quan liên bang, tiểu bang khác giám sát vì bị cáo buộc có hành vi sai trái trong suốt 4 năm điều hành và liên quan đến các thực thể kinh doanh khác nhau của ông.

Đặc biệt, ngày 10-8, hai ngày sau vụ FBI đột kích lục soát khu biệt thự Mar-a-Lago, ông Trump lại bị Văn phòng Công tố quốc gia tống đạt trát triệu tập để thẩm vấn về các giao dịch tài chính liên quan đến hoạt động của tổ chức Trump Organization của ông. Cuộc thẩm vấn diễn ra tại khu Manhattan và kéo dài 4 tiếng đồng hồ. Luật sư riêng của ông cho biết, ông đã sử dụng Tu chính án thứ năm của Hiến pháp để từ chối hơn 400 câu hỏi của cơ quan công tố liên quan đến các hoạt động của Trump Organization. Ông Trump chỉ trả lời duy nhất câu: “Ông tên là gì?” và phát biểu một câu: “Đây là cuộc săn phù thủy lớn trong lịch sử nước Mỹ”.

Chính trường nước Mỹ đang bất ổn

Các cuộc điều tra nhắm vào ông Trump, nhất là cuộc đột kích vào khu Mar-a-Lago tiếp tục khuấy động cuộc tranh giành giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Các đảng viên Cộng hòa hàng đầu đã tập hợp lại để bảo vệ ông Trump. Kevin McCarthy, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện, đưa ra lời đe dọa sẽ điều tra Bộ Tư pháp nếu đảng của ông giành được quyền kiểm soát Hạ viện vào năm tới, điều được dự báo có thể xảy ra. Ông McCarthy cũng đưa ra lời kêu gọi về trách nhiệm giải trình từ các đối thủ và khơi gợi suy đoán về ý nghĩa của kế hoạch tranh cử lại vào Nhà Trắng năm 2024 của ông Trump.

Các tài liệu thu được ở Mar-a-Lago.

Trong khi đó, các thành viên đảng Dân chủ cũng đưa ra cáo buộc đảng Cộng hòa “đạo đức giả” sau nhiều năm kêu gọi truy tố bà Hillary Clinton, đối thủ đảng Dân chủ bị ông Trump đánh bại năm 2016, về câu hỏi liệu bà có xử lý sai thông tin mật bằng cách sử dụng máy chủ email riêng hay không. Ông Trump đã tìm cách khai thác cuộc điều tra và khuyến khích những người ủng hộ mình hô khẩu hiệu “hãy nhốt bà ấy lại” trong các cuộc vận động tranh cử.

Nhiều người tin rằng ông Trump đang theo đuổi cuộc tranh cử tổng thống vào năm 2024 và cuộc đột kích khu Mar-a-Lago sẽ có lợi cho ông về mặt chính trị. Cuộc điều tra có thể thúc đẩy ông tuyên bố tái tranh cử tổng thống ngay trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng vào tháng 11 năm nay. Một số ý kiến cho rằng, vụ việc đó sẽ thúc đẩy sự nghi ngờ của những người ủng hộ ông đối với các quan chức thực thi pháp luật liên bang, những người mà ông Trump và các đồng minh của ông lâu nay xem là tham nhũng, thiên vị và là một phần của âm mưu chống ông Trump.

Cuộc điều tra cũng có tác động tập hợp các đồng minh của ông và các đối thủ tiềm tàng trong đảng Cộng hòa vào năm 2024 đứng về phía ông. Trong các đối thủ tiềm tàng của ông Trump thuộc đảng Cộng hòa có Thống đốc Florida Ron DeSantis, người được coi là ứng cử viên tiềm năng vào năm 2024 và dư luận gần đây cho rằng ông này có khả năng sẽ thay thế ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng nếu ông Trump không thoát khỏi vòng lao lý.

An Châu (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/nhung-van-de-phap-ly-cua-ong-trump-sau-vu-nha-rieng-bi-dot-kich-i664042/