Những vấn đề sức khỏe bố mẹ cần lưu ý khi cho trẻ bơi ở nơi công cộng

Bơi lội rất tốt cho sức khỏe nên cha mẹ thường cho con trẻ đi bơi thường xuyên. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ khi đi bơi ở nơi công cộng.

Không còn nơi nào giúp bạn tránh khỏi cái nóng tuyệt vời hơn các địa điểm như bể bơi hay bãi biển. Tuy nhiên, những địa điểm công cộng này cũng có thể gây ra nguy hiểm cho trẻ nhỏ nếu bố mẹ không có các biện pháp an toàn cần thiết.

Luôn chú ý và để mắt đến con: Hãy chắc chắn bé bơi lội trong tầm mắt của bạn. Nếu trẻ còn rất nhỏ hoặc đang trong độ tuổi tập đi, bạn cần xuống nước ở cạnh bé và đảm bảo bé luôn trong tầm với tay của mình lúc cần thiết. Đối với trẻ lớn hơn, bạn nên để mắt đến con thường xuyên, tránh để những việc như nói chuyện điện thoại, trò chuyện, làm việc nhà hoặc uống rượu làm bạn phân tâm và quên để mắt đến bé.

Không cho con chạy trên sàn bể bơi: Bố mẹ có để ý rằng các nhân viên cứu hộ ở bể bơi công cộng luôn ngăn cản mọi người chạy nhảy tại khu vực gần bể bơi? Việc chạy nhảy trên sàn bể bơi cực kỳ nguy hiểm, do trên sàn có thể còn nhiều nước đọng, khiến không chỉ trẻ con mà còn cả người lớn cũng dễ bị trơn trượt.

Nhớ bôi kem chống nắng cho trẻ: Bố mẹ cần bôi kem chống nắng cho con trước khi đến bể bơi, chứ không phải tới nơi rồi mới làm. Hãy nhớ thoa đều kem chống nắng lên da cho trẻ trước khi mặc đồ bơi cho con. Điều này giúp con tha hồ chạy nhảy vui đùa mà không lo đến việc đen da và những ảnh hưởng tiêu cực của tia cực tím.

Hãy lau rửa tai cho con: Đừng bao giờ quên lau tai cho con sau khi vừa chơi dưới nước. Nghe có vẻ nhỏ nhặt nhưng tai bị ẩm ướt có thể dẫn đến các bệnh nhiễm trùng đường tai mũi. Thậm chí trẻ có thể bị nước lọt vào trong tai, khi đó, cần để trẻ nghiêng đầu cho nước chảy ra, rồi lau sạch tai cho trẻ bằng khăn hoặc tăm bông.

Không để trẻ cho người khác mượn kính bơi: Theo nghiên cứu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, các bệnh nhiễm trùng da rất dễ lây truyền nếu dùng chung đồ vật, nhất là các dụng cụ thể thao. Chuyên gia nhận định rằng: "Không nên chia sẻ những vật dụng cá nhân như kính bơi, khăn tắm hay đồ bơi với người khác".

Khởi động trước khi bơi: Hầu hết ai cũng bỏ qua bước này. Bạn nên khởi động trước khi bơi để người nóng lên, dãn cơ khớp, khi bơi bạn sẽ không bị mệt và mỏi cơ nhiều. Chỉ cần bỏ ra ít phút để tập cho dãn cơ như xoay người, khớp gối, tay chân,…

Nên trang bị đồ bơi và bổ sung nước: Bơi cũng khiến cơ thể mất nước nhanh. Vậy nên bạn hãy bổ sung nước cho cơ thể vừa đủ để tránh mệt mỏi. Nên trang bị nón và kính bơi. Vì nước ở bể không hoàn toàn sạch vậy nên tránh bị vào mắt vào tai, chúng ta nên sử dụng những loại đồ này.

Tắm rửa sau khi bơi: Bơi xong, nên đi tắm để da và tóc không bị khô và nhiễm hóa chất vì nước ở hồ bơi không hề tốt. Hãy vệ sinh cơ thể thật kĩ, không nên về nhà rồi mới bắt đầu tắm bởi vì có nhiều vi khuẩn lẫn tạp chất trong nước sẽ bám vào da gây bệnh cho cơ thể.

Tránh bơi lúc trời nắng: Thời gian cũng rất quan trọng, không nên bơi vào lúc 11-15h. Lúc đó chúng ta rất dễ bị say nắng và cực hại cho làn da, lời khuyên là nên bơi lúc 6-7h khi trời còn mát, hoặc sau 16h.

Bơi lội rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên nhiều trường hợp sau khi đi bơi về mắc các bệnh về da, sốt, dị ứng, viêm xoang cấp, viêm tai giữa, viêm phổi… Chuyện gì cũng có thể xảy ra với trẻ khi đang vui chơi tại bể bơi, hãy trang bị cho mình thêm kiến thức để có thể bảo vệ con bạn nhé!

Ảnh: Internet

Thủy Nguyễn

Theo: Thể thao văn hóa

Nguồn Khỏe Plus: http://khoeplus.vn/phong-mach/nhung-van-de-suc-khoe-bo-me-can-luu-y-khi-cho-tre-boi-o-noi-cong-cong-22586.html