Những VĐV vàng tại SEA Games

SGTT.VN - Triyaningsih nhìn đau đớn hơn là sung sướng khi cô về đích đầu tiên ở môn thi marathon nữ. Sau khi đến đích, cô phải bỏ nghi thức trao huy chương để đến bệnh viện Palembang chữa trị những vết phồng dộp ở hai bàn chân của cô. Đây là HCV thứ ba mà Triyaningsih giành được cho Indonesia sau các HCV ở nội dung chạy 5.000m và 10.000m.

Triyaningsih giành 3 HCV chạy 5.000m, 10.000m và marathon cho Indonesia.

“Đừng nói với ai là tôi bị thương, nếu HLV tôi biết thì ông ấy sẽ không cho tôi thi, tôi muốn có HCV thứ ba để dâng tặng cha tôi”, Triyaningsih nài nỉ phóng viên hãng thông tấn Antara khi phóng viên này biết cô bị chấn thương trước cuộc thi marathon 1 ngày. Cha của Triyaningsih đã mất vào đầu năm nay.

Và Triyaningsih đã thực hiện được lời hứa vàng khi chạy hết 2 giờ 45 phút 35 giây. Ngay sau đó, Yahuza đoạt chiếc HCV cuối cùng ở môn điền kinh cho Indonesia ở nội dung marathon nam với 2 giờ 27 phút 45 giây. Như vậy, trong 48 bộ HC môn ở môn điền kinh, Indonesia có 13 HCV, chỉ sau Thái Lan với 14 HCV.

“Đây là điều không thể tin được”, ông Paulus Lay, người đứng đầu bộ môn điền kinh Indonesia nói, “Sau SEA Games 2009, chúng tôi chỉ đặt chỉ tiêu 7 HCV ở SEA Games này thôi. 80% HCV điền kinh của chúng tôi đến từ các VĐV trẻ”.

Trong các HCV điền kinh của Indonesia có 2 chiếc HCV nặng ký nhất là chạy 100m nam của Franklin và chạy 100m nữ của Serafi. Franklin, 20 tuổi, còn giành được HCV ở nội dung chạy 200m nam và HCV khác ở nội dung 4x100m nam. Đầu năm nay anh đã bị loại khỏi đội tuyển vì vô kỷ luật, mãi sau này, được ông Paulus bảo lãnh, Franklin mới được gọi trở lại. Trong đội điền kinh Indonesia còn có VĐV Agus giành 2 HCV ở nội dung chạy 5.000m và 10.000m.

Bên hồ bơi, Indonesia có một ngôi sao mới nổi là I Gede Siman Sudar, 17 tuổi, giành về cho bơi lội nước chủ nhà 3/5 HCV. Các HCV của Sudar đến từ các nội dung bơi ngửa nam 50m, 100m và 200m. Anh lập kỷ lục SEA Games ở nội dung 100m ngửa với thành tích 2 phút 15 giây 73. Bạn gái của Sudar là Yessy Yosaputra cũng 17 tuổi trước đó đã phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 200m ngửa.

Nói về bơi thì Thái Lan còn có một kình ngư tên Natthanan, cô giành 4 HCV ở các nội dung 100m tự do, 200m tự do, 400m tự do, 400m hỗn hợp. Ngoài ra, cô còn giành 2 HCB và 1 HCĐ nữa. Chỉ tính riêng SEA Games này, Natthanan đã có một bộ sưu tập HC.

Kình ngư Joseph Schooling đã có 3 HCV cho Singapore.

Nhưng những người chủ ở đường đua xanh đích thực phải là các kình ngư Singapore. Đến lúc này, họ đã có 15/32 chiếc HCV bơi, 6 cái HCV còn lại trong ngày hôm nay, nhiều khả năng họ sẽ không “chia” cho nước nào nữa. Ngôi sao bơi lội của Singapore rõ ràng là nữ VĐV 21 tuổi Tan Li, cô thống trị các đường bơi bướm ở châu Á, giành một số giải tầm thế giới khác, thế nên SEA Games đối với cô chỉ là cuộc dạo chơi. Đến giờ này, cô đã giành 6 HCV cá nhân và đồng đội cho Singapore.

Singapore vừa rồi trình làng bà ngoại 76 tuổi Ng Lai Chun giành HCB ở môn đánh bài bridge, lại tiếp tục trình làng “cháu ngoại” 16 tuổi Joseph Schooling trên đường đua xanh. Hôm qua 16.11, Joseph vừa phá kỷ lục SEA Games ở nội dung bơi 200m bướm, nâng số HCV bơi cá nhân của anh có tại SEA Games lên thành 3 chiếc. Báo chí Singapore bắt đầu so sánh Joseph với thần đồng Ian Thorpe của Úc trước kia.

Việt Nam cũng có những gương mặt vàng đáng tự hào, đó là Hà Thanh với 4 HCV và Ngân Thương với 2 HCV ở môn thể dục dụng cụ, là Hoàng Quý Phước với chiến tích 2 HCV trên đường đua xanh, là Trương Thanh Hằng rất ổn định ở đường chạy 800m và 1.500m.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/sea-games-26/chuyen-ben-le/155784/nhung-vdv-vang-tai-sea-games.html