Những vẻ đẹp đích thực không bao giờ mất

Thưa nhà thơ Trần Đăng Khoa, qua các hãng thông tấn, báo chí, tôi biết anh đã nhiều năm học ở nước Nga, cũng đã nhiều lần trở lại nước Nga sau khi đã tốt nghiệp khóa đào tạo cơ bản ở Học viện Văn học M. Gorki, thuộc Liên Xô cũ.

Khi nước Nga có chính biến, anh đang ở đâu trên đất Nga? Tại sao bây giờ bạn đọc không còn thiết tha với tác phẩm Thép đã tôi thế đấy? Hình ảnh Paven Corsaghin từng rung động trái tim hàng triệu bạn trẻ trên hành tinh thì nay đã không còn thiêng nữa. Tôi vì yêu Paven mà xung phong ra trận mạc. Con trai tôi lại mang thần tượng của bố mình ra để giễu cợt, cho đó là sự cao thượng giả dối. Có phải đời sống thực dụng bây giờ, cái mầm thâm độc của chủ nghĩa tư bản đã đầu độc lũ trẻ, khiến chúng quay lưng lại với những vẻ đẹp của cách mạng, những giá trị đã làm nên vẻ đẹp một thời. Tôi buồn quá anh Khoa ạ…

Trần Văn Tự

(Hội Cựu chiến binh Nga Sơn Thanh Hóa)

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Người thực dụng thì ở đâu cũng có và thời nào cũng có, ngay ở ta cũng có đầy, chứ không phải chỉ có ở xã hội tư bản. Con trai bác không thích Paven Corsaghin, nhưng không phải vì thế mà thần tượng của bác không còn thiêng với lớp trẻ. Tôi không nghĩ là bạn đọc trẻ quay lưng lại với văn học Cách mạng và càng không bao giờ quay lưng lại với cách mạng. Họ chỉ thờ ơ với những cuốn sách dở mà thôi. Đây chỉ thuần túy là chuyện thưởng thức nghệ thuật. Tác phẩm dở thì làm sao mà mê được. Còn tác phẩm hay thì dù thời thế có thay đổi thế nào, nó vẫn trường tồn. Đó là nhờ tài năng tuyệt vời của người sáng tạo nghệ thuật. Đônkiôte là anh chàng nửa điên, nửa khùng của xứ Tây Ban Nha. AQ là gã dở khôn dở dại của làng Mùi, Trung Quốc. Còn Chí Phèo thì là gã càn quấy, một con quỷ đội lốt người của làng Vũ Đại xứ Việt ta. Cả ba anh chàng này chẳng có đoàn thể nào kết nạp, cũng chẳng có giấy tờ, hộ chiếu, mà vẫn đi khắp thế giới, vượt qua mọi thời đại. Ngược lại, có bao nhiêu người tốt, được bằng khen, giấy khen, được đắp bao nhung lụa, lại được giữ gìn bảo vệ cẩn trọng mà rồi vẫn cứ chết, mà lại chết đường chết chợ, chết trong nhà, trong xó bếp, chết im lắm, chẳng thấy kèn trống, cờ quạt gì.

Ở Việt Nam, Thép đã tôi thế đấy vẫn được tái bản nhiều lần dù thời thế có thay đổi thế nào, nó vẫn trường tồn. Thần tượng Paven không chỉ sống trong lòng giới trẻ Nga mà đã sống và sẽ còn sống mãi trong lòng bạn đọc toàn cầu...

Paven Corsaghin không phải là kẻ yểu mệnh, dù cuộc đời chàng cũng đã nhiều phen trải qua sóng gió. Cuối những năm 80, thế giới có nhiều biến động. Ngay cả những người bi quan nhất cũng chẳng có ai nghĩ Liên Xô, thành trì của chủ nghĩa xã hội lại có thể tan rã. Ấy vậy mà rồi, cái điều không ai tin được ấy lại xảy ra ngay trên chính quê hương của Cách mạng Tháng Mười.

Vào một đêm cuối cùng của năm 1991, tôi đến Quảng trường Đỏ, khi ấy, trời rất lạnh. Mặt rát bỏng vì giá lạnh. Vậy mà quanh Điện Kremli vẫn đông nghịt người. Phần lớn là các cựu chiến binh, rất nhiều người già, trong đó có không ít người đã từng tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, rồi những nhà cách mạng lão thành, những cụ ông, cụ bà ngực đeo đầy huân chương, huy chương. Rồi phóng viên báo chí quốc tế. Rồi cả những kẻ hiếu kỳ. Rất nhiều người mang theo chiếc rađio nhỏ để theo dõi từng thời khắc chính biến và nghe lời thoái vị của Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev. Vào đúng lúc 0 giờ, chuông đồng hồ trên đỉnh tháp Kremlin vẫn thong thả buông xuống quảng trường những âm thanh thiêng liêng quen thuộc. Trước cửa lăng V.I.Lênin, tốp cảnh vệ vẫn thay ca đổi gác như thường lệ. Nhưng dường như chẳng ai còn để ý đến nữa. Hàng chục ngọn đèn pha lòa lòa rọi lên tháp Kremlin. Một bóng người mảnh teo như que tăm leo lên đỉnh tháp. Lát sau, lá cờ thời Nga hoàng đã được kéo lên và lá cờ Liên bang Xã hội chủ nghĩa xô viết rơi xuống quảng trường như một chiếc lá úa. Rất nhiều người Nga trên quảng trường đã khóc. Thế là cả một thời đại đã đi qua. Tôi không ngờ mình lại là người bàng hoàng, sửng sốt chứng kiến cái khoảng khắc đổi thay không ai ngờ tới ấy.

Rồi sau đó là những ngày bất an. Bọn quá khích đặt mìn trong ga tàu điện ngầm, trong xe ôtô buýt và các nơi sinh hoạt công cộng. Bao nhiêu tượng đài các nhà cách mạng bị quật đổ. Bao nhiêu danh nhân bị lăng mạ. Đêm khuya, đi trên đường phố cứ nơm nớp. Matxcơva đã mất đi vẻ thanh bình êm ả như nó vẫn từng có.

Vào những ngày ảm đạm như thế, tôi tìm đến nghĩa trang danh nhân, nằm giữa Matxcơva, là nơi yên nghỉ của các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, các vị chính khách, các nhà hoạt động chính trị, những vị anh hùng trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Nghĩa trang xây rất đa dạng. Mỗi ngôi mộ kiến trúc theo một kiểu cách riêng. Chỉ nhìn qua phần mộ, ta đã có thể biết được nghề nghiệp, vị trí và cả số phận của người đã khuất.

Tôi tìm đến ngôi mộ Nhicôlai Ôctoroxki, tác giả cuốn tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy. Thực tâm, tôi muốn biết người Nga, bạn đọc Nga, đặc biệt là giới trẻ Nga đối với ông như thế nào? Hình bóng Paven Corsaghin ra sao trong những tháng năm này?

Mộ Nhicôlai Ôctoroxki nằm sát chân tường thành, bên mấy cây thông nhỏ và cây bách diệp, dưới tháp chuông nhà thờ. Đó là ngôi mộ lớn xây bằng đá hoa cương, có gắn mô hình khẩu súng và chiếc mũ sắt, là những vật dụng quen thuộc của chàng Paven và những người lính vệ quốc. Trên tấm phù điêu lớn bằng đồng đen là chân dung nhà văn và chữ ký của ông. Không thấy hàng chữ số ghi ngày sinh và năm mất như ở các ngôi mộ khác.

Ở nước Nga, người ta thường dành hoa hồng tặng người thân vào ngày sinh nhật. Mùa đông, hoa rất đắt. Một bông hồng giá lên đến 7 rúp, bằng tiền mua một cái bàn là. Số tiền ấy không nhỏ đối với đồng lương của người dân Nga vào thời điểm bấy giờ. Vậy mà trên mộ Nhicôlai vẫn chất đầy hoa hồng tươi. Ngày nào đối với Nhicôlai cũng là ngày sinh nhật. Ông vẫn sống hơn những người đang sống. Mười năm sau ngày chính biến ấy, tôi trở lại nước Nga, lại tìm thăm mộ ông. Nước Nga bây giờ đã thay đổi rất nhiều. Nó như một nước tư bản hoang dã. Nhưng trên mộ ông, hoa vẫn chất đầy, không có gì thay đổi. Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy ngoài hoa hồng, còn có cả bánh kẹo, đồ chơi. Các em thiếu nhi còn thắt khăn quàng đỏ cho cả mấy cây tùng, cây bách diệp đứng bên mộ ông, cần mẫn như những người lính gác.

Và như thế, tôi hiểu Nhicôlai Ôctoroxki không hề bị quên lãng như không ít người đã lầm tưởng. Và chàng Paven Corsaghin của ông vẫn là thần tượng của các bạn trẻ Nga. Bão táp nào rồi cũng sẽ qua đi. Nhưng những gì tốt đẹp thì vẫn còn lại mãi... Tôi tin như vậy. Và quả đúng như vậy, gần đây, Paven Corsaghin đã thành nhân vật trung tâm của bộ phim truyền hình nhiều tập Trung Quốc Thép đã tôi thế đấy. Bộ phim này được khán giả Trung Quốc rất hâm mộ và cũng đã được phát trên truyền hình ta, được khán giả ta yêu thích như đã từng yêu thích những nhân vật trong các bộ phim lịch sử và dã sử của Trung Quốc. Thần tượng Paven của bác, qua tài năng sáng tạo của nhà văn Nga Nhicôlai Ôctoroxki không chỉ sống trong lòng giới trẻ Nga mà đã sống và sẽ còn sống mãi trong lòng bạn đọc toàn cầu...

Song Yến (ghi)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nhung-ve-dep-dich-thuc-khong-bao-gio-mat-n147349.html