Những vệt máu ở nhà tù Tuol Sleng

Những vệt máu màu nâu trong nhà tù Tuol Sleng, nếu không có sự hy sinh dũng cảm của 'đội quân nhà Phật', thì sẽ còn lan ra đến mức nào ở nhiều nơi khác trên mảnh đất Campuchia.

Những vệt màu nâu mờ trên tường, trên sàn ở nhà tù Tuol Sleng, Phnom Penh chính là dấu vết của những cuộc diệt chủng Khmer Đỏ ra tay với chính đồng bào của chúng. Bằng chứng về những vụ tàn sát quá ghê rợn và sống động, khiến tòa án của LHQ, cuối cùng, qua rất nhiều khó khăn, đã phán quyết về tội ác của Khmer Đỏ.

Lịch sử đã sang trang, nhận thức của thế giới về vai trò của Việt Nam đã hoàn toàn thay đổi, để người nào đó có thể đơn giản tuyên bố về mối quan hệ Việt Nam – Campuchia bằng định kiến của 40 năm trước.

Hộp sọ và xương cốt của các nạn nhân chế độ diệt chủng Pol Pot tại Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng ở Phnom Penh. Ảnh: News Limited

Hộp sọ và xương cốt của các nạn nhân chế độ diệt chủng Pol Pot tại Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng ở Phnom Penh. Ảnh: News Limited

Máu và nước mắt ở Tuol Sleng

Năm 2011, tôi đi Campuchia du lịch. Trong buổi sáng cuối cùng sau khi từ Siam Riap trở về Phnom Penh tối hôm trước, gọi taxi đưa tới nhà tù Tuol Sleng. Tuol Sleng là mục tiêu nhất định phải đến, bởi nghề nghiệp thúc giục phải nhìn thấy những dấu tích của một chương lịch sử đen tối, và vì hồi đó tôi thường phải đọc về các phiên tòa xét xử dằng dai xét xử cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ khi làm công việc của mình.

Thật sự, đến Tuol Sleng một mình không phải việc dễ chịu chút nào. Tuol Sleng là cái tên lần đầu biết từ có lẽ 20 năm trước chuyến đi, khi đọc một cuốn sách mà giờ không nhớ tựa đề nữa. Cuốn sách nói về chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, còn đọng lại chỉ là câu chuyện về những trí thức, thầy giáo, bác sĩ bị chính quyền Khmer Đỏ gom lại ở Tung Sleng, như cách cuốn sách nhắc đến, họ phải mặc quần áo đen, cả thế giới là những bộ đồ đen, và bị tra tấn, tàn sát dã man bằng những nhát cuốc bổ vào đầu.

Ập đến ở Tuol Sleng là một cú sốc so với những gì đã đọc, cả ấn tượng từ ngày nhỏ, đến một vài thông tin nào đó lưu lại khi làm nghề. Bầu không khí đặc quánh, ngột ngạt, câm lặng ngay khi bước qua cánh cổng. Nơi đây từng là một trường học trước khi bị biến thành nhà tù. Thật trớ trêu, nơi gieo mầm tri thức lại là nơi kết liễu vô cớ cuộc đời những trí thức hàng đầu Campuchia. Những ngôi mộ xi măng ngay trước sân của 14 nạn nhân cuối cùng của Khmer Đỏ tại đây. Những phòng giam chật hẹp. Những dụng cụ tra tấn vẫn còn nguyên. Và những vệt màu nâu mờ mờ mà người ta thuyết minh chính là vệt máu của dân thường Campuchia bị Khmer Đỏ dùng nhục hình tra tấn. Nghe vậy, không khỏi chết lặng sững sờ. Nó thật quá. Chẳng nhẽ mấy chục năm rồi, vệt máu không mờ đi.

Ảnh chụp, hình minh họa, thuyết minh, di vật rõ mồn một về các cuộc tra tấn tàn ác. Dìm đầu vào nước, treo ngược, đánh đập, hãm hiếp phụ nữ, giết trẻ em... Tôi không thể nhớ hết. Cảm giác là không thể mô tả bằng lời. Tôi không hiểu nổi. tại sao có những con người có thể đối xử với đồng loại như vậy! Bọn chúng là quái vật, là một giống loài kỳ cục nào đó ở đâu chứ không phải trên Trái Đất này.

Tâm trạng đen tối đè nặng lên ngực tôi, lên tâm trí tôi cả buối hôm đó, đến tận bây giờ, mỗi khi nhớ lại khung cảnh đó. Tôi vẫn nhớ cảm giác thấu tâm can là bị lạc vào địa ngục, nơi những linh hồn bị tàn sát đang đi lại, giao lưu với nhau, xuyên qua khách tham quan - những kẻ đột nhập vào thế giới của họ, nơi linh hồn luôn đông hơn người sống, trong một không gian quá chật hẹp, u ám, sầu thảm, ngưng đọng. Mấy cô gái trẻ người phương Tây trong sắc mặt nhợt nhạt, có cô òa lên khóc, có cô cắn móng tay, có cô bỏ ra ngoài. Tất cả du khách câm lặng, chẳng thể nào cất nổi một lời.

Phán xét lạc hậu

Những bằng chứng lịch sử vẫn còn nguyên vẹn, kinh hoàng, sống động. Những người sống sót vẫn còn đó, cả ở Campuchia lẫn ở Ba Chúc tỉnh An Giang của Việt Nam. Và những người lính Việt Nam từng đi chiến trường K vẫn còn ám ảnh bởi ký ức đẫm máu về những cuộc giết chóc của Khmer Đỏ lẫn về những trận chiến tàn bạo mà họ phải trải qua. Lịch sử vẫn sống động.

Vài năm trước, khi viết về Việt Nam đưa quân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, tôi đã so sánh sự kiện đó với việc Việt Nam đưa quân sang Campuchia gần 40 năm trước. Nếu suốt cả thập kỷ 1980 là sự chỉ trích, nghi kỵ của cộng đồng quốc tế, xảy ra từ sự chi phối của một số nước lớn trên bàn cờ địa chính trị quốc tế, cũng do việc Việt Nam bị kiềm tỏa về ngoại giao hoặc chưa chủ động và không thể chủ động trong việc đưa thông tin đến cộng đồng quốc tế, thì những năm 2013 – 2014, việc đưa sĩ quan tham gia gìn giữ ở Châu Phi đã mang ý nghĩa hoàn toàn khác. Một Việt Nam chủ động, mạnh mẽ, tham gia vào những cuộc chơi quốc tế. Các cán bộ ngoại giao cấp cao của Việt Nam, đi nhiều, tiếp xúc nhiều trên thế giới, luôn nhận định, sau hàng chục năm, mới thấy vị thế, uy tín Việt Nam thay đổi to lớn thế nào.

Vài chục tiếng đồng hồ nữa diễn ra cuộc bầu cử của Đại hội đồng LHQ vào 5 vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, trong đó Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của nhóm các nước Châu Á - Thái Bình Dương. Đó là sự khẳng định Việt Nam đã chọn con đường đúng đắn trong lịch sử. Một thành tựu mà không phải nước nào cũng làm được, cho dù họ có GDP cao gấp nhiều lần Việt Nam.

Những vệt máu màu nâu trong nhà tù Tuol Sleng, nếu không có sự hy sinh dũng cảm của "đội quân nhà Phật", thì sẽ còn lan ra đến mức nào ở nhiều nơi khác trên mảnh đất Campuchia. Lịch sử viết bằng máu của hàng triệu người Campuchia và hàng nghìn người Việt đã đổ xuống ở chiến trường K hay ở các tỉnh biên giới Tây Nam của Việt Nam, nơi bia thảm sát Ba Chúc vẫn ở đó, quá là đau đớn, quá là vĩ đại, quá là đắt đỏ, để ai đó, dù vì lợi ích của đất nước mình, có thể đơn giản phán xét lịch sử bằng một não trạng đầy định kiến của 40 năm về trước.

Vệt máu vương lại ở nhà tù Tuol Sleng còn khiến biết bao hậu sinh, dù ở nơi đâu trên trái đất này, ghê sợ, thì những phán xét lạc hậu với nhận thức của cộng đồng quốc tế, và trái với những bằng chứng không thể chối cãi kia, còn làm cho những nạn nhân ở Việt Nam, ở Campuchia, hay những người hiểu biết, có thể phẫn nộ và tổn thương tới mức nào.

Mỹ Hằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/nhung-vet-mau-o-nha-tu-tuol-sleng-539167.html