Những vết nứt cầu, đường gây xói niềm tin

Tình trạng xuống cấp nhanh của một số dự án giao thông trọng điểm sau khi đưa vào sử dụng đang khiến dư luận bức xúc. Đảm bảo chất lượng công trình vẫn là bài toán khó giải đối với ngành giao thông.

Tháng 11/2017, tôi bất ngờ nhận được tin nhắn của một người tự xưng làm kỹ sư trên công trường cầu Vàm Cống - cây cầu bắc qua sông Hậu vừa được hợp long vào tháng 9/2017 và dự kiến sẽ đưa vào khai thác cuối năm. Người kỹ sư này cho biết một dầm ngang trên cầu Vàm Cống đang bị nứt và đây là một sự cố rất nghiêm trọng. Anh cho rằng các đơn vị liên quan như chủ đầu tư, nhà thầu đang cố tình che giấu sự cố này nên anh đã phải thông tin cho báo chí.

Tôi nhanh chóng xác minh sự việc và những bài báo về vết nứt cầu Vàm Cống đã tạo mối quan tâm trong dư luận. Nguyên nhân sau đó được Bộ Giao thông đưa ra là do chất lượng thi công như đường hàn thanh dầm ngang không đảm bảo khiến các vết nứt xảy ra. Nhà thầu đã phải thay thế toàn bộ 60% dầm ngang, tổn thất rất nặng nề ngoài chi phí sửa chữa cầu phát sinh hàng trăm tỷ đồng, người dân hai bờ sông Hậu lại phải chờ đợi thêm ít nhất một năm nữa để công trình sửa chữa.

Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối hai bờ Cần Thơ và Đồng Tháp. (Nguồn: Zing)

Các vết nứt của cầu Vàm Cống gây bức xúc trong dư luận vì đây là công trình trọng điểm quốc gia, là dự án có nhiều Tư vấn, nhà thầu tên tuổi tham gia với tổng vốn đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng từ vốn vay ODA của Hàn Quốc. Một công trình đòi hỏi có chất lượng thi công cao, giám sát chất lượng chặt chẽ thế mà vẫn xảy ra hư hỏng, dư luận có thể đặt câu hỏi liệu có còn những chỗ khiếm khuyết khác chưa được phát hiện?

Mới đây, tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bong tróc trên hàng chục m2 sau khi lưu thông hơn một năm. Vụ việc sẽ không gây ồn ào nếu các nhà thầu khắc phục nhanh hư hỏng mà tiến hành sau khi lái xe và báo chí lên tiếng.

Cũng như cầu Vàm Cống, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia với tổng vốn đầu tư lên tới 34.000 tỷ đồng. Công trình tập trung nhiều liên danh nhà thầu tên tuổi trong ngành giao thông, tham gia ở 13 gói thầu chính.

Vấn đề đáng nói là sau khi sự cố xảy ra, các nhà thầu cũng như Ban quản lý dự án đều chậm xử lý các điểm hư hỏng và người có trách nhiệm ở Ban quản lý dự án đổ lỗi đường hỏng “do trời mưa”, đã làm mất uy tín của ngành Giao thông. Bộ trưởng Giao thông đã phải liên tiếp ra 2 công điện yêu cầu Ban quản lý dự án phải sửa chữa mặt đường và kiểm điểm cá nhân phát ngôn thiếu trách nhiệm.

Một số chuyên gia giao thông lý giải, sự cố bong tróc mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi xảy ra do lỗi thi công, có thể nhà thầu đã làm một số mẻ bê tông nhựa không đạt chất lượng hoặc thảm bê tông nhựa khi trời mưa, trong khi đơn vị tư vấn không giám sát chặt chẽ đã khiến mặt đường bị bong tróc sau một thời gian sử dụng. Ý kiến khác cho rằng do dự án này được nhà thầu chính bán thầu cho nhiều nhà thầu phụ không có năng lực khiến chất lượng thi công bị giảm sút và không thể giám sát chất lượng thi công và nguyên vật liệu...

Tình trạng xuống cấp nhanh của một số dự án giao thông trọng điểm sau khi đưa vào sử dụng đang khiến dư luận bức xúc. Đặc biệt là các công trình giao thông trọng điểm của đất nước được ưu tiên sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, nguồn vốn hỗ trợ phát triển. Trong khi đó, chất lượng các công trình này lại chưa tương xứng. Đó là một sự lãng phí lớn, và còn là một trong những nguyên nhân làm nợ công tăng cao.

Các nguyên nhân hư hỏng mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến nay vẫn chưa được công bố song dư luận đòi hỏi Bộ Giao thông Vận tải cần phải có cơ chế giám sát, kiểm soát chất lượng công trình tốt hơn, mạnh tay với các nhà thầu thi công kém chất lượng, để xử lý các sự cố mà không đợi báo chí hay dư luận lên tiếng.

Đoàn Loan

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/nhung-vet-nut-cau-duong-gay-xoi-niem-tin-80574.html