Những vị khách đặc biệt đồng hành cùng Tổng thống Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng là ai?

Không phải quan chức ngoại giao và quân sự cấp cao, trong số phái đoàn Hàn Quốc 52 người, có đến gần hai chục vị khách mời đặc biệt đồng hành cùng Tổng thống Moon Jae-in tới thủ đô Bình Nhưỡng ngày 18/9.

Gần 20 tài phiệt Hàn Quốc lên đường cùng với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới Triều Tiên vào sáng 18/9. Ảnh: AFP

Đó là các nhà lãnh đạo, người đứng đầu các tập đoàn công nghiệp lớn tại Hàn Quốc, trong đó bao gồm cả Lee Jae-yong, người thừa kế tập đoàn số 1 Hàn Quốc Samsung. Theo giới phân tích, đoàn khách đặc biệt này là một phần trong sáng kiến “kinh tế mới” mà chính quyền Tổng thống Moon Jae-in muốn đem tới Bình Nhưỡng.

Chủ tịch Tập đoàn LG Koo Kwang-mo là một trong những nhân vật đầu tiên trong giới chaebol (tài phiệt Hàn Quốc) xuất hiện tại khu nhà xe bên ngoài Dinh thự Gyeongbok, trước khi các thành viên phái đoàn tập trung lên xe buýt di chuyển tới Căn cứ Không quân Seoul khởi hành đi Bình Nhưỡng.

Trả lời câu hỏi từ phóng viên tờ The Korea Herald có nội dung “Ông có chuẩn bị kỹ càng trước chuyến thăm Bình Nhưỡng”, Chủ tịch Koo chỉ gật đầu đồng tình. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong từ chối trả lời bất kỳ câu hỏi nào của phóng viên về sự có mặt của mình trong chuyến thăm.

Tuy nhiên, trước khi khởi hành, ông Lee đã có một cuộc họp vào phút chót với hai CEO Rhee In-yong và Chung Hyun-ho thảo luận về những kế hoạch kinh doanh tiềm năng của Samsung tại Triều Tiên và hoàn thiện thông điệp của tập đoàn trong chuyến thăm Bình Nhưỡng.

Chủ tịch tập đoàn SK lớn thứ 3 Hàn Quốc Chey Tae-won, nữ Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Hyun Jeong-eun, Chủ tịch Hội đồng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc Park Yong-maan và Chủ tịch tập đoàn CJ Sohn Kyung-shik là những nhân vật nổi bật trong phái đoàn kinh tế mà Tổng thống Moon đem đến cho Triều Tiên.

Ông Sohn trả lời ngắn gọn công ty có thể cân nhắc triển khai công việc kinh doanh “thực phẩm và văn hóa” tại Triều Tiên.

Phần lớn các đại diện doanh nghiệp vẫn rất cẩn trọng tránh thảo luận về các cơ hội kinh doanh tiềm năng ở Triều Tiên, trong bối cảnh quốc gia Đông Bắc Á này vẫn đang là mục tiêu của các biện pháp trừng phạt quốc tế do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp dụng.

Văn phòng Tổng thống xác nhận chuyến đi Bình Nhưỡng của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp là cơ hội cho họ chuẩn bị trong tương lai, chứ không phải hình thành các hoạt động kinh doanh ở đây ngay lập tức.

"Theo hoàn cảnh hiện tại, sẽ có một số lĩnh vực có thể được thảo luận trong khi một số lĩnh vực khác lại không. Rất khó để nói về thời điểm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Chúng tôi đang phối hợp với cộng đồng quốc tế về các biện pháp trừng phạt quốc tế, và có thể triển khai một số thay đổi nếu các điều kiện mới được thành lập, bao gồm các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ", Yoon Young-chan - Thư ký báo chí cấp cao của Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố trong một cuộc họp báo.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/nhung-vi-khach-dac-biet-dong-hanh-cung-tong-thong-han-quoc-toi-binh-nhuong-la-ai-20180918200709995.htm