'Những việc cần làm ngay' của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thúc đẩy phong trào 'Nói và Làm' trong giai đoạn mới

Chiều 24/4, cùng việc khai trương Trang thông tin đặc biệt, Báo Nhân Dân đã tổ chức Tọa đàm 'Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Những việc cần làm ngay'.

Dự tọa đàm có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên.

Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; các đồng chí lãnh đạo Báo Nhân Dân; các nhà báo lão thành, các nhà khoa học…

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. Ảnh: Báo Nhân dân

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. Ảnh: Báo Nhân dân

Tọa đàm đã phân tích, đánh giá tinh thần đổi mới sáng tạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; làm rõ thêm tính chiến đấu của những bài viết về tư tưởng đổi mới, kiên quyết chống tiêu cực của đồng chí đăng trên Báo Nhân Dân; tính thời sự, giá trị thời đại của “Những việc cần làm ngay” trong quá trình đổi mới xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Đánh giá cao Báo Nhân Dân khai trương Trang thông tin đặc biệt về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Những việc cần làm ngay, PGS,TS Trần Minh Trưởng - nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Đổi mới là mốc son tiêu biểu, đánh dấu những bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam, đồng thời ghi nhận tài năng trí tuệ và sự năng động, sáng tạo, hiệu quả của nhà lãnh đạo Nguyễn Văn Linh.

Trên trọng trách là Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, lập trường kiên định, cùng Bộ Chính trị, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đề ra những quyết sách đúng đắn, huy động được toàn thể các tầng lớp nhân dân tham gia tiến hành sự nghiệp đổi mới. Đồng chí Nguyễn Văn Linh quán triệt: “Đổi mới là cách mạng”, muốn thắng lợi, phải quyết tâm, phải có phương pháp đúng, phù hợp, đồng thời có sự đột phá.

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Đại hội VI về đổi mới, “Đổi mới toàn diện” trên nguyên tắc “đổi mới nhưng phải giữ được ổn định chính trị”, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí cùng Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Khóa VI triển khai đường lối đổi mới trên nguyên tắc: Đổi mới là để đạt đến mục tiêu chủ nghĩa xã hội bằng con đường, phương pháp, bước đi phù hợp quy luật khách quan. Đổi mới phải giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Đồng chí Tổng Bí thư chỉ đạo từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, kiên quyết không chấp nhận “đa nguyên, đa đảng”; tăng cường phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhưng không cho phép mất ổn định chính trị.

Về công tác xây dựng Đảng, theo quan điểm của đồng chí, vấn đề quan trọng bậc nhất có tính chất sống còn của Đảng, là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cán bộ của đảng viên, của người đứng đầu trong việc thực hiện mục tiêu nhiệm vụ của Đảng, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ trước nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã kêu gọi các đồng chí lãnh đạo ở các cấp cần nêu gương tốt, giữ mình trong sạch, không quan liêu, không bè phái để có đủ uy tín và sự nghiêm minh trong công việc và củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng.

Đồng chí nhấn mạnh, trong bất cứ kỳ hoàn cảnh nào, nguyên tắc Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, bởi: “căn cứ an toàn nhất là lòng dân”. Đồng chí nói: “Quan hệ Đảng với dân là quan hệ sống còn, dân lúc nào cũng cần Đảng, Đảng lúc nào cũng ở trong dân, sống chết vì nhân dân. Sự gắn bó giữa Đảng với dân là máu thịt…, đó là bài học quý báu của Đảng ta. Mỗi cán bộ, đảng viên dù ở cương vị công tác nào, trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần phải học, đã học rồi thì cần phải nhớ và làm theo”.

Tại tọa đàm, đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, không phải ngẫu nhiên mà tên tuổi đồng chí Nguyễn Văn Linh được gắn liền với hai chữ “đổi mới”. Đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội lần thứ VI. Đây cũng là Đại hội mở đầu cho thời kỳ đổi mới.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: Báo Nhân dân)

Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, một mặt khẳng định kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa, đề ra những nguyên tắc chỉ đạo công cuộc đổi mới; mặt khác chủ động phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, tìm tòi những cơ chế, chính sách, biện pháp tích cực giải quyết những đòi hỏi cấp bách của đời sống xã hội, nhằm giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự xã hội.

Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, kết quả lớn nhất đạt được vào thời điểm này là sản xuất, lưu thông hàng hóa được cởi trói, hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường với vai trò quản lý của Nhà nước; quyền tự chủ kinh doanh của cơ sở từng bước được xác lập.

“Đồng chí Nguyễn Văn Linh khẳng định: Việc đổi mới phải bắt đầu từ lĩnh vực tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, đổi mới tổ chức và cán bộ, phong cách lãnh đạo và công tác”, đồng chí Đỗ Ngọc An nhấn mạnh.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã xác định rõ: Muốn bảo đảm thực hiện được công cuộc đổi mới kinh tế có kết quả, chúng ta phải coi trọng hàng đầu việc mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện khẩu hiệu: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" để huy động được sức mạnh của toàn dân.

Tham luận tại tọa đàm, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là nhà lãnh đạo tài năng, tư duy sáng tạo, trí tuệ lớn của cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, đồng chí còn là nhà lãnh đạo phong trào công nhân, người đặt nền móng cho đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn, đã dành nhiều trí tuệ, tâm huyết để xây dựng và phát triển phong trào công nhân, công đoàn, cả khi làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) và khi giữ cương vị cao nhất - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày tham luận tại tọa đàm. (Ảnh: Báo Nhân dân)

Trên cương vị Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn thể hiện quan điểm cần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đánh giá đúng thực trạng, đề ra nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, cụ thể xây dựng, chăm lo và phát huy vai trò của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn trong xây dựng đất nước.

Tác phong “Nói và Làm”, tinh thần của loạt bài “Những việc cần làm ngay” trên Báo Nhân Dân thể hiện rõ trong các chỉ đạo của đồng chí đối với tổ chức Công đoàn. Đặc biệt, theo đồng chí Nguyễn Văn Linh, hoạt động công đoàn phải “tùy theo đặc điểm của từng loại hình kinh tế để có hình thức thích hợp”, phải phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng và điều kiện cụ thể của công nhân, lao động.

Từ tư duy đúng đắn đó, đồng chí Nguyễn Văn Linh cho rằng việc đổi mới phương thức hoạt động công đoàn phải bắt đầu ngay từ cơ sở, là nơi chức năng của công đoàn được thực hiện đầy đủ và sinh động, nơi tác động hằng ngày đến người lao động.

Để đổi mới hoạt động công đoàn, đồng chí lưu ý trước hết người cán bộ công đoàn phải đổi mới tư duy và phong cách, gắn chặt giữa lý luận và thực tiễn. Cán bộ công đoàn phải bám sát cơ sở, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của họ.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh: “Đã hơn 35 năm qua, những tư tưởng, quan điểm của đồng chí Nguyễn Văn Linh về đổi mới phương thức hoạt động công đoàn vẫn có ý nghĩa hết sức sâu sắc trong nghiên cứu lý luận cũng như chỉ đạo hoạt động thực tiễn của công đoàn nước ta. Vấn đề đặt ra cho các cấp công đoàn là cần vận dụng sáng tạo các quan điểm, nội dung, phương thức xây dựng giai cấp công nhân và hoạt động công đoàn phù hợp với điều kiện mới”.

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, lãnh đạo cách mạng Đảng ta luôn luôn khẳng định báo chí là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong toàn bộ công tác tư tưởng của Đảng, nhất là trong những giai đoạn có ý nghĩa bước ngoặt của cách mạng.

Khi sớm thấy bệnh tham nhũng, lãng phí, quan liêu có thể trở thành quốc nạn, lực cản sự nghiệp đổi mới đất nước, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã công khai trước công luận về “Những việc cần làm ngay” với hàng loạt bài báo trên Báo Nhân Dân, từ số đầu tiên 25/5/1987 đến số cuối cùng 28/9/1990.

Từng trực tiếp chỉ đạo xuất bản 31 số báo về “Những việc cần làm ngay” khi còn là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nhà báo lão thành Hà Đăng khẳng định những người làm Báo Nhân Dân không bao giờ quên hình ảnh lão đồng chí Nguyễn Văn Linh đã đích thân mang bài báo đầu tiên dưới bút danh N.V.L đến tòa soạn, mở ra chuyên mục “Những việc cần làm ngay”, nghiêm khắc phê phán những việc làm tiêu cực trong xã hội, từng gây chấn động trong dư luận thời kỳ đầu đổi mới.

Về sau, đồng chí Nguyễn Văn Linh nói lại với các nhà văn, nhà báo: “Tôi không phải là nhà văn nghệ, nhà báo nhưng 'ngứa ngáy' quá vừa rồi mới viết Những việc cần làm ngay. Nhiều người hoan nghênh, hưởng ứng nhưng không phải không có những người cho rằng “bôi đen chế độ”.

Trả lời một nhà báo nước ngoài hỏi tại sao có lúc N.V.L không thấy có bài trên báo, đồng chí nói: “Vì những bài báo của N.V.L chẳng qua cũng như mở máy và nhấn ga cho ô-tô chạy và cái ô-tô đó phải là các nhà báo, là quần chúng… Rồi ra lần lần cũng sẽ có một số bài khác của N.V.L, lần lần cũng phải nhấn ga để cho ô-tô chạy với tốc độ nhanh hơn”.

Theo nhà báo Hà Đăng, cái mà “Những việc cần làm ngay” đạt được đã vượt ra ngoài kích cỡ những bài báo. “Nó thực tế nêu lên một phong cách làm việc - phong cách nói đi đôi với làm, đã nói là làm. Và không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi N.V.L là ông Nói và Làm”.

Nhà báo Hà Đăng phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Báo Nhân dân)

Ôn lại những kỷ niệm về Tổng Bí thư với Báo Nhân Dân, nhà báo lão thành Hồng Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho biết, sau khi đăng những bài đầu tiên trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay”, giới báo chí cả nước rất phấn chấn, bởi trong các bài viết có rất nhiều tư liệu đồng chí Nguyễn Văn Linh dẫn ra từ các báo.

“Có thể nói, chuyên mục “Những việc cần làm ngay” đã nâng vị thế của báo chí. Những bài viết ký tên N.V.L đã đem lại sức sống mới cho những người làm báo”, nhà báo Hồng Vinh nhấn mạnh.

Những việc cần làm ngay của tác giả N.V.L là “cú hích” tạo đà cho chuyển biến mạnh mẽ trong xã hội theo hướng dân chủ hóa, khuyến khích báo chí tham gia ngày càng tích cực và mạnh mẽ trên mặt trận chống tiêu cực, tạo những hiệu ứng xã hội to lớn, tạo được phong trào sôi nổi trong đông đảo nhân dân.

Tham gia ý kiến tại tọa đàm, đồng chí Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới cho biết, qua 31 bài báo của tác giả N.V.L, đã tạo ra một không khí chính trị đổi mới, rất thẳng thắn, lan tỏa trên phạm vi cả nước. Không khí chính trị ấy là tinh thần cơ bản trong thành công của quá trình đổi mới, giúp người trẻ vững tin hơn vào Đảng để vượt qua những thời điểm rất khó khăn của đất nước.

Đồng chí Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh, những người làm báo hôm nay phải soi vào, học tập những bài báo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh để rèn luyện bản lĩnh người làm báo.

Đồng chí Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới. (Ảnh: Báo Nhân dân)

Nói về giới báo chí, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng có quan điểm rất rõ ràng: Nhà báo phải bản lĩnh, dám nói thẳng, nói thật, phong cách phải gọn gàng, dễ hiểu. Báo chí phải là diễn đàn của mọi tầng lớp, nhân dân, phải có chuyên mục phản ánh được ý của dân, đề đạt nguyện vọng của dân. Cùng với đó, tấm lòng của nhà báo phải trong trắng, tha thiết và hăng say, đồng thời phải cương trực, yêu người làm đúng, ghét bọn làm xấu, làm sai.

PV

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/thuc-day-phong-trao-noi-va-lam-trong-giai-doan-moi-d190548.html