Những việc TP.HCM cần làm khi cấm xe khách vào nội đô

Tán thành việc kiểm soát ùn tắc, chuyên gia cho rằng TP.HCM cần lên kịch bản kết nối giao thông, cơ sở hạ tầng khi định hướng cấm xe khách vào nội đô.

“Né ra, né ra”, giọng người phụ xe nói với qua cửa kính, theo sau là tiếng kèn inh ỏi ở góc đường Phạm Ngũ Lão. Thùy Trang, ngụ quận 1 không còn xa lạ khi đi qua “bến” xe khách giữa trung tâm vào sáng sớm.

Mới 6h30, nhưng một, hai, thậm chí 3 chiếc xe giường nằm choán hơn nửa làn đường, lực lượng xe ôm cũng từ nhiều phía ùa đến chào khách. Trang phải dừng ít phút mỗi khi phương tiện này vào "bến cóc".

“Thành phố đã trở nên quá chật, nếu tất cả xe khách không vào trung tâm sẽ an toàn cho người đi đường rất nhiều”, Trang bày tỏ sự ủng hộ với phương án cấm xe khách vào nội đô giai đoạn đầu từ nay đến 2025 vừa được Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đề xuất nhằm giảm ùn tắc khu trung tâm, thắt chặt xử lý “xe dù, bến cóc”.

Động thái này được đưa ra sau hơn một năm ngành giao thông nghiên cứu, trong bối cảnh thành phố tồn tại hơn 100 điểm đón trả khách ở trụ sở, bãi xe, cây xăng trái quy định của các hãng xe núp bóng hợp đồng.

Nhiều quan điểm đồng tình với kiến nghị của Sở GTVT TP.HCM, nhưng một số chuyên gia cho rằng cần tính toán thời gian cấm và cách tổ chức để ít gây ra xáo trộn nhất.

Phân tích đề xuất của Sở GTVT, PGS.TS Phạm Xuân Mai (Đại học Bách Khoa TP.HCM) cho biết khi cấm xe khách vào nội đô, thành phố phải giải quyết câu chuyện trung chuyển, đi lại cho người dân bằng những xe cỡ nhỏ, xe buýt, metro… đối với những bến ở xa trung tâm như Bến xe Miền Đông mới, Bến xe Miền Tây.

Hệ thống giao thông công cộng phải đảm bảo trung chuyển khách từ bến xe về trung tâm.

PGS.TS Phạm Xuân Mai

“Hệ thống giao thông công cộng phải đảm bảo trung chuyển khách từ bến xe ở các cửa ngõ về trung tâm, những địa điểm người dân mong muốn”, PGS.TS Phạm Xuân Mai phân tích và cho rằng cần phát triển tốt hệ thống giao thông công cộng khi cấm xe khách vào nội đô. Nếu chưa đảm bảo hệ thống này, trước mắt, thành phố phải có xe khách trung chuyển.

Chuyên gia cũng nhìn nhận với phương án đang được đề xuất, hoạt động kinh doanh vận tải của doanh nghiệp vẫn được đảm bảo. Bởi, thay vì xe chở khách đến trung tâm thành phố thì đổi lại là chở về bến theo quy định.

 TP.HCM muốn cấm xe khách vào nội đô để giảm tải ách tắc. Ảnh: Duy Hiệu.

TP.HCM muốn cấm xe khách vào nội đô để giảm tải ách tắc. Ảnh: Duy Hiệu.

Trong khi đó, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nhìn nhận tình trạng ùn tắc ở TP.HCM hiện nay dần nghiêm trọng. Các cấp chính quyền thành phố vẫn đang tìm nhiều giải pháp, kể cả giải pháp phát triển hạ tầng, hay bổ sung phương tiện hỗ trợ giao thông. Tuy nhiên, cốt lõi vấn đề gây ảnh hưởng ùn tắc không phải cấm đoán là có thể giải quyết, đây là câu chuyện của tổ chức quy hoạch toàn diện thành phố.

Về thời gian cấm, ông Tạo cho rằng cần đưa ra cơ sở để cấm xe khách vào nội đô đến năm 2025, 2030 hay lâu hơn. Vì những hạn chế này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội, doanh nghiệp và nhu cầu đi lại của người dân.

Theo TS Tạo, thành phố nên cân nhắc chỉ hạn chế xe khách vào nội đô theo giờ cao điểm để tránh ảnh hưởng phương tiện khác.

“Quy định cấm từ 6h đến 22h là gần như cả ngày sẽ gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và việc đi lại của người dân. Nhà xe thường gom khách ở trung tâm thành phố là chính, còn khách ở vùng ven thì rất ít và gần như không có ai. Do đó, TP phải nghiên cứu kỹ về tác động xã hội”, ông Tạo nói.

Xe khách limousine 16 chỗ đón trả khách ở trung tâm quận 1. Ảnh: Lê Quân.

Vị chuyên gia đánh giá phương án trung chuyển do Nhà nước tổ chức rất tốt. Tuy nhiên, quá trình thực tiễn lại cho thấy không đem lại nhiều hiệu quả. Trong khi đó, các doanh nghiệp tự trung chuyển lại "trơn tru" hơn, điển hình là tổ chức gom khách của các xe limousine hiện nay.

“Chúng ta chỉ đang trông chờ vào hệ thống giao thông công cộng, người dân đi đâu phải tự tính. Việc quy định khách phải đến một bến bãi cố định, mọi người phải đi xe buýt hay xe khách đến vị trí đó chứng tỏ cách tư duy đã lỗi thời. Cần có những giải pháp tiên tiến để phục vụ người dân tốt hơn”, TS Khương Kim Tạo gợi mở.

TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) nhận định việc cấm ôtô khách vào nội đô nhằm giảm kẹt xe là hợp lý. Thế nhưng, muốn làm được, cơ sở hạ tầng của thành phố phải phù hợp, đảm bảo các cửa ngõ có bến đủ lớn để xe khách tập kết. Đồng thời, các bến này phải đáp ứng tốt phương tiện kết nối cho người dân.

Cấm ôtô khách nhưng để xe cỡ lớn vào nội đô cũng vô nghĩa.

TS Nguyễn Hữu Nguyên

“Khách đến bến sẽ có phương tiện nhỏ hơn đưa khách vào nội đô theo nhu cầu. Giống sân bay, khi hành khách đến nơi, họ có taxi, xe buýt,… để di chuyển. Tuy nhiên, phải là xe cỡ nhỏ mới có giá trị. Cấm ôtô khách nhưng để xe cỡ lớn vào nội đô cũng vô nghĩa”, TS Nguyễn Hữu Nguyên nói.

Theo phương án của Sở GTVT TP.HCM, từ nay đến 2025, xe khách giường nằm bị cấm vào nội đô từ 6h đến 22h. Sau 2025, thành phố mở rộng phạm vi cấm xe khách trên 30 chỗ (trừ xe buýt, xe tang, ôtô công vụ...).

Theo phương án của Sở GTVT TP.HCM, xe giường nằm bị cấm vào nội đô 6-22h. Ảnh: Đ.N.

Loại hình này sẽ bị giới hạn bởi các tuyến cửa ngõ quốc lộ 1 ở hướng bắc và tây; xa lộ Hà Nội - Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống ở hướng đông; hướng nam là đường Võ Chí Công - cầu Phú Mỹ - đường trên cao - Nguyễn Văn Linh.

Ông Nguyên nhận định nếu thành phố chỉ đơn thuần cấm xe khách vào nội đô theo giai đoạn như trên, nhưng chưa đồng bộ về hạ tầng sẽ gây ra nhiều khó khăn cho hành khách.

Thay vào đó, chuyên gia cho rằng ngành giao thông thành phố cần một kịch bản tỉ mỉ hơn. Đặt mình vào vị trí một hành khách, để trả lời được câu hỏi: Người dân đến cửa ngõ TP.HCM sẽ vào nội thành thế nào và ngược lại.

“Từ nay đến năm 2025, hay sau năm 2030, nếu phương án cấm xe khách chỉ dừng lại quy định thời gian thì không có cơ sở”, TS Nguyễn Hữu Nguyên nhấn mạnh.

Thư Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-viec-tphcm-can-lam-khi-cam-xe-khach-vao-noi-do-post1343344.html