Những vụ gian lận thi cử tày đình trong lịch sử phong kiến Việt Nam

Trong lịch sử khoa cử của Việt Nam, đã có nhiều vụ gian lận thi cử tương tự như ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Vậy thời bấy giờ, người vi phạm bị xử lý ra sao?

Thánh Cao Bá Quát suýt bị tử hình vì sửa bài cho thí sinh

Giám khảo trong các kỳ thi xưa.

Giám khảo trong các kỳ thi xưa.

Cao Bá Quát (1808 – 1855), tên tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, biệt hiệu là Mẫn Hiên. Ông là lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương (nay thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội) và là một nhà thơ nổi danh ở giữa thế kỷ 19 trong văn học Việt Nam. Năm 1841 dưới thời vua Thiệu Trị, Cao Bá Quát được cử làm Sơ khảo trường thi Thừa Thiên.

Trong lúc chấm thi, ông thấy một số bài văn hay nhưng phạm húy. Không muốn vì lỗi nhỏ mà đánh trượt người có tài, Cao Bá Quát cùng Phan Thời Nhạ ngầm lấy muội đèn làm mực chữa 24 bài. Trong 24 người có bài được chữa này, 5 thí sinh đỗ cử nhân.

Đến khi tra bảng, các sĩ phu xôn xao. Khi bị Bộ Lễ và Viện Đô sát điều tra, Cao Bá Quát nhận tất cả, nói: “Tôi thấy các bài hay sính bút làm vậy chứ không ai gửi gắm, dặn dò gì cả”. Án được dâng lên vua, Cao Bá Quát và Phan Thời Nhạ bị tội tử hình. Chủ khảo Bùi Quỹ và giám khảo Phan Văn Nhã, Trương Hảo Hợp bị giáng chức.

Châu bản triều Nguyễn viết sau đó, Cao Bá Quát được giảm án từ “trảm quyết” - chém ngay - thành án “giảo giam hậu” - giam lại, đợi thắt cổ sau. Cuối cùng, án Cao Bá Quát được đổi sang tống ngục. Năm 1843, ông được cho đi “dương trình hiệu lực”, nghĩa là được phép lập công chuộc tội.

Tiến sĩ Ngô Sách Tuân bị xử tử vì gian lận

Tranh vẽ cảnh trường thi xưa.

Tháng 10 năm Bính Tí niên hiệu Chính Hòa thứ XVII (năm 1696), triều đình tổ chức khoa thi hương trong cả nước. Ngô Sách Tuân - người Từ Sơn, Bắc Ninh từng đỗ Hội nguyên Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1676) - được cử làm Phó chủ khảo trường thi. Trước khi vào Thanh Hóa coi thi, Ngô Sách Tuân đến chào tể tướng Lê Hy và biết được các con của ông tham dự kỳ thi này. Lê Hy nhờ Ngô Sách Tuân giúp đỡ con mình.

Sử chép rằng: Đến kỳ đệ tứ phát hiện quyển văn của con tể tướng họ Lê không đúng cách, Ngô Sách Tuân bèn đưa riêng quyển thi đó cho khảo quan chấm lại cho đúng cách. Không hiểu sao Phan Tự Cường (người Đông Anh, Hà Nội đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất 1670) đang là Tham chính (chức quan giúp việc cho Tuyên chính người đứng đầu Thanh Hóa bấy giờ) biết chuyện, bèn phát giác.

Triều đình đem việc tố cáo giao cho các quan luận tội. Khoa thi Hương năm ấy, sĩ tử bị đánh hỏng rất nhiều, gây dư luận xôn xao bất bình. Ngô Sách Tuân là bậc đại khoa, từng giữ nhiều chức vụ trong triều đình. Trước đó, khi trấn giữ vùng Lạng Sơn, ông đã lập công trong việc bắt được dư đảng nhà Mạc lẩn tránh ở nước ngoài. Dù có công to như vậy, Ngô Sách Tuân vẫn bị khép tội chết. Chánh chủ khảo Ngô Hải bị bãi chức. Các quan giám khảo, phúc khảo đều bị phạt, nhiều quan trường dính líu đều bị cách chức.

Con trai "nhà bác học" Lê Quý Đôn bị xử tử vì đổi bài thi cho bạn

Lê Quý Đôn (1726-1784) là quan thời Lê Trung hưng, được mệnh danh là nhà bác học lớn của Việt Nam trong thời phong kiến. Ông có những cống hiến trong nhiều lĩnh vực khoa học: Triết học, luật học, sử học, nông học, dân tộc học, xã hội học, thiên văn học, từ điển học…

Năm 1775, trong kỳ đệ tứ khoa thi Hội dưới thời vua Lê Hiển Tông, con trai nhà bác học nổi tiếng Lê Quý Đôn là Lê Quý Kiệt, đã đổi quyển thi cho một thí sinh khác tên Đinh Thì Trung. Sự việc bị phát giác,Thì Trung bị đày ra Yên Quảng, Quý Kiệt bị tước bỏ học vị cho về làm thứ dân, rồi bắt giam vào ngục cửa Đông.

Lén lút đem tài liệu vào phòng thi, bị phạt đóng gông 1 tháng

Năm 1826, Đặng Tế Mỹ lén lút đem tài liệu vào phòng thi và bị phạt đóng gông 1 tháng, tước bằng cử nhân.

Năm Minh Mạng thứ 6 (1826), Đặng Tế Mỹ bị phát giác mang tài liệu vào trường thi, nhân việc này, bộ Lễ xin tăng mức phạt cao hơn nữa. Tế Mỹ là người đầu tiên bị hình phạt đóng gông trong 1 tháng, sau đó bị đánh bằng trượng rồi mới được tha. Ngoài ra, Mỹ cũng bị tước bằng cử nhân. Chi tiết này cho thấy, nhà Nguyễn rất nghiêm minh xử lý gian lận trong thi cử.

Thanh Tùng (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/giao-duc/nhung-vu-gian-lan-thi-cu-tay-dinh-trong-lich-su-phong-kien-viet-nam-a285956.html