Những vũ khí khủng của Pháp lỡ hẹn với Việt Nam

Việt Nam từng bày tỏ sự quan tâm tới khá nhiều chủng loại vũ khí do Pháp sản xuất, bao gồm cả hải - lục - không quân.

Vào giữa thập niên 1990, Việt Nam đã có ý định đặt mua một trung đoàn Mirage 2000 của Pháp với số lượng 24 chiếc để làm chủ lực mới cho không quân.

Tiêm kích Mirage 2000 của Không quân Pháp

Mirage 2000 là một tiêm kích đa nhiệm cánh tam giác rất nhanh nhẹn được sản xuất và đưa vào sử dụng trong Không quân Pháp từ năm 1982. Nó có thể đạt tốc độ tối đa Mach 2,2; tầm bay 1.550 km.

Mirage 2000 có khả năng mang theo tới 6,3 tấn vũ khí, các biến thể nâng cấp về sau có thể mang theo tới 7 tấn vũ khí. Máy bay có thể mang tên lửa không đối không tầm ngắn MICA hoặc R-550, tên lửa không đối đất AS-30L, tên lửa hành trình tấn công mặt đất ASMP hoặc tên lửa không đối hạm Exocet AM39.

Hệ thống điện tử của Mirage-2000 khá hiện đại với cảm biến chính là radar xung Doppler Thomson-CSF RDY có tầm phát hiện mục tiêu tối đa 110 km ở chế độ đối không và 37 km ở chế độ đối đất. Radar có thể phát hiện 24 mục tiêu, theo dõi đồng thời 8 mục tiêu và dẫn đường cho vũ khí tấn công 4 mục tiêu cùng lúc.

Được biết quá trình đàm phán giữa Việt Nam và Pháp tiến triển rất tốt đẹp, nhưng do áp lực từ Mỹ mà Paris đã hủy bỏ thương vụ trên.

Tên lửa đối hạm Exocet MM40 Block 3

Trong năm 2014, báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm - SIPRI cho biết Việt Nam đặt hàng một lượng khá lớn tên lửa chống hạm Exocet MM40 Block 3 và tên lửa phòng không VL MICA để trang bị cho tàu hộ vệ SIGMA 9814.

Exocet MM40 Block 3 đã mở rộng đáng kể tầm bắn (từ 70 km của phiên bản Block 2) lên tới 180 km. MM40 Block 3 có thể tiếp cận đến mục tiêu theo một quỹ đạo bay 3 chiều đã xác định trước, cơ động tấn công trong giai đoạn cuối ở độ cao cách mặt biển rất thấp.

Trong giai đoạn dẫn đường cuối, tên lửa sử dụng một đầu dò radar chủ động băng J với các phần tử tìm kiếm cập nhật liên tục về mục tiêu để phân biệt giữa các mục tiêu trên biển và mục tiêu ở căn cứ ven biển do hệ thống GPS chỉ điểm sau đó lựa chọn để tấn công.

Thiết kế khung của tên lửa Exocet MM40 Block 3 giảm thiểu tối đa tiết diện phản xạ tín hiệu sóng radar, giúp nó có khả năng tàng hình nhẹ.

Tầm bắn được tăng lên gấp 2,5 lần so với phiên bản Block 2 nhờ một hệ thống động cơ đẩy mới, bao gồm một động cơ phụ và một động cơ turbin phản lực, 4 cửa hút khí giúp tên lửa có được khả năng cơ động tuyệt vời trong giai đoạn cuối.

Tên lửa phòng không tầm ngắn VL MICA

MICA là dòng tên lửa phòng không tầm ngắn gồm hai phiên bản sử dụng radar chủ động MICA RF ra mắt năm 1996 và phiên bản đầu dò ảnh nhiệt MICA IR ra mắt năm 2000.

MICA RF sử dụng đầu dò radar xung Doppler AD4A, hoạt động trong dải tần từ 10 GHz đến 20 GHz. Đây là loại đầu dò với thiết kế và hiệu suất đã được chứng minh và cũng được sử dụng trên tên lửa phòng không Aster mạnh hơn.

MICA IR sử dụng đầu dò ảnh nhiệt sóng kép bị động Sagem, dữ liệu về mục tiêu sẽ được nạp vào tên lửa trước khi phóng, nguồn do radar hoặc các hệ thống quan sát quang học cung cấp.

Sau khi được phóng từ bệ phóng thẳng đứng, tên lửa bay quán tính theo thông tin được cung cấp trước đó và giai đoạn cuối hệ thống đầu dò sẽ dẫn đường tên lửa bắn trúng mục tiêu.

Tốc độ được cung cấp bởi động cơ nguyên liệu rắn giúp MICA đạt vận tốc Mach 3, tầm bắn tối đa 20 km với tầm độ cao tối đa là 9km, tốc độ bắn giữa hai loạt cách nhau chỉ 2 giây.

Đáng tiếc là do dự án SIGMA 9814 vẫn bị treo mà chưa rõ đến bao giờ hai loại vũ khí trên có thể về với Hải quân Việt Nam.

Lựu pháo tự hành bánh lốp CAESAR

Cuối cùng là lựu pháo tự hành bánh lốp CAESAR cỡ 155 mm L/52 do Công ty nhà nước GIAT Industries (hiện nay là Tập đoàn Nexter) của Pháp chế tạo.

Pháo tự hành CAESAR có khối lượng 18,5 tấn, kíp pháo thủ gồm 6 người, nó bắn được tất cả các loại đạn pháo 155 mm tiêu chuẩn NATO bao gồm đạn thông thường, đạn chống tăng, đạn khói, đạn phản lực.

Đặc biệt, CAESAR có thể bắn đạn pháo chống tăng dẫn đường Bonus. Mỗi quả đạn Bonus mang 2 đạn con thông minh có tầm bắn 34 km, tầm bắn tối đa với đạn tăng tầm là 42 km hoặc lên đến 50 km nếu sử dụng đạn phản lực.

Pháo có tốc độ bắn duy trì 6 - 8 phát/phút và tối đa 3 phát/15 giây, cơ số đạn trên xe tự hành là 18 viên. CAESAR có cơ cấu nâng hạ thủy lực và hệ thống nạp đạn bán tự động, thời gian triển khai hoặc thu hồi chỉ trong vòng 1 phút.

Một đại đội gồm 8 khẩu pháo CAESAR trong vòng 1 phút có thể trút 1 tấn đạn (với 1.500 đạn con hoặc 48 đạn chống tăng thông minh) lên mục tiêu ở khoảng cách 40 km.

Hệ thống chỉ huy, kiểm soát hỏa lực vi tính hóa FAST-Hit, radar đo sơ tốc đầu nòng Intertechnique ROB4, hệ thống chỉ huy SAGEM Sigma 30 và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) cho phép CAESAR vận hành độc lập mà không cần lực lượng trinh sát pháo binh đi kèm.

Có thể thấy CAESAR là một tổ hợp vũ khí rất tiên tiến, đáng tiếc vì một vài lý do chưa rõ ràng mà hiện nay nó vẫn chưa gia nhập biên chế Lục quân Việt Nam.

Tùng Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-nam/nhung-vu-khi-khung-cua-phap-lo-hen-voi-viet-nam-3353596/