Những vụ vỡ đập thủy điện kinh hoàng trên thế giới

Lúc 20 giờ ngày 23-7 vừa qua, đập thủy điện Sepien Senamnoi, tại huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, Nam Lào, bị vỡ. Vụ vỡ đập đã gây ngập cho 10 bản ở hạ lưu và cô lập hoàn toàn huyện Sanamxay, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng nghìn người. Trước đó, thế giới đã ghi nhận nhiều vụ vỡ đập, gây thiệt hại lớn về người và tài sản...

Năm 1802, vụ vỡ đập Puentes ở Tây Ban Nha được xem là thảm họa đầu tiên do chính con người tạo ra. Đập Puentes được xây dựng từ năm 1785 đến 1791 nhằm mục đích cung cấp nước cho vùng Murcie. Con đập có chiều cao 50m và là một trong những đập lớn nhất ở châu Âu thời kỳ đó. 11 năm sau khi được đưa vào sử dụng, lúc 15 giờ ngày 30-4-1802, đập bị vỡ, gây lụt toàn bộ thành phố Lorca và làm 608 người thiệt mạng.

Hậu quả sau vụ vỡ đập ở vùng Mariana (Brazil) năm 2015. Ảnh: Reuters.

Một cuộc điều tra do kỹ sư Agustín de Betancour đứng đầu đã xác định nguyên nhân đập vỡ là do đánh giá sai về độ lún của đất, dẫn tới những dự báo không chính xác về khả năng chịu được áp lực của nước dưới trời mưa lớn và kéo dài. Sau thảm họa trên, Tây Ban Nha đã thành lập Trường Cầu đường và đập năm 1802 do chính kỹ sư Agustín de Betancour làm hiệu trưởng.

Tại Italy, ngày 1-12-1923, một phần của đập vòm Gleno nhiều tầng được xây dựng trên sông Gleno ở Valle di Scalve bị vỡ 40 ngày sau khi nước được chứa đầy phần lòng hồ.

Đập Gleno được xây dựng từ năm 1919 đến 1923 trong vùng công nghiệp Lombardie. Được đưa vào sử dụng từ tháng 8-1923 song đến 7 giờ 15 phút sáng 1-12-1923, đập này đã gặp sự cố. Một lượng nước khoảng 6 triệu mét khối đã tràn ra từ độ cao 1.535m xuống vùng thung lũng phía dưới, bao phủ toàn bộ các ngôi nhà, công xưởng trong diện tích 25km2, làm 356 người thiệt mạng.

Theo những điều tra sau đó, nguyên nhân dẫn đến sự cố của đập Gleno phần nhiều là do chủ quan. Việc thiếu kinh phí đã làm các nhà thầu thay đổi thiết kế và thiết kế mới không phù hợp với loại móng được thi công từ trước. Ngoài ra, tay nghề công nhân kém và những sai phạm trong sử dụng vật liệu như dùng lưới chống lựu đạn sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ nhất để gia cố các phần của công trình cũng như sử dụng bê tông kém chất lượng đã dẫn đến thảm họa. Sau vụ tai nạn, nhiều quan chức Italy bị kết án tù.

Cũng tại Italy, ngày 9-10-1963, một vụ lở núi đã xảy ra ngay sát đập thủy điện Vajont ở tỉnh Dolomite. Hơn 250 triệu mét khối đất, đá đã đổ xuống lòng hồ, tạo ra những cột nước cao tới 250m, bao trùm lên nhiều ngôi làng ở phía dưới. Thống kê cho thấy, có 2.118 người đã thiệt mạng trong thảm họa này.

Ngày 15-7-1982, đập đất Lawn được xây dựng trong công viên quốc gia Rocky Mountain, Mỹ, bị vỡ, khiến 830.000m3nước tràn ra làm 3 người cắm trại trong khu vực thiệt mạng và thiệt hại kinh tế lên đến 31 triệu USD. Lawn là hồ tự nhiên với diện tích mặt nước là 66.000m2 ở độ cao 3,3km so với mực nước biển trên dãy núi Rocky. Năm 1903, một nhóm nông dân trong vùng đã xây dựng một con đập bằng đất để tăng diện tích mặt nước của hồ lên đến 190.000m2 với mục đích cung cấp nước tưới tiêu thủy lợi trong vùng. Khi con đập bị vỡ, lượng nước khổng lồ đã chảy xuống thung lũng phía dưới với tốc độ 510m3/giây tạo nên rãnh lớn dưới thung lũng. Với tốc độ khủng khiếp này, cả hồ nước đã cạn chỉ trong khoảng 1 phút.

Trong cơn bão Katrina hồi tháng 8-2005, các đê bảo vệ thành phố ở phía nam New Orleans (Mỹ) cũng không chịu nổi áp lực nước, dẫn tới vỡ tràn gây ngập 80% thành phố và làm ít nhất 1.100 người chết.

Tại châu Á, chỉ trong 60 năm qua, đã có hàng chục vụ vỡ đập, gây thiệt hại lớn về người và của. Điển hình là vụ vỡ đập Bản Kiều và Shimantan ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc tháng 8-1975, khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Đến tháng 8-1998, hàng trăm người, trong đó có 150 binh sĩ, đã thiệt mạng khi một con đê gần sông Dương Tử thuộc địa phận tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) bị vỡ một đoạn dài hơn 700m.

Tại Ấn Độ, ngày 11-8-1979, đập Machchu 2 nằm trên sông Machchu, vùng Morbi bị vỡ, tạo ra một “bức tường” nước khổng lồ, quét qua thị trấn Morbi khiến 2.000 người thiệt mạng. Nguyên nhân của sự cố là những trận mưa lớn ở đầu nguồn, làm con đập đắp bằng đất dài 4km bị tan rã. Khả năng thiết kế của đập chỉ chịu được lưu lượng 5.663m3/giây trong khi trận mưa lớn năm đó làm lưu lượng lên đến 16.307m3/giây, gấp 3 lần sức chịu đựng của công trình.

Trong vòng 20 phút, nước lũ đã dâng từ 3,7m lên 9,1m, nhấn chìm toàn bộ thị trấn công nghiệp Morbi nằm sau con đập 5km. Trong quá trình tái xây dựng, con đập mới đã được tăng cường khả năng chịu đựng với lưu lượng lên đến 21.000 m3/giây.

Trước đó, ở Ấn Độ cũng từng xảy ra một loạt thảm họa liên quan đến vỡ đập. Năm 1917, vỡ đập Tigra làm 1.000 người chết. Năm 1961, vỡ đập Panshet cũng làm 1.000 người thiệt mạng. Cùng năm này, đập Khadakwasla vỡ đã cướp đi sinh mạng của 1.000 người.

Tại Sri Lanka, vào tháng 4-1986, một con đập thủy lợi đã không chịu nổi sức nước và vỡ tràn tại Kantalai ở phía đông bắc nước này, khiến gần 120 người chết và mất tích, theo số liệu chính thức. Trong khi đó, con số mà Hội Chữ thập đỏ ước tính về các nạn nhân thiệt mạng và mất tích là 2.500 người.

Tại Nepal, sự cố tương tự xảy ra với con đập trên sông Bkakera gần biên giới Ấn Độ cũng khiến 500 người mất tích vào tháng 7-1978.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nhung-vu-vo-dap-thuy-dien-kinh-hoang-tren-the-gioi-545078