Những vùng quê 'thay da, đổi thịt' ở Đồng Nai

Tỉnh Đồng Nai đã có tờ trình gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét, công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.

Những cây cầu kiên cố dần thay thế cầu tạm ở Định Quán (Đồng Nai), giúp người dân thuận lợi phát triển kinh tế. Ảnh: Lê Xuân/TTXVN

Những cây cầu kiên cố dần thay thế cầu tạm ở Định Quán (Đồng Nai), giúp người dân thuận lợi phát triển kinh tế. Ảnh: Lê Xuân/TTXVN

Sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, 100% xã và 100% đơn vị cấp huyện ở Đồng Nai đã được công nhận đạt chuẩn. Để đạt được kết quả này, chính quyền và nhân dân Đồng Nai đã cùng nỗ lực, chung tay góp sức, qua đó giúp các vùng quê “thay da, đổi thịt”, nâng cao đời sống của cư dân nông thôn.

Trước đây, người dân xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai sống dựa vào cây lúa với thu nhập thấp, đời sống rất khó khăn. Được sự vận động của chính quyền địa phương, năm 2018, nông dân Thanh Sơn chuyển sang trồng các loại rau quả, từ đó người dân có thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Gia đình chị Hoàng Thị Thanh ở ấp 4, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán có 7 sào đất trồng mướp và mướp đắng. Đây là năm thứ 2, chị Thanh trồng mướp, mướp đắng qua trên diện tích đất lúa của gia đình. Loại cây này chỉ trồng khoảng 1,5 tháng là thu hoạch. Mỗi năm chị trồng 6 vụ, mỗi vụ thu gần 30 triệu đồng. Lợi nhuận từ rau quả cao hơn nhiều so với trồng lúa bởi mỗi năm lúa chỉ làm được 2 vụ, thu nhập khoảng 20 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Ngọc Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã miền núi Thanh Sơn cho biết, trước đây, Thanh Sơn là một xã nghèo với hệ thống giao thông kém phát triển. Qua 10 năm xây dựng nông thôn mới, xã đầu tư hơn 500 tỷ đồng; trong đó có 300 tỷ đồng do người dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp người dân phát triển sản xuất.

Hiện toàn bộ tuyến đường đều được bê tông hóa, giúp hàng hóa lưu thông dễ dàng, thương lái trực tiếp tới rẫy của người dân thu mua sản phẩm nông nghiệp với giá cao.

Xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai là vùng trồng bưởi lớn nhất của địa phương với đặc sản nổi tiếng là bưởi Tân Triều. Những năm trước, thu nhập của người trồng bưởi không cao do người dân sản xuất theo phương pháp truyền thống, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, bưởi Tân Triều chưa xây dựng được thương hiệu. Chính quyền địa phương xác định phải thay đổi cách làm, hướng người dân đến việc sản xuất bưởi sạch nhằm nâng giá trị sản phẩm.

Bà Trần Thị Như Thúy, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Bình chia sẻ, thời gian qua, UBND xã tổ chức nhiều lớp hướng dẫn trồng bưởi sạch, an toàn, thu hút người dân tham gia. Hiện hầu hết các vườn bưởi trong xã đều trồng theo quy trình VietGAP. Bưởi Tân Triều có chất lượng tốt, được người tiêu dùng đánh giá cao. Mỗi năm, người trồng bưởi lãi trên dưới 500 triệu đồng/ha. Hiện xã Tân Bình là địa phương đứng đầu về thu nhập bình quân đầu người của huyện Vĩnh Cửu với khoảng 62 triệu đồng/người/năm.

Theo ông Huỳnh Thành Vinh, Giám Đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Đồng Nai là địa phương nổi danh về phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, tỉnh có hơn 60% dân số sống ở vùng nông thôn đầu tư cho “tam nông” và luôn được địa phương quan tâm. Chương trình nông thôn mới ở Đồng Nai nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ người dân.

Tỉnh thực hiện xây dựng nông thôn mới với phương châm lấy nông dân làm trung tâm. Nông dân vừa là người thực hiện, vừa thụ hưởng. 10 năm qua, Đồng Nai huy động tổng nguồn vốn trên 330.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới; trong đó gần 90% nguồn vốn này do dân đóng góp.

Đồng Nai đưa ra chính sách phát triển sản xuất, nâng thu nhập người dân theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Hiện tỉnh hình thành nhiều vùng cây, sản phẩm có khả năng xuất khẩu với giá trị kinh tế cao như: xoài Vĩnh Cửu, Định Quán, Xuân Lộc; cà phê Định Quán, Tân Phú, Cẩm Mỹ; sầu riêng Cẩm Mỹ, Long Khánh, Tân Phú.

Mô hình trồng bưởi VietGAP đạt thu nhập 1,2 - 2 tỷ đồng/ha; nuôi tôm công nghệ cao từ 2,5 - 3 tỷ đồng/ha. Do áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng các loại cây trồng của lực của Đồng Nai như ngô, hồ tiêu, xoài, bưởi đều tăng từ 3% - 29% so với năm 2010.

Đồng Nai phát triển các chuỗi liên kết sản xuất trong quá trình xây dựng nông thôn mới, giúp người dân có nơi tiêu thụ ổn định, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người dân khu vực nông thôn đạt gần 62 triệu đồng/người/năm, tăng gần gấp 3 lần so năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 6,22% (năm 2011) xuống còn 0,31% (năm 2018).

Những năm tới, Đồng Nai sẽ tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tỉnh hướng đến mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với người dân, tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, hiện đại kết cấu hạ tầng nông thôn, giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất, chăn nuôi gây ra.

Công Phong (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/nhung-vung-que-thay-da-doi-thito-dong-nai-20191017181956641.htm