Những ý kiến trái chiều về viểu thuyết 'Cô Độc' của nhà văn Uông Triều

Tiểu thuyết 'Cô độc' kể về một kẻ cô độc ích kỷ bị ám ảnh bởi mối tình quá vãng và những bản thảo vĩ đại.

Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội vừa tổ chức buổi tọa đàm “Cuộc hành hương của chữ” mà nội dung chính là bình về Cô độc của nhà văn Uông Triều. Cô độc - cuốn tiểu thuyết viết tại nhà số 4, nơi nhà văn Uông Triều đang có cuộc mưu sinh bằng nghề biên tập những năm qua, sau khi bỏ nghề giáo. Có rất nhiều bạn văn nổi tiếng của nhà văn Uông Triều tới dự, đây là cuộc ra mắt sách quy tụ được nhiều 'anh tài làng văn'.

Lấy bối cảnh gần gũi với tòa nhà nơi anh công tác, lấy văn chương, chữ nghĩa, công việc biên tập của mình làm chất liệu, "Cô độc" đưa người đọc đến không khí đậm chất văn chương, khám phá đời sống nội tâm của một biên tập viên và cũng để đi vào bản thể tận cùng cô độc trong mỗi con người.

Buổi ra mắt tiểu thuyết Cô độc diễn ra khá sôi nổi.

Buổi ra mắt tiểu thuyết Cô độc diễn ra khá sôi nổi.

Tác giả chia sẻ, trước hết, cần phân biệt rõ cô độc với cô đơn. Cô đơn chỉ là một trạng thái cảm giác khi ta không có bạn bè, không được chia sẻ, mang tính bị động. Còn cô độc là phẩm chất của nghệ sĩ, khi làm việc hoặc từ khi có ý tưởng, họ chỉ một mình, nó mang tính cá nhân rất cao và chủ động.

Sở dĩ tôi đặt tên cuốn sách như vậy với hàm ý sự cô độc của người nghệ sĩ, sự cô độc của con người trong xã hội hiện nay. Khi xung quanh chúng ta có rất nhiều người, có nhiều việc nhưng thực sự ta vẫn cô độc… tôi đặt tên cuốn sách này theo thiên hướng đó".

Mở lời buổi ra mắt sách, nhà văn Nguyễn Bình Phương cho rằng, tác phẩm văn học ra đời là một sinh thể, Cô độc cũng vậy. Nguyễn Bình Phương không có thái độ khen chê về Cô độc.

Đọc Cô độc, nhà phê bình Mai Anh Tuấn đánh giá tác giả đã dò thấu tâm lý con người, vì vậy ngoài là một nhà văn, Uông Triều còn là một nhà giải phẫu tâm lý. Cô độc không thỏa mãn ai đó cần cuốn tiểu thuyết về hiện thực đời sống hiện nay.

"Tôi đọc thấy đau đầu, mệt mỏi. Uông Triều cho thấy trạng thái con người ngày càng phức tạp hơn, khó kiểm soát tâm lý của mình. Một xã hội bất an và không an toàn", nhà phê bình mai Anh Tuấn cảm nhận.

Tiểu thuyết Cô độc kể về một kẻ cô độc ích kỷ bị ám ảnh bởi mối tình quá vãng và những bản thảo vĩ đại.

Nhà phê bình Phạm Xuân Thạch lại thấy Cô độc tinh tế, có dấu ấn tác giả riêng. Đọc Cô độc khiến Phạm Xuân Thạch nhớ đến Ernest Hemingway, khi văn hào thế giới này cũng có một tác phẩm gần gần như Cô độc. Nhà phê bình Mai Anh Tuấn, nhân Cô độc nhìn Uông Triều là một “nhà văn đẹp”. Trong Cô độc, Uông Triều dò thấu tâm lý con người, vì vậy, ngoài là một nhà văn, Uông Triều còn là một nhà giải phẫu tâm lý.

Còn nhà phê bình La Khắc Hòa (Lã Nguyên) bày tỏ Cô độc không chiều độc giả. Cuốn này viết cách đây 20 năm thì không được yên thân đâu. Ông cũng tếu táo: “Cô độc mà như anh trong tác phẩm này, sảnh ra cái là có gái và rượu, cô độc như vậy ai chẳng thích”.

Ở một góc độ khác, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lại dành lời khuyên cho tác giả nói riêng và các nhà văn nói chung: "Ông làm gì thì làm nhưng ông phải chú ý cả vợ, cả con. Các ông không thể dung tục được. Các ông làm gì cũng phải vì các ông và vì vợ con. Chúng ta đừng coi văn học là nhất. Nhưng dù sao văn học cũng là loại đặc biệt. Văn học phải có chân thiện mỹ, ba cái đó chân là khó nhất vì chân là chân thật, chân xác, chân lý...".

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, tỏ ra không vui khi các văn nhân, thi nhân bắt chước mà không hiểu gì về cái mình đang bắt chước. Phạm Xuân Nguyên biểu dương sự tìm tòi của Uông Triều, nhưng thấy sự tìm tòi đó chưa đến.

Tiếp thu những ý kiến khen chê từ các nhà phê bình, bạn văn, nhà văn Uông Triều chia sẻ: "Tôi cho rằng tác phẩm ra mắt sẽ ít nhiều có tác động tới độc giả. Chẳng hạn, trong tác phẩm của tôi có nhân vật rất đam mê với nghề nghiệp, thậm chí sẵn sàng trả giá để được làm công việc mình yêu thích.

Tôi cũng quan sát thấy trong xã hội hiện nay, nhiều người làm việc hời hợt, đa phần làm chỉ vì mục đích kiếm tiền, chứ ít người làm việc vì tình yêu đối với công việc. Theo tôi, cần phải chăm chút, yêu thương công việc của mình, như vậy mới truyền đi ý nghĩa nghề nghiệp tới mọi người.

Trong xã hội nhiều vấn đề bề nổi, dường như con người càng văn minh, tiến bộ, chúng ta càng cảm thấy cô đơn. Nhất là trong xã hội 4.0, khi trang thiết bị, máy móc, công nghệ phát triển chúng ta càng xa cách, càng cô độc. Mong rằng câu chuyện trong cuốn sách có thể cảnh báo ai đó, đánh động tới ai đó đang hoặc sắp rơi vào các hoàn cảnh như vậy".

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/sach/co-doc-khoai-cam-cua-nha-van-uong-trieu-601306.html