Nhượng quyền giống lúa ST25 cho Nhà nước: Băn khoăn

PGS.TS Dương Văn Chín cho rằng, trong trường hợp nhượng quyền giống lúa ST25 cho Nhà nước thì Nhà nước cũng phải giao cho doanh nghiệp làm.

Chỉ doanh nghiệp mới làm được

Sau khi gạo ST25 bị một số doanh nghiệp nước ngoài đăng ký thương hiệu ở Mỹ, Úc, ông Hồ Quang Cua - "cha đẻ" của loại gạo ngon nhất thế giới năm 2019 chia sẻ trên báo chí mong muốn nhượng quyền giống lúa thơm ST25 cho Nhà nước, để Nhà nước quản lý phát triển cho tốt.

Theo ông Cua, nhiều công ty đã gặp ông, đề nghị ông nhượng quyền kinh doanh giống lúa ST24, ST25 từng phần hoặc toàn phần.

"Họ đưa ra giá khá hậu hĩnh, nhưng tôi từ chối. Doanh nghiệp lấy lợi nhuận làm đầu, họ có chiến lược kinh doanh riêng, có thể sẽ không vì lợi ích cộng đồng, nhất là hướng về nông dân. Điều này không có gì đau lòng bằng.

Còn khi Nhà nước quản lý giống, mọi việc sẽ thuận lợi. Hiện tôi đã nhượng quyền cho một số tỉnh như ở Long An, Kiên Giang và Sóc Trăng. Sự hợp tác rất thuận lợi, hiệu quả", ông Hồ Quang Cua chia sẻ trên Tuổi trẻ.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long đánh giá, kỹ sư Hồ Quang Cua lai tạo được giống lúa tốt như ST25 là điều rất đáng quý, tuy nhiên điều đáng tiếc là giống lúa này mới chỉ được nhân giống trong phạm vi một công ty gia đình (Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí) với số lượng rất thấp, chừng 1.000-2000 tấn.

Công ty muốn giữ độc quyền giống lúa ST25 để bán ra thị trường nhưng cái dở của việc này chính là: bởi đây là lúa thuần, bán giá rất cao nên khi nông dân/hợp tác xã trồng, họ để giống lại, tự nhân giống, chất lượng hạt giống không thể bằng các công ty chuyên kinh doanh hạt giống làm, không ai kiểm soát, chứng nhận dẫn đến chất lượng lúa gạo sụt giảm.

Với mong muốn nhượng quyền giống lúa ST25 cho Nhà nước của kỹ sư Hồ Quang Cua, PGS.TS Dương Văn Chín băn khoăn: Nhà nước chỉ đưa ra chủ trương, chính sách, còn ai sẽ đứng ra nhân giống, kinh doanh hạt giống? Bộ NN-PTNT không thể đứng ra nhân giống ST25 rồi bán, tiền nộp vào quỹ của Bộ. Chưa kể, Nhà nước lấy đâu tiền để trả cho kỹ sư Hồ Quang Cua?

Kỹ sư Hồ Quang Cua muốn nhượng quyền giống lúa ST25 cho Nhà nước. Ảnh: Lao động

Kỹ sư Hồ Quang Cua muốn nhượng quyền giống lúa ST25 cho Nhà nước. Ảnh: Lao động

"Việc này chỉ có thể do các doanh nghiệp đảm nhận. Dẫu có nhượng quyền cho Nhà nước thì Nhà nước cũng phải giao cho doanh nghiệp làm.

Trước đây, tôi đã từng đề nghị anh Cua nhượng quyền cho các công ty lớn để họ nhân giống lên rồi bán, như vậy được rất nhiều cái lợi. Các doanh nghiệp kinh doanh hạt giống có lời vì bán với khối lượng lớn hàng chục ngàn tấn. Khi ấy giống ST25 tràn đồng, người nông dân dễ dàng mua được giống xác nhận bất cứ lúc nào, ở tận xã, tận ấp với giá rẻ hơn nhiều so khi chỉ có doanh nghiệp Hồ Quang Trí. Còn anh Cua cũng có tiền nhờ nhượng quyền cho các công ty lớn, và có thể dùng tiền đó lai tạo ra các giống lúa khác, phát triển thêm nữa", PGS.TS Dương Văn Chín nói, đồng thời lưu ý giống lúa ST25 đã được cấp bằng bảo hộ.

Theo đó, khi kỹ sư Hồ Quang Cua không nhượng quyền cho công ty nào nhân giống, doanh nghiệp nào tự ý làm sẽ bị xử lý, còn muốn trồng lúa giống ấy thì bắt buộc phải mua giống xác nhận của công ty Hồ Quang Trí. Tương tự, nông dân tự ý nhân giống lúa ST25, đóng bao trắng, bán với giá rẻ cũng là vi phạm pháp luật.

Đó là chuyện giống lúa, còn với gạo ST25, theo quan điểm của nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, khi đã có giống ST25 bán ngoài thị trường, bất cứ doanh nghiệp nào cũng có quyền trồng giống lúa này để làm ra gạo ST25. Đó cũng là gạo thật, không phải chỉ có gạo của công ty Hồ Quang Trí làm ra mới là gạo thật.

"Doanh nghiệp mua lúa giống ST25 là giống xác nhận bán ngoài thị trường về trồng ở vùng nguyên liệu, kiểm soát quy trình, chà gạo, gạo đó là gạo ST25 thật và đó là sản phẩm của riêng doanh nghiệp trồng loại lúa đó. Họ có quyền đóng bao bì bằng nhãn hiệu hàng hóa của doanh nghiệp mình, có thể là Hương Lài, Hoa Sứ... còn ghi hay không ghi gạo ST25 trên bao bì là quyền của doanh nghiệp", PGS.TS Dương Văn Chín cho biết.

Trường hợp một số doanh nghiệp nước ngoài "đón gió", đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ST25 ở Mỹ, Úc, đó là chuyện của họ và cũng không cấm được.

"Những công ty đó rành luật lệ, "đón gió" đăng ký trước để sau này doanh nghiệp nào muốn xuất khẩu gạo ST25 vào Mỹ hay Úc thì phải qua họ, chứ thực tế những công ty này cũng không có gạo bán.

Bây giờ công ty Hồ Quang Trí muốn chính thức xuất khẩu gạo ST25 đi Mỹ thì phải nhờ tham tán thương mại ở Mỹ tìm hiểu thủ tục, chi phí, đăng ký thương hiệu gạo ST25 ở Mỹ. Tương tự, nếu công ty muốn xuất khẩu vào thị trường nào khác thì đăng ký thương hiệu ở thị trường đó. Việc đăng ký này là của doanh nghiệp, không ai làm thay được", PGS.TS Dương Văn Chín cho biết.

Người Thái đã làm gì?

Nhân câu chuyện về gạo ST25, PGS.TS Dương Văn Chín có nhắc đến cách người Thái bảo vệ thương hiệu gạo Thai Hom Mali.

Thái Lan đã thành công xây dựng thương hiệu cho Thai Hom Mali trở thành loại gạo ngon nhất thế giới. Vào năm 2000, Bộ Thương mại Thái Lan đã đệ đơn kiện lên Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ khi một số nhà khoa học nước ngoài đã sáng chế ra loại gạo có hương vị giống gạo Hom Mali và chuẩn bị đăng ký sáng chế. Đại diện phía Thái Lan đã khởi kiện và họ đã thắng kiện.

Bộ Ngoại Thương Thái Lan cũng ban hành con dấu chứng nhận xuất xứ của gạo Hom Mali, để nhận biết những loại gạo có nguồn gốc từ Thái Lan. Con dấu này đã được đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Thương mại tại tất cả các quốc gia nhập khẩu gạo của Thái. Đây là một trong những nước đầu tiên đăng ký nhận diện thương hiệu quốc gia cho một loại cây trồng bản địa.

Đáng lưu ý, gạo Hom Mali giờ đây không phải là một giống lúa mùa Khao Dawk Mali như trước đây mà đã lai tạo với giống lúa cao sản nên có nhiều giống Hom Mali, gọi là nhóm HM84 (Hom Mali 84), trong đó được bổ sung thêm gen chịu ngập, chống chịu sâu bệnh... nhưng vẫn giữ được vị ngon và mùi thơm của Khao Dawk Mali.

Đối với Việt Nam, PGS.TS Dương Văn Chín cho rằng, chúng ta có thể học hỏi cách làm của Thái Lan. Nhưng theo quan điểm của ông, Việt Nam cần tập trung phát triển phân khúc gạo thơm trắng cao cấp.

Vị chuyên gia phân tích, yếu kém nhất của gạo Việt Nam hiện nay là không có gạo của phân khúc gạo thơm trắng cao cấp. Chúng ta chỉ có gạo thơm "làng nhàng" 500-600 USD/tấn, còn gạo thơm trắng cao cấp giá 1000 USD/tấn như Hom Mali của Thái Lan, Basmati của Ấn Độ thì không có.

Tuy nhiên, Việt Nam có những giống lúa cho gạo ngon ngang ngửa với những giống giống lúa cho gạo thơm cao cấp trên thị trường thế giới. Bởi vậy, PGS.TS Dương Văn Chín đề nghị, Việt Nam nên xây dựng thương hiệu với những nhãn hiệu hàng hóa đại diện cho nhóm gạo thơm cao cấp Việt Nam .

"Chúng ta chọn những giống lúa đã đạt huy chương vàng quốc tế (như Lộc trời 28, ST25), sau này có là OM9 và các giống xuất sắc khác, để làm chiến sĩ xung kích trên mặt trận này. Bộ NN-PTNT cùng với Bộ Công thương nên chủ trì chuyện này trên cơ sở đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo đã được công bố gần đây. Nếu không có đủ người để thành lập ban bệ bài bản thì ít nhất cũng cử được 1 cán bộ chuyên trách chuyện này.

Nên chọn vùng nước lợ ven biển Nam Bộ để làm vùng chỉ dẫn địa lý phát triển loại gạo đẳng cấp thế giới này. Cán bộ chuyên tránh này làm cầu nối để thay mặt bộ ngành Trung ương phối hợp với các tỉnh ĐBSCL.

Nên chăng chọn Sóc Trăng làm tỉnh đầu mối, cùng với Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Thương hiệu có thể là gạo thơm trắng Việt Nam vùng nước lợ ven biển đồng bằng Mekong (Vietnamese Aromatic Rice in Mekong coastal land). Nhà nước Việt Nam nên đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm trong phân khúc này ở trong nước và các thị trường tiềm năng nước ngoài ( Mỹ, Canada, các nước châu Âu , Nga…) theo quy định sở hữu trí tuệ của từng nước, để bảo vệ sản phẩm trí tuệ của Việt Nam", PGS,TS Dương Văn Chín đề xuất.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/doanh-nghiep/nhuong-quyen-giong-lua-st25-cho-nha-nuoc-ban-khoan-3431698/