Nhụy Kiều tướng quân (Kỳ 5)

Trân trọng giới thiệu tiếp tác phẩm của PGS TS Cao Văn Liên về chương III 'NHỤY KIỀU TƯỚNG QUÂN'- Tập I Tiểu thuyết Lịch sử 'Nghìn năm bất khuất' trong 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của NXB Hồng Đức-HN-2019.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

III-Kỳ 5.

Quận Cửu Chân có con sông lớn nhất chảy qua là sông Mã và phụ lưu của nó là sông Chu. Sông Mã bắt nguồn từ nước Ai Lao, chảy qua Cửu Chân rồi đổ ra biển Đông bằng cửa chính là cửa Lạch Hới (giữa Hoằng Hóa và Sầm Sơn), cửa Lạch Trường giữa Hậu Lộc và Nga Sơn, cửa Yên Định và Hoằng Hóa tạo nên sông Lèn đi qua Hà Trung và Nga Sơn. Sông Mã dài khoảng 1024 dặm, qua Ai Lao khoảng 204 dặm, qua Cửu Chân khoảng 820 dặm. Phụ lưu của sông Mã là sông Chu bắt nguồn từ Sầm Nưa (Ai Lao, qua quận Quế Phong (Nghệ An) của Nhật Nam rồi chảy qua miền núi Cửu Chân như Thường Xuân, Thọ Xuân và hợp lưu với sông Mã ở Ngã Ba Giàng (Ngã Ba Đầu). Từ ngã Ba Giàng xuôi sông Mã xuống gặp một vùng đất rộng lớn bên hữu ngạn sông Mã, tre trúc cây cối xanh tươi. Đó là làng Giàng, nơi đứng sừng sững tòa trấn thành-thành Tư Phố, đó là nơi trấn trị đầu não của chính quyền Đồng Ngô ở quận Cửu Chân, nơi ở và cai trị của Thái Thú quận Cửu chân Tiết Kính Hàn và quan Tư mã (phụ trách về quân sự) Mao Phong.

Tình hình Giao Châu nói chung và Cửu Chân nói riêng thời kỳ Đông Ngô cai trị rất loạn lạc. Dân tình không chịu nổi ách áp bức, bóc lột, đàn áp tăng lên gấp nhiều lần của nhà Đông Ngô so với các triều đại nhà Hán, cho nên đã nổi dậy chống lại khắp nơi. Đúng là “quan bức dân phản”.Từ Thứ sử Giao Châu Lã Đại cho đến bọn Tiết Kính Hàn, Mao Phong ăn không ngon, ngủ không yên, tìm cách đối phó nhưng hiện không có đối sách gì, nhất là đối với cuộc khởi nghĩa của hào trưởng Triệu Quốc Đạt và người em gái nổi tiếng của ông là Triệu Trinh Nương.

Sơm hôm này là sớm mùa đông nên thành Tư Phố vẫn chìm trong giá rét, gió bấc thổi như cắt da, cắt thịt. Cây cối quanh thành trút lá vàng tơi tả. Sông Mã vẫn đưa nước về Đông, nước chồm lên phi như vó ngựa chạy nước đại. Các dãy núi Ngũ Hoa, núi Voi, núi Ngựa, núi Rùa vươn đá xám lên trời, lãng đãng âm u chìm trong màn sương như khói. Xa xa ở phía Tây núi Trịnh và núi Vòm trắng xóa sương mù huyền ảo như xứ sở của thánh thần.

Phủ đường thành Tư Phố rộng lớn sang trọng mái lợp bằng ngói lưu ly màu xanh, cột bằng gỗ lim nâu bóng. Trong phủ đường bày biện bàn ghế sang trọng bằng gỗ lim, sến màu nâu bóng, chạm khắc hoa văn hình hoa, hình chim, thú tinh xảo, sống động. Tiết Kính Hàn, Mao Phong đang ngồi bàn công việc với các tùy tướng. Tiết kính Hàn nói:

-Các ngài đã biết tình hình ở quận Nhật Nam và Cửu Chân rất nguy ngập. Ở quận Nhật Nam, quan lại người Ngô, thậm chí cả người Việt cộng tác với chúng ta đã bỏ chạy ra quận Giao Chỉ, thậm chí một số đã bỏ chạy về Quảng Châu. Ở quận Cửu Chân, nền cai trị của chúng ta cũng đang tan vỡ, quan lại và binh lính khiếp sợ trước uy danh của cuộc nổi loạn của Triệu Quốc Đạt và em là Triệu Thị Trinh. Núi Nưa chỉ cách Tư Phố 60 dặm đường, chỉ nay mai sớm muộn Triệu Quốc Đạt cũng tấn công Tư Phố. Tư mã Mao Phong phụ trách về quân sự của quận có kế sách gì tiêu diệt bọn loạn tặc họ Triệu không?

Mao Phong đáp:

-Mạt tướng đang định chiều nay đem quân vào Núi Nưa tiêu diệt loạn tặc Triệu Quốc Đạt.

Tiết Kính Hàn hỏi:

-Quân số của giặc Triệu là bao nhiêu?

Mao Phong:

-Khoảng 1 vạn.

Tiết Kính Hàn:

-Tư mã định đem đi bao nhiêu quân?

-Dạ bẩm thái thú, khoảng 2 vạn.

Tiết Kính Hàn băn khoăn:

-Vậy là Tư Phố không còn quân phòng vệ? Vả lại, Núi Nưa là miền núi rừng hiểm trở, thuận lợi cho địch mà khó khăn cho quân ta. Tư mã định tấn công thế nào?

Mao Phong còn im lặng chưa biết trả lời câu hỏi khó đó như thế nào. Bổng một tên lính canh vào báo:

-Dạ bẩm Thái thú, có thám mã ở Núi Nưa về báo tình hình khẩn cấp.

Tiết Kính Hàn chồm lên:

-Cho vào ngay!

-Dạ.

Lát sau tên thám mã chạy vào, vừa thở vừa nói:

-Dạ bẩm Thái thú, Triệu Quốc Đạt và Triệu Trinh Nương dẫn 1 vạn quân đã tiến gần tới thành Tư Phố của chúng ta.

Tiết Kính Hàn kinh hãi sửng sốt:

-Hả?

Mao Phong nói:

-Xin Thái thú đừng lo, hạ quan đang định vào hang bắt cọp thì nay cọp tự mang xác đến, đỡ khó nhọc cho quân ta.

Mao Phong hỏi tên thám mã:

-Giặc Triệu đã đến đâu rồi?

-Còn cách thành Tư Phố của ta khoảng 10 dặm.

Tiết kính Hàn hỏi:

Tư mã định phá giặc như thế nào?

Mao Phong suy nghĩ rồi đáp:

-Nếu giặc công thành ngay thì ta đem 2 vạn quân chọi 1 vạn, ta ưu thế về binh lực, các tướng đều võ nghệ cao cường, binh sĩ tinh nhuệ, chắc chắn là thắng bọn nông dân là giặc cỏ ô hợp.

Mao Phong dặn tên thám mã:

-Ngươi phải theo dõi sát động tĩnh của giặc và báo cho bản Tư mã chính xác. Nếu chậm trễ hoặc sai sót cái đầu nhà ngươi khó giữ, rõ chưa?

-Dạ rõ.

Mao Phong nói với các tùy tướng:

-Các ngươi về chuẩn bị, lệnh cho toàn bộ quân đội sẵn sàng ra ngoài thành nghênh chiến giặc.

-Dạ bẩm Tư mã, tuân lệnh.

Mặt trời đã ngả về Tây, gần khuất sau dãy núi Trịnh, núi Vòm xa xa. Tiết Kính Hàn và Mao Phong nóng lòng chờ đợi tin tức của thám mã rồi mới hành động cho chính xác. Thám mã về báo:

-Dạ, bẩm Thái thú và Tư mã, giặc đã tới nơi nhưng chúng không tấn công thành, cũng không dàn trận nghênh chiến quân ta mà lại đóng trại và án binh bất động ngoài thành hai dặm.

-Thật vậy sao? Như vậy là giặc có ý gì?

Mao Phong nói:

-Mời Thái thú cùng mạt tướng lên mặt thành quan sát xem sao.

Tiết Kính Hàn, Mao Phong cùng vài tên lính hầu cận lên mặt thành quan sát. Trên bốn mặt thành quân Ngô đã đứng túc trực, cung tên, chất cháy, đá cục sẵn sàng trút xuống nếu quân Việt tấn công thành. Tiết kính Hàn và Mao Phong phóng tầm mắt nhìn xa. Từ không xa phía hữu ngạn sông Mã trại, trại của quân Việt san sát màu nâu, những làn khói nấu cơm chiều bay lên vật vờ trắng xóa, có thể thấy được cả ánh lửa hồng trong các bếp. Quân Việt nằm la liệt chung quanh trại hoặc có những tốp lính đi lại. Những con ngựa chiến tự do thoải mái đi lại nhởn nhơ gặm cỏ. Tiết Kính Hàn ngạc nhiên:

-Sao chúng không dàn trận đánh nhau hoặc tấn công thành mà lại nghỉ ngơi?

Mao Phong nói:

-Bẩm Thái thú, đây chỉ là một đạo quân ô hợp nông dân đói khổ, không có kỷ luật, vả lại hành quân từ Núi Nưa ra đây đi bộ 60 dặm chúng đã kiệt sức rồi.

-Vậy Tư mã định thế nào?

Mao Phong đáp:

-Đêm nay mạt tướng sẽ cho quân cướp trại quân Việt, yếu tố bất ngờ sẽ giúp tiêu diệt hết chúng.

Tiết kính Hàn lo lắng:

-Hay là chúng bày kế cho quân ta cướp trại và mai phục tiêu diệt quân ta?

Mao Phong đáp:

-Cho dù có kế đó thì với ưu thế binh lực, quân ta vẫn áp đảo và đánh cho chúng đại bại, sẽ tiêu diệt không sót một tên.

- Tư Mã phải thận trọng. Bản Thái thú chờ tin thắng trận của Tư mã.

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nhuy-kieu-tuong-quan-ky-5-73995