NI: Hải quân Mỹ gần như không thể chặn Bastion-P

Nhận định trên được chuyên gia Sebastian Roblin của tạp chí National Interest (NI) đưa ra khi nói về sự nguy hiểm của tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ Bastion-P.

Chuyên gia Mỹ cho biết, với Bastion-P, Nga đã tạo nên một sự khác biệt lớn với hầu hết các vũ khí chống hạm của Nga và phần còn lại của thế giới. Bởi đây là loại "vũ khí chết người" hiện chưa có cách nào ngăn chặn hiệu quả.

Đây là thế hệ vũ khí hiệu quả để thực hiện chiến lược "Chống tiếp cận/chống xâm nhập" (A2/AD). Và điều nay gây ra mối quan ngại đáng kể với các nước trong khu vực. Hiện Mỹ và các thành viên trong khối NATO gần như không đủ năng lực để đánh chặn đòn tấn công của vũ khí này.

Hệ thống Bastion-P Nga phô diễn sức mạnh.

Báo Mỹ thống kê, tổ hợp phòng thủ bờ siêu thanh Bastion-P hiện đang được Nga triển khai tại Kaliningrad, quần đảo Kuril, một số địa điểm có thể tấn công tới eo biển Bosphorus. Đặc biệt hàng chục hệ thống Bastion-P cũng đã được Nga triển khai tại Crimea.

Đây là một phần trong kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ của chính phủ Nga tại Biển Đen. Những hệ thống này đều thuộc Lữ đoàn Pháo binh - Tên lửa phòng thủ bờ biển độc lập số 11 đóng toàn bộ tại vùng Krasnodar.

Bastion-P được thiết kế để tấn công tiêu diệt mọi mục tiêu trên biển bao gồm cả tàu sân bay. Một hệ thống Bastion-P gồm 4 xe mang phóng tự hành K340P, xe chở đạn dự trữ, hệ thống radar điều khiển hỏa lực Monolit-B, xe chỉ huy cùng các phương tiện hậu cần, hỗ trợ kỹ thuật khác.

Đạn tên lửa P-800 của Bastion-P trang bị động cơ phản lực tĩnh dòng thẳng siêu âm cho phép đạt tốc độ Mach 2. Với vận tốc cực lớn như vậy, đối phương rất khó phản ứng kịp thời và bị tiêu diệt bởi đầu đạn thuốc nổ phân mảnh nặng 200-250kg.

Tầm bắn của tên lửa P-800 phụ thuộc vào chế độ bay: bay quỹ đạo cao – thấp hỗn hợp cho phép đạt tầm bắn 300km; bay quỹ đạo thấp – đạt tầm bắn 120km.

Với những hệ thống vũ khí đã triển khai, nguyên chỉ huy lực lượng bảo vệ bờ biển của Hạm đội Biển Đen, Thiếu tướng Vladimir Romanenko tuyên bố, tàu chiến Mỹ-NATO sẽ bị tiêu diệt ngay lập tức, nếu một mai xảy ra xung đột trong Biển Đen.

"Nếu gây nguy hiểm cho Nga, tàu chiến Mỹ và đồng minh NATO chỉ có vài phút để tồn tại ở Biển Đen, bởi vì các tổ hợp tên lửa mà Hạm đội được trang bị và từ nhiều hướng khác nhau, sẽ không cho phép nó (NATO) thực hiện bất kỳ nhiệm vụ tác chiến và chiến lược ở Biển Đen", tướng Romanenko tuyên bố.

Ở Biển Đen đang có sự hiện diện những hệ thống tên lửa vô cùng mạnh như hệ thống tên lửa Kalibr trang bị trên các tàu nổi và tàu ngầm diesels-điện lớp Varshavyanka của Nga (tức tàu ngầm Kilo-theo định đanh của NATO), sử dụng tên lửa chống hạm 3M54 có tầm phóng xa tới 660km.

Cùng với Bastion-P, lực lượng tên lửa bờ đối hạm tại đây còn có Bal-E, sử dụng tên lửa Kh-35UE, có tầm phóng 300km, bảo vệ 600km bờ biển, trên khai suốt dải bờ biển Nga hoặc trên bán đảo Crimea.

Ngoài ra, các máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 của Nga trên các sân bay đất liền có thể bay trên không phận Nga mà vẫn tấn công tiêu diệt được các tàu chiến Mỹ-NATO, với tên lửa hành trình chống hạm Raduga Kh-22 Burya, tầm phóng 600km, đầu đạn nặng tới 1000kg, được mệnh danh là 'sát thủ tàu sân bay'.

Với các lại tên lửa tối tân như vậy, cùng với sự đa dạng về các phương tiện phóng, tuyên bố chỉ cho tàu chiến Mỹ-NATO vài phút sống sót của Thiếu tướng Vladimir Romanenko được giới chuyên gia đánh giá là hoàn toàn có cơ sở.

Clip hệ thống Bastion-P phô diễn sức mạnh

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/ni-hai-quan-my-gan-nhu-khong-the-chan-bastion-p-3396693/