NI: Mỹ có lợi thế gì với Nga trên Biển Đen?

Tạp chí National Interest của Mỹ vừa có bài viết chỉ ra những lợi thế của Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột với Nga trên Biển Đen.

Nội dung được nói đến trong bài viết của chuyên gia đồng thời là cựu nhân viên Lầu Năm Góc Chris Osborne, trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Nga và Mỹ trên Biển Đen khi Nhà Trắng hậu thuẫn cho Ukraine, cả hai bên đều có những lợi thế nhất định của mình.

Lợi thế của Nga được Chris Osborne nêu ra chính là hạm đội tàu ngầm tối tân được phương Tây nhắc đến là những 'hố đen đại dương'. "Những tàu ngầm tiên tiến của Nga sẽ cản trở, đe dọa lực lượng Mỹ di chuyển và tác chiến tại vùng biển này", Chris Osborne viết.

Hệ thống Bastion Nga tại Crimea.

Hệ thống Bastion Nga tại Crimea.

Tuy nhiên theo chuyên gia Mỹ, khi xảy ra xung đột, Nga cũng đối mặt với hàng loạt khó khăn khi số lượng tàu mặt nước không nhiều, khả năng triển khai trực thăng, UAV trên hạm khá hạn chế. Đây chính là lợi thế của Hải quân Mỹ và một số đồng minh.

"Kết quả của cuộc xung đột lúc này phần lớn dựa vào tầm bắn và độ chính xác của tên lửa trên tàu, UAV trên biển, cảm biến nhạy bén trên tàu... Tất cả điều này Mỹ và đồng minh đang có lợi thế", Chris Osborne kết luận.

Đánh giá về bài viết của Chris Osborne, tạp chí quân sự hàng đầu khác của Mỹ là Defense News cho rằng, chiến hạm Mỹ, đồng minh và Ukraine chỉ tồn tại được vài phút trước Hạm đội Biển Đen nếu xảy ra xung đột.

Tạp chí Mỹ khẳng định rằng, nếu xảy ra xung đột, vài ba chiếc tàu chiến mà Hải quân Ukraine đang có trong tay sẽ bị đánh chìm rất nhanh, còn căn cứ hải quân Berdyansk sẽ lập tức bị phá hủy.

Bên cạnh đó, tạp chí Mỹ cũng đặt câu hỏi, liệu việc gửi tàu chiến của Hải quân Mỹ sang trợ giúp cho Ukraine có phải là điều đúng đắn không, vì Biển Đen 'vốn thuộc về Nga'.

Báo Mỹ cũng nhắc nhở rằng, năm 2008, Gruzia - quốc gia mà Mỹ đã từng có ý định biến thành đối trọng với Nga trong khu vực - đã bị đánh bại tại Nam Ossetia chỉ trong vòng 48 giờ đồng hồ và điều này hoàn toàn có thể lặp lại.

Nhận định của báo Mỹ hoàn toàn có cơ sở khi Hạm đội Biển Đen Nga đóng ở Sevastopol và Lực lượng Không quân Nga đồn trú ở Crimea có thực lực quân sự quá mạnh so với cả hạm đội Mỹ-NATO chứ đừng nói là đối với Ukraine.

Trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự trên Biển Đen hay Biển Azov, chiến hạm Mỹ-NATO sẽ bị các các tổ hợp tên lửa mà Hạm đội Biển Đen được trang bị như tên lửa hạm đối hạm, không đối hạm và bờ đối hạm tiêu diệt, chỉ trong vài phút mà chưa kịp thực hiện nhiệm vụ tác chiến.

Biển Đen đang hiện diện những hệ thống tên lửa chống hạm vô cùng mạnh, ví dụ như hệ thống tên lửa Kalibr trang bị trên các tàu nổi và tàu ngầm diessels-điện lớp Varshavyanka của Nga (tức tàu ngầm Kilo-theo định đanh của NATO), sử dụng tên lửa chống hạm 3M54 có tầm phóng xa tới 660km.

Hoặc các hệ thống tên lửa bờ đối hạm Bastion, sử dụng tên lửa P-800 Oniks, có tầm chiến đấu 300km (mỗi hệ thống bao quát dải bờ biển tới hơn 600km), hay tên lửa bờ đối hạm Bal-E, sử dụng tên lửa Kh-35UE, có tầm phóng 300km, bảo vệ 600km bờ biển, trên khai suốt dải bờ biển Nga hoặc trên bán đảo Crimea.

Ngoài ra, các máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 của Nga trên các sân bay đất liền, có thể bay trên không phận Nga mà vẫn tấn công tiêu diệt được các tàu chiến Mỹ-NATO, với tên lửa hành trình chống hạm Raduga Kh-22 Burya, tầm phóng 600km, đầu đạn nặng tới 1000kg; hoặc các tên lửa chống hạm thế hệ mới Kh-32 Raduga.

Các máy bay chiến đấu của Nga như MiG-29, Su-30, Su-34, Su-35 đều được trang bị các tên lửa chống hạm mạnh mẽ như Kh-31A hay Kh-35U, với tầm phóng vài trăm km, sẵn sàng biến các chiến hạm Mỹ-NATO thành bia tập bắn khổng lồ trên biển.

Chỉ nhìn vào lực lượng của Nga tại Hạm đội Biển Đen cũng đủ cho thấy, việc đối phó với lực lượng Mỹ và đồng minh không phải là chuyện quá khó.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/ni-my-co-loi-the-gi-voi-nga-tren-bien-den-3431985/