Nicolas Cornet say mê lưu giữ hình ảnh di sản Việt

Cuốn sách ảnh 'Chùa Việt Nam' của Nhiếp ảnh gia người Pháp Nicolas Cornet xuất bản vào tháng 6 năm 2018 vẫn luôn thu hút sự quan tâm của công chúng. Điều gì đã tạo nên sức hấp dẫn cho cuốn sách này?

Bìa sách ảnh "Chùa Việt Nam"

Kể chuyện Việt Nam bằng hình ảnh

Ðến Việt Nam từ năm 1987, Nicolas không ngờ rằng chuyến đi ấy đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình. Một Việt Nam đẹp nguyên sơ, kỳ vĩ và mộc mạc đã hút hồn Nicolas, khiến ông muốn lưu lại mãi hình ảnh của Việt Nam, những câu chuyện về Việt Nam để kể với bạn bè quốc tế. Ông quyết định sẽ theo nghề nhiếp ảnh, mặc dù ông được đào tạo trong ngành Y.

Kể từ đó trở đi, Nicolas đến Việt Nam mỗi năm một vài lần, với máy ảnh trên tay, thuê một xe máy và rong ruổi khắp dải đất hình chữ S. Vốn ưa mạo hiểm, khám phá, nên mỗi ngày sống ở Việt Nam là một cuộc phiêu lưu thú vị đối với Nicolas. Ông dám chấp nhận những rủi ro trên đường đi, bị nghi ngờ, xét hỏi bởi lực lượng kiểm soát, bị xua đuổi hoặc bao vây bởi những người tò mò khi thấy một ông tây hiếm hoi xuất hiện trong làng, trong chợ, thậm chí là bị tấn công bởi côn trùng nhiệt đới và chứng rối loạn tiêu hóa, cùng những khó khăn về ngôn ngữ... Tuy nhiên, bài học lớn nhất là bài học lĩnh hội trên đường đi, và Nicolas cứ “khôn” hơn mỗi ngày, bởi chính người Việt dạy cho ông những kiến thức, kinh nghiệm ông chưa từng biết. Ông bắt đầu học tiếng Việt, chủ yếu là ngôn ngữ đời thường, sống động nhất, do bạn bè, những người chợt gặp trên đường, dạy cho ông. Ông đặc biệt “khoái” những tiếng lóng, thể loại ngôn ngữ tự trào dân dã, lặp đi lặp lại, như “nhà quê”, “Ối giời ơi”...

Sau những chuyến đi như thế, Nicolas giới thiệu Việt Nam ra thế giới qua những phóng sự ảnh trên các tạp chí của Pháp, Ðức, Italia, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ... Việt Nam qua ống kính Nicolas là một Việt Nam mới, mộc mạc, chân chất, nhưng cũng đang “thay da đổi thịt” mỗi ngày, chứ không phải là một Việt Nam cũ, đã đi vào tiềm thức quốc tế với ùng oàng súng đạn chiến tranh như trong phim ảnh phương Tây. Ảnh của Nicolas về Việt Nam đương đại thu hút sự quan tâm của những nhà nghiên cứu, thậm chí là những doanh nhân phương Tây muốn làm ăn với Việt Nam. Họ tìm đến ông để mời tham gia những công việc có liên quan đến Việt Nam. Nicolas đã đồng ý phối hợp để có kinh phí trang trải cho những chuyến đi đến xứ Ðông Dương xa xôi. Ông tích lũy kho tư liệu ảnh, và xuất bản tới 4 bộ sách ảnh đồ sộ về Việt Nam trong vòng 2 thập kỷ.

Chùa Việt là di sản quý giá cần bảo tồn cẩn trọng

Một Việt Nam trong thời kỳ đổi mới mạnh mẽ nhất thập niên 1990 - 2000, được kể lại đủ đầy trong bộ sách ảnh của Nicolas. Nhưng bên cạnh niềm vui về sự phát triển của Việt Nam, Nicolas cũng lại mang một nỗi lo về sự mất mát của di sản. Từ những năm 2000, khi rong ruổi khắp Việt Nam, mỗi khi gặp một ngôi chùa, ông thường dừng lại ngắm, chụp ảnh và tìm cơ hội tiếp cận, trò chuyện với các nhà sư trụ trì. Ðiều mà Nicolas quan tâm là lịch sử hình thành ngôi chùa, đời sống hiện tại và tương lai ngôi chùa đó, ý nghĩa của ngôi chùa đối với đời sống tình cảm của người dân trong vùng, cũng như những vị tăng ni tại chùa. Ông cho rằng, đối với bất cứ đất nước nào, thì ngôi chùa, ngoài ý nghĩa tâm linh, còn là một di sản quý giá cần bảo tồn cẩn trọng.

Khi ngồi tâm sự với tôi bên bờ hồ Gươm, Nicolas đã hỏi, điều gì khiến du khách ngoại quốc đến với hồ Gươm? Không lẽ họ đến chỉ để đi quanh hồ? Không phải, họ đến vì tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, tháp Bút, cầu Thê Húc... và những câu chuyện lạ của Việt Nam từ di sản...

Có những ngôi chùa mà Nicolas trở đi trở lại thăm nhiều lần, và đau đáu trước việc ngôi chùa bị hư hại, bị trùng tu khá thô bạo. Những ngôi chùa trăm tuổi, một số bị dột nát, thậm chí đã bị dỡ bỏ không mảy may thương tiếc. Chùa mới được xây dựng to hơn, hoành tráng hơn, tượng Phật cũng lớn hơn, nhưng đâu thể có được giá trị của thời gian, giá trị nguyên bản của lịch sử. Bạn có thể làm ra rất nhiều tiền, nhưng bạn chắc chắn không thể làm ra được thời gian, cũng như không thể khiến tổ tiên của bạn sống lại. Thời gian, cùng những giá trị về văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật mà cha ông tạo nên để lại trong những ngôi chùa, nhất thiết phải được trân quý và giữ gìn.

“Ở Paris hay Rome, bạn không thể động đến dù chỉ là một viên gạch nhỏ trong di sản. Thậm chí không đâu xa, ở Nhật Bản hay ở Hàn Quốc, một miếng gỗ trên mái bị mục, họ phải tìm những chuyên gia, và nghệ nhân giỏi nhất ngồi lại bàn bạc, tìm chất liệu gỗ tương tự, tạo hoa văn tương tự, rồi mới cẩn trọng ghép vào thay cho miếng gỗ hỏng. Bạn không thể dỡ bỏ chùa cổ, xây chùa mới mà lại gọi đó là di sản được” - Nicolas Cornet chia sẻ.

Vô cùng lo lắng trước một số “cách làm khác biệt” trong việc trùng tu chùa cổ ở Việt Nam, Nicolas quyết định bắt tay thực hiện dự án sách ảnh “Chùa Việt Nam” và triển lãm ảnh cùng tên. Sau ba năm tập trung cao độ cho dự án, tới năm 2018, cuốn sách đã được phát hành và triển lãm ảnh diễn ra ngay sau đó. Cuốn sách dày hơn 250 trang, trình bày song ngữ Việt - Pháp, giới thiệu hình ảnh hơn 30 ngôi chùa ở ba miền Bắc - Trung - Nam Việt Nam với một số góc nhìn về kiến trúc di sản và hình ảnh cuộc sống thường nhật tại các ngôi chùa. 90% hình ảnh trong cuốn sách được Nicolas chụp trong ba năm từ 2015 - 2017. Số còn lại được chụp trước đó. Tuy nhiên, ngay sau khi cuốn sách ra đời, ông đi thăm lại một số ngôi chùa cổ, thì phát hiện ra chùa bị biến đổi sau trùng tu, không còn giống 100% với hình ảnh trong sách. Vậy là, cuốn sách “Chùa Việt Nam” vừa in ra, cũng đã trở thành di sản!

“Tất nhiên, tôi tôn trọng và không bình luận gì về cách làm của người Việt đối với chùa cổ. Cá nhân tôi chỉ thấy tiếc nên tôi muốn ghi lại phần lớn hình ảnh chùa Việt ở cả ba miền. Cuốn sách tập hợp khoảng 300 bức ảnh tốt nhất. Ngoài ra, tôi vẫn còn lại rất nhiều ảnh khác về chùa Việt Nam và sẵn sàng cung cấp cho những ai nghiên cứu chùa cổ, hoặc muốn làm những dự án về chùa chiền.” - Nicolas Cornet cho biết.

Tôn giáo không phải là vấn đề được đề cập trong sách ảnh “Chùa Việt Nam” của Nicolas, điều mà ông quan tâm là những con người Việt Nam và đời sống trong thời đại của họ, cách họ xây dựng ngôi chùa và làm nó trở nên linh thiêng qua hàng thế kỷ. Ông cũng vô cùng ấn tượng và cảm kích trước việc các nhà sư trụ trì chùa Giác Lâm ở thánh phố Hồ Chí Minh đã kiên quyết bảo vệ ngôi chùa cổ 150 tuổi, giữ gìn nguyên vẹn, chỉ cho phép mua đất bên cạnh, xây chùa mới rộng rãi hơn phục vụ cho việc hội họp, làm lễ và sinh hoạt chung...

Lý do đầu tiên thôi thúc Nicolas Cornet thực hiện dự án sách ảnh về chùa Việt Nam là vì ông có vợ là người gốc Việt, như vậy các con ông cũng mang dòng máu Việt, và ông muốn qua cuốn sách, ghi lại hình ảnh di sản quý giá của Việt Nam, giữ lại cho con cháu mình sau này.

Theo Tạp chí Du lịch

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/nicolas-cornet-say-me-luu-giu-hinh-anh-di-san-viet-20190426164022787.htm