Niềm đam mê bóng đá đến 'quên lối về' và nỗi đau không được về chịu tang cha của cầu thủ Minh Vương

Phải chịu nỗi đau mất cha từ bé, Minh Vương luôn tự dăn mình phải nỗ lực vươn lên. Chàng cầu thủ này sống rất tình cảm và là chỗ dựa tinh thần cho mẹ.

Đam mê bóng đá đến mất cả áo, quên lối về

Gần một ngày nay, ngôi nhà nhỏ của cầu thủ Trần Minh Vương tại quê nhà xã Thụy Chính, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình luôn có người ghé thăm chúc mừng, động viên gia đình.

Trần Minh Vương chính là cái tên vừa tỏa sáng trong trận bán kết Olympic Việt Nam đối đầu tuyển Hàn Quốc tại Asiad 2018. Anh đã ghi bàn ở hiệp 2 giúp đội nhà nâng cao tinh thần, chiến đấu quả cảm đến giây phút cuối cùng. Vì vậy, dù thua đội bạn với tỉ số 1-3 nhưng bàn thắng duy nhất của Minh Vương cũng khiến fan vỡ òa trong hạnh phúc.

Bà Chuốt hạnh phúc khi con trai ghi bàn thắng. Ảnh Vietnamnet

Bà Chuốt hạnh phúc khi con trai ghi bàn thắng. Ảnh Vietnamnet

Lật giở từng tấm ảnh lưu niệm, những tấm huy chương chương con trai đạt được qua các giải đấu suốt những năm tháng qua, bà Nguyễn Thị Chuốt (53 tuổi, mẹ Minh Vương) không giấu nổi niềm vui, hạnh phúc. “Hôm qua lúc Vương ghi bàn cô hét to quá rồi nhảy lên trong vui sướng đến giờ cổ vẫn còn đau. Đây là cảm xúc đầu tiên trong đời có được khi thấy con trai sút tung lưới đội bạn”, bà Chuốt vui vẻ nói.

Khoảnh khắc Minh Vương giơ hai tay lên, nhắm mắt và ngước lên bầu trời.

Bà Chuốt cho biết, Minh Vương có niềm đam mê bóng đá từ khi còn nhỏ. Ham mê với môn túc cầu đến nỗi “quên cả lối về” và người thân phải thường xuyên đi tìm.

“Vương hồi nhỏ hiếu động lắm, rất mê bóng đá, cứ đi học về là lại đi đá bóng đến tối mịt, có hôm mải đá bóng mất cả áo. Lúc về kể với tôi, tôi bảo đi chơi kiểu gì mà mất cả quần, cả áo, lúc đó cả nhà lăn ra cười”, bà Chuốt vui vẻ nhớ lại.

Bà Chuốt cũng không nhớ được mình đã mua cho con bao nhiêu quả bóng, chỉ biết rằng rất nhiều. Có lần vừa mua quả bóng nhựa về xong cậu bé mải mê đá dính vào hàng rào dây thép gai khiến quả bóng bị thủng rồi ngồi khóc. Sau đó, Vương lại cùng nhóm bạn cuộn lá chuối khô làm bóng đá tiếp.

Nỗi đau không được về chịu tang cha

Đến khi 11 tuổi, Minh Vương chính thức bước vào con đường theo đuổi sự nghiệp bóng đá sau khi xuất sắc giành các giải thưởng khi thi đấu ở trường, cụm rồi cấp huyện, cấp tỉnh và được chọn vào trường năng khiếu thể dục thể thao tỉnh Thái Bình. Học tập tại đây được khoảng 1 năm thì thi tuyển vào Học viện Hoàng Anh Gia Lai.

Bức ảnh Minh Vương chụp cùng cha mình vài ngày trước khi ông mất vì bị bệnh. Ảnh Vietnamnet

“Vương rời xa vòng tay chăm sóc của vợ chồng tôi từ bé. Đưa con vào nhập học tại Học viện Hoàng Anh Gia Lai về được vài hôm, chồng tôi đột ngột qua đời vì bệnh tật. Thực sự đó là cú sốc rất lớn đối với tôi. Tôi bị khủng hoảng, nói với em trai điện vào học viện xin đưa Vương về không theo nghiệp đá bóng nữa, nếu biết tin bố mất thế Vương không còn tâm trí nào đá bóng nữa.

Khi người nhà điện thoại vào bảo các thầy cho Vương về chịu tang cha thì các thầy khuyên bảo nếu về cũng không kịp. Rồi các thầy động viên để con ở lại học, các thầy sẽ quan tâm Vương hơn khi phải chịu thiệt thòi mất cha”, bà Chuốt nhớ lại những năm tháng đã qua.

Trong suốt năm tháng thi đấu, chàng cầu thủ này luôn cố gắng phấn đấu.

Thế rồi như linh tính mách bảo, ngày cha mất Minh Vương liên tục gọi điện thoại về nhà. Thấy lạ khi đầu máy bên kia không phải là bố mà cũng không phải là mẹ, cậu bé bắt đầu lo lắng. Cậu tìm cách gọi điện cho hàng xóm, cho một ai đó quen biết với hy vọng được nói chuyện với bố mình. Vì biết chuyện nên ai cũng giấu vì sợ Vương sẽ không vượt qua được cú sốc lớn.

“Chồng mất được 1 tuần, Vương gọi điện cho tôi nói ‘mẹ ơi mẹ có biết hôm nay con gọi điện thoại hết bao nhiêu tiền không, con chỉ mong sao cho con gặp bố con mà sao không cho con gặp bố?' Tôi đã phải biện đủ lý do giấu con. Lúc đó, nước mắt tôi không ngừng rơi. Đêm về tôi tự nghĩ rằng sớm muộn cũng không thể giấu con được mãi nên khi em trai tôi vào Sài Gòn, tôi dặn em vào học viện nói rõ để Vương biết chuyện. Khi nói chuyện cha qua đời, Vương chỉ biết ôm mặt khóc”, bà Chuốt kể.

“Giờ nghĩ lại mới thấy mẹ con tôi sống đến hôm nay là một kỳ tích, khó khăn muôn phần”

Chồng mất được một tháng, bà Chuốt vào thăm con trai. Khi thầy giáo đưa tấm ảnh hai bố con chụp chung trước khi người cha qua đời, Vương nhìn rồi cố giấu không cho mẹ thấy mình khóc.

“Con vẫn cố tỏ ra bản lĩnh vì sợ mẹ buồn, cất vội tấm ảnh đó vào trong. Khi tôi ra ngoài, con lại lôi ra nhìn rồi rưng rưng khóc. Trong suốt quãng thời gian nửa năm, không bao giờ Vương nghĩ bố đã mất. Đến khi về nhà nhìn thấy di ảnh cha, mẹ con lại ôm nhau khóc.

Theo bà Chuốt, Minh Vương là người sống rất tình cảm.

Những năm tháng đó, giờ nghĩ lại mới thấy mẹ con tôi sống đến hôm nay là một kỳ tích, khó khăn muôn phần, năm đó chồng mất khi còn rất trẻ, con trai lớn bắt đầu đi học đại học, Vương mới 12 tuổi. Tôi sợ rằng các con sẽ sinh trầm cảm, không học được, lại không nhận được sự quan tâm dạy bảo của cha mẹ.

Lúc đó, tôi ôm hai con động viên, các con phận thiệt thòi, mẹ sẵn sàng là cột để các con tựa lưng vào, các con cứ yên tâm. Hãy luôn nhớ, đạo đức phải đặt lên hàng đầu còn khả năng các con tài giỏi được đến đâu là mẹ được hưởng đến đó”, bà Chuốt xúc động.

Cha mất được 3 năm, trong một lần sang bên bà ngoại, Minh Vương hỏi: “Mẹ ơi từ ngày bố mất đến giờ mẹ đã phải than phiền, suy nghĩ về vấn đề đạo đức của các con chưa?”, lúc này bà Chuốt đáp: “Hiện giờ thì chưa, nhưng vẫn còn dài, một nửa đời mẹ đã qua rồi, một nửa đời còn lại mẹ trong vào hai con, các con là động lực sống chính của mẹ. Mẹ có vui, mẹ có khỏe được là ở hai con đấy, đó mới là liều thuốc tốt nhất với mẹ. Các con sống làm sao cứ để mẹ vui, mẹ yên tâm là mẹ hạnh phúc rồi”.

Vẻ ngoài điển trai của chàng cầu thủ quê Thái Bình.

Bà Chuốt nhận xét, Minh Vương là người sống rất tình cảm. Mỗi lần về nhà, dù đã lớn nhưng cậu vẫn thường ôm mẹ ngủ. Năm nay, do bận lịch thi đấu nên cách đây gần 1 tháng, chàng cầu thủ này về nhà 2 ngày rồi lại vội lên đường thi đấu Asiad 2018.

Nói về sở thích của con trai, bà Chuốt cười nói, Vương rất thích các món chiên, rán nhất là bánh rán và cánh gà rán. “Mỗi lần con về là bảo mẹ mua bánh rán, đến nỗi lần nào thấy tôi mua là người bán bánh cũng hỏi ‘nay con trai về rồi à’”, bà Chuốt cười nói.

Bà Chuốt kể, tiền lương và thưởng của Vương đều gửi về cho mẹ, sắp tới bà sẽ sửa sang ngôi nhà cấp 4 xây từ năm 1990, nay đã xuống cấp.

Định Nguyễn

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/niem-dam-me-bong-da-den-quen-loi-ve-va-noi-dau-khong-duoc-ve-chiu-tang-cha-cua-cau-thu-minh-vuong-3574572.html