Niềm hạnh phúc bình dị của Đại úy Xiêng Văn Thang

Trên mảnh đất đầy nắng và gió vùng ngã ba biên giới, người sĩ quan trẻ tuổi ấy đã làm việc hết sức mình vì cuộc sống ấm no, bình yên của bà con nhân dân. Từ Đăk Xú đến Bờ Y, những nơi anh đi qua đều để lại những tiếng cười, bởi đơn giản đó là tình thương và trách nhiệm của một người con đối với cộng đồng dân tộc của mình. Người chúng tôi nói đến là Đại úy Xiêng Văn Thang, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng (VĐQC), Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) Bờ Y, BĐBP Kon Tum.

Đại úy Xiêng Văn Thang bên công trình nước tự chảy ở xã Đăk Xú. Ảnh: Văn Lý

Được khoác lên mình bộ quân phục Biên phòng là ước mơ cháy bỏng của cậu bé dân tộc Giẻ Triêng Xiêng Văn Thang từ thuở còn cắp sách đến trường. Thế hệ “8X” của anh ở vùng biên giới huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, dẫu không trực tiếp được đồn Biên phòng mở lớp dạy chữ, nhưng hình ảnh “người thầy giáo mang quân hàm xanh” lặng lẽ đèn sách nơi thôn làng đã khắc sâu trong tâm khảm những đứa trẻ như Xiêng Văn Thang để từ đó nuôi dưỡng ước mơ được trở thành người sĩ quan Biên phòng. Rồi mơ ước đó của Xiêng Văn Thang cũng đã được toại nguyện khi anh thi đậu vào Trường Trung cấp Biên phòng 1, sau đó hoàn thiện đại học tại Học viện Biên phòng. Và hạnh phúc hơn nữa là sau khi tốt nghiệp ra trường, Xiêng Văn Thang được điều động về công tác ngay trên chính quê hương mình để bắt đầu một chuỗi ngày dài cống hiến.

Nhờ có sự đồng cảm, thấu hiểu các chủ nhân đất rừng biên giới, hơn ai hết, Xiêng Văn Thang xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người cán bộ làm công tác VĐQC. Bà con cần nghe những điều gì mình nói, cần thấy những việc gì mình làm, đó là những câu hỏi mà người sĩ quan Biên phòng phải “giải mã” trong suốt cuộc hành trình “3 bám, 4 cùng” với người dân vùng biên giới. Ngày còn làm Đội trưởng Đội VĐQC, Đồn Biên phòng Đăk Xú, quản lý địa bàn xã Đăk Xú có mặt bằng kinh tế thấp, tình hình an ninh trật tự tương đối phức tạp, bám sát sự lãnh đạo điều hành của cấp ủy, chỉ huy đơn vị, Đại úy Xiêng Văn Thang đặt ra quyết tâm phải xây dựng bằng được những mô hình giúp dân thiết thực nhất. Từ suy nghĩ đó, anh tích cực tham mưu, đề xuất chính quyền địa phương và chỉ huy đồn Biên phòng tập trung xây dựng mô hình VAC ở thôn Đăk Nông, với những cây, con phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và khả năng nuôi trồng của người dân. Mô hình kinh tế này nhanh chóng phát huy tác dụng, mở ra hướng đi mới giúp bà con thoát nghèo bền vững.

Cùng với đó, Đội VĐQC, Đồn Biên phòng Đăk Xú triển khai xây dựng mô hình “Thôn đạo bình yên” ở làng Kei Joi và Đăk Long, xã Đăk Xú, vừa giữ vững an ninh nông thôn, vừa tăng cường khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo, cùng nhau sống tốt đời đẹp đạo. Trong trận hạn hán lịch sử xảy ra vào năm 2016, Xiêng Văn Thang cùng với đồng đội của mình, một mặt tập trung giúp dân chống hạn, mặt khác phối hợp với chính quyền địa phương vận động các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn xây dựng công trình nước tự chảy tại thôn Đăk Long và Đăk Giao, xã Đăk Xú. Công trình có tổng trị giá hơn 93 triệu đồng cùng 200 ngày công lao động của bộ đội và nhân dân không chỉ cung cấp đủ nước sạch sinh hoạt cho hàng trăm gia đình, mà còn trở thành biểu tượng của tình đoàn kết quân dân. Đó là dấu ấn của Đại úy Xiêng Văn Thang và đồng đội để lại cho dân làng trước khi anh chuyển công tác sang Đồn Biên phòng CKQT Bờ Y.

Về đơn vị mới nhưng vẫn giữ nguyên tâm thế của người cán bộ “3 bám, 4 cùng”, Đại úy Xiêng Văn Thang cùng cán bộ, chiến sĩ trong Đội VĐQC, Đồn Biên phòng CKQT Bờ Y tập trung xây dựng những mô hình phát triển kinh tế quy mô nhỏ ở hộ gia đình, làm cơ sở nhân rộng ra toàn địa bàn. Từ 2 địa chỉ trợ giúp ban đầu là chăn nuôi gà tại gia đình ông Đặng Văn Dũng, ở thôn Ngọc Hải và phát triển diện tích cây bời lời ở gia đình ông Lương Văn Nghị, ở thôn Đăk Mế, đến nay, người dân trong xã Bờ Y đã tiếp cận các công đoạn kỹ thuật, nhất là phòng chống dịch bệnh để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Đối với các khu dân cư đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, nhờ thấu hiểu những cái khó, cái khổ của bà con trong đời sống thường nhật, Đội trưởng Đội VĐQC Xiêng Văn Thang cùng đồng đội tích cực tuyên truyền vận động và trực tiếp “xắn tay áo” giúp dân cải tạo vườn tạp, trồng rau xanh quanh nhà, nạo vét kênh mương tưới tiêu, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tu sửa nhà rông phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng... Với cách làm “chậm mà chắc”, từng hộ dân một được trợ giúp, bộ đội và nhân dân cứ thế tương trợ bên nhau vượt khó, các mô hình nêu trên đã phát huy tác dụng, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống cho bà con nơi thôn làng biên giới.

Công tác trên địa bàn có CKQT Bờ Y, nơi diễn ra các hoạt động mua bán giao thương sầm uất bậc nhất trên tuyến biên giới tỉnh Kon Tum, Đại úy Xiêng Văn Thang luôn đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giúp bà con nâng cao ý thức trong xây dựng đời sống an toàn, văn minh, lành mạnh. Trong gần 2 năm qua, cùng với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, Đội VĐQC, Đồn Biên phòng CKQT Bờ Y đã tổ chức hơn 530 buổi tuyên truyền với gần 40 nghìn lượt người tham gia, nội dung tuyên truyền xoay quanh những vấn đề về chấp hành pháp luật, xây dựng nông thôn mới, phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự, an ninh biên giới, đấu tranh tố giác tội phạm...

Cùng với công tác tuyên truyền, Đội VĐQC còn triển khai cho 827 hộ kinh doanh nhỏ lẻ và nhân dân trên địa bàn xã Bờ Y ký cam kết không mua bán, tàng trữ, đốt pháo nổ, pháo hoa, không tham gia các tệ nạn xã hội, kết hợp phát tờ rơi về quy định xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng các loại pháo trái phép.

Vai trò của người Đội trưởng Đội VĐQC Xiêng Văn Thang còn được thể hiện ở những buổi sinh hoạt Chi bộ thôn Măng Tôn, theo sự phân công chỉ đạo của Đảng ủy Đồn Biên phòng CKQT Bờ Y. Bên cạnh những ý kiến tham mưu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng cơ sở chính trị, những cuộc họp quý giá này đã giúp cho Đại úy Xiêng Văn Thang hiểu sâu hơn, nắm chắc hơn tâm tư nguyện vọng của bà con, nhất là những gia đình nghèo để có hướng trợ giúp hiệu quả nhất. Tết Nguyên đán Mậu Tuất anh đã tham mưu cho chỉ huy đơn vị và chính quyền thôn, xã tổ chức vận động, quyên góp, hỗ trợ hưởng ứng Ngày hội bánh chưng xanh với 1.165 cặp bánh chưng được trao tận tay tất cả các gia đình nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Cùng với đó là việc khánh thành, bàn giao “Mái ấm tình thương” cho gia đình bà Y Vay, ở thôn Kon Khôn, trị giá 52 triệu đồng (nguồn vốn do Đồn Biên phòng CKQT Bờ Y phối hợp với Hội Phụ nữ xã và Công ty vàng bạc đá quý tỉnh Kon Tum đóng góp xây tặng).

Đã có hàng trăm việc tốt, hàng nghìn lời nói hay của người Đội trưởng Đội VĐQC, nhưng với Đại úy Xiêng Văn Thang, như thế vẫn còn ít so với nguồn năng lượng, tình yêu và khát vọng cống hiến của người sĩ quan Biên phòng được sinh ra, lớn lên và trưởng thành trên chính vùng quê biên giới như anh. Tâm sự với chúng tôi, anh cho biết: “Với cá nhân tôi, đó là niềm hạnh phúc khi được cống hiến sức mình vào sự phát triển của quê hương. Mỗi ngày được nhìn thấy nụ cười tươi tắn trên gương mặt các chủ nhân vùng biên giới là món quà vô giá dành cho người lính Biên phòng...”.

Đúng vậy! Hạnh phúc là một khái niệm rất rộng, nhưng đôi khi nó chỉ gói gọn trong một nụ cười.

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/niem-hanh-phuc-binh-di-cua-dai-uy-xieng-van-thang/