Niềm kiêu hãnh nhà báo chiến sĩ

Trái tim của Đại tá, nhà báo lão thành Phạm Phú Bằng, người đồng chí, đồng nghiệp, người anh, người thầy thân thương, niềm tự hào như một biểu tượng tinh thần của Báo Quân đội nhân dân (QĐND) đã ngừng đập hồi 8 giờ 43 phút ngày 17-3-2024.

74 năm trước, trong những ngày gian nan “miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai” trên Chiến khu Việt Bắc, người thanh niên Phạm Phú Bằng là một trong những thành viên tích cực hiện thực hóa chỉ thị của Bác Hồ, theo lệnh của Tổng Quân ủy, sáp nhập các tờ báo tiền thân, cho ra đời số Báo QĐND đầu tiên vào ngày 20-10-1950. Và từ đó cho đến hơi thở cuối cùng, nhà báo Phạm Phú Bằng với nhiều bút danh như: Phạm Phú Bình, Phạm Hồi, Phạm Hồng, Đỗ Quyên… vẫn trung thành với con đường cách mạng và chung thủy với nghề cầm bút cao quý, gắn bó với Báo Quân đội nhân dân anh hùng.

Chúng ta nhớ đến nhà báo Phạm Phú Bằng là nhớ đến một Trưởng phòng Văn hóa có tâm, có tầm, nhẹ nhàng và sâu sắc; là nhớ đến một ngòi bút mẫn tiệp, bền bỉ và quyết liệt; một cây đại thụ của nền báo chí cách mạng Việt Nam; một nhà báo chiến sĩ tiêu biểu tay súng tay bút, vào sinh ra tử, có khi bị vùi lấp bất tỉnh rồi lại vùng lên theo kịp đội hình chiến đấu, nhiều lần bị thương, nhiều lần nhà báo Phạm Phú Bằng đã chứng kiến các đồng chí chỉ huy đơn vị hy sinh trong bối cảnh hết sức ngặt nghèo, thế rồi, chính nhà báo Phạm Phú Bằng cầm súng thay thế chỉ huy đơn vị tiếp tục chiến đấu và chiến thắng. Bước chân của nhà báo, người lính chiến trận Phạm Phú Bằng in dấu trên hầu khắp các triền núi, vực sông, các bản làng, góc phố từ Bắc đến Nam suốt các cuộc kháng chiến trường kỳ và huyền thoại của dân tộc ta trong thế kỷ XX.

Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND đọc điếu văn tại Lễ truy điệu Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng.

Với gia đình, nhà báo Phạm Phú Bằng là người chồng có tình yêu vượt qua địa vị xã hội dứt khoát, mạnh mẽ, mẫu mực và thủy chung; là người cha, người ông bao dung, nhân hậu, luôn mang cốt cách một nhà nho và một tinh thần người cộng sản khiêm nhường, cởi mở, chan hòa.

Đã mấy năm nay đôi chân của nhà báo Phạm Phú Bằng không còn ngược xuôi khắp các miền quê nghèo khó của đất nước để trao quà từ thiện. Trên phố Lý Nam Đế các buổi chiều, thi thoảng chúng tôi thấy người bạn đời của ông, bà Nguyễn Thị Hồi, cùng ông dạo phố, rồi nói chuyện thay ông, còn ông chỉ nhẹ cười với ánh nhìn xa vời vợi, trong lòng anh em tôi đã linh cảm điều chẳng lành. Không ai dám nghĩ điều ấy xảy ra. Lo lắng và có phần chông chênh nếu một ngày nào điều ấy ập đến. Và thật đau lòng vô hạn, quy luật của lẽ tử sinh. Các thầy thuốc của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cùng các thầy thuốc ở Bệnh viện Lão khoa đã tận tình cứu chữa; cụ bà và các con cháu nhất mực yêu thương, chăm sóc; bà con khối phố, đồng đội, đồng nghiệp lo lắng, thăm hỏi, động viên, nhưng vì tuổi cao, bệnh trọng, nhà báo Phạm Phú Bằng không qua khỏi. Đồng chí hưởng thọ 95 tuổi.

Nhà báo Phạm Phú Bằng sinh ngày 15-5-1930, tại làng Đông Bàn, xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; trú quán tại số 8, phố Lý Nam Đế, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Ông xuất thân từ một gia đình quan chức dưới thời phong kiến có cụ nội là Thượng thư Phạm Phú Thứ, Tổng trấn Hải Yên; có cha là học giả Phạm Phú Tiết, Tổng đốc Bình Phú dưới triều Nguyễn, rồi sau ngày 2-9-1945 được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong chức Chánh án Tòa án Quân sự miền Nam.

Tiếp nối tư tưởng thân dân tiến bộ, tận trung báo quốc của tiên tổ cùng hào khí quê hương cách mạng, ngay từ thuở thiếu thời, Phạm Phú Bằng đã có những hiểu biết, suy nghĩ vượt trội về thời thế, về cách mạng. Người thanh niên ấy đã nhẹ nhàng trút bỏ địa vị quyền quý, tự giác hóa thân vào dòng chảy cần lao, không mảy may tính toán cho cá nhân mình, hào hứng tham gia các phong trào cứu tế dân nghèo rồi đến thanh niên xung phong cứu quốc. Đầu năm 1946, lúc ấy mới 16 tuổi, Phạm Phú Bằng đã thiết tha xin gia nhập quân đội. Anh được nhập ngũ vào Trung đoàn Trần Cao Vân, tại Huế. Nhanh nhẹn, hoạt bát, hiểu biết rộng, lại nói hay, viết thạo, nên Phạm Phú Bằng sớm được cấp trên bố trí làm cán bộ thông tin, tuyên truyền của Liên khu 5. Tháng 6-1950, cán bộ tuyên huấn Phạm Phú Bằng lại được trên “chọn mặt gửi vàng” điều chuyển ra miền Bắc, làm cán bộ thông tin báo chí thuộc Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, rồi làm phóng viên Báo QĐND từ những ngày đầu thành lập báo.

Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, phóng viên Phạm Phú Bằng đã cùng 4 cán bộ, phóng viên, họa sĩ của Báo QĐND trong đội hình tòa soạn tiền phương là Hoàng Xuân Tùy, Nguyễn Khắc Tiếp, Trần Cư, Nguyễn Bích, chia tay tòa soạn mẹ ở Định Hóa, Thái Nguyên, theo chân Bộ Tổng tư lệnh vào rừng Mường Phăng tổ chức Tòa soạn tiền phương, cho ra đời 33 số báo tác nghiệp tại chiến trường, in li-tô trong rừng Mường Phăng rồi phát hành đến tận tay bộ đội dưới chiến hào. 33 số báo nóng hổi hơi thở chiến sự ấy đến nay còn lưu giữ nguyên vẹn. Nó như một học viện báo chí. Nó là một món quà quý của cha anh trong thời đại Hồ Chí Minh gửi đến hậu thế. Nó là một đại sự kiện báo chí vô tiền khoáng hậu trong lịch sử báo chí thế giới. 33 số báo ấy ngày nay được Báo QĐND bảo quản cẩn trọng, vì chúng tôi biết rằng mỗi câu chữ trong ấy đã thấm bao mồ hôi nước mắt và cả máu của đồng chí, đồng nghiệp, của các nhà báo, trong đó có nhiều tác phẩm của nhà báo Phạm Phú Bằng. Vượt qua thời gian, mỗi câu chữ trong ấy, nó có sức sống mãnh liệt cổ vũ và thôi thúc chúng tôi vươn lên phía trước để theo kịp các bác, các anh và tiếp bước các bác, các anh.

Sau thắng lợi lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu năm 1954, phóng viên Phạm Phú Bằng được cử đi đào tạo đại học báo chí tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Tại nước bạn, sinh viên Phạm Phú Bằng không chỉ siêng năng, học giỏi, mà còn tích cực tham gia trợ giảng, phổ biến kinh nghiệm tác nghiệp báo chí trên chiến trường cho sinh viên nhiều nước trên thế giới.

Tốt nghiệp đại học báo chí loại xuất sắc, về nước nhà báo Phạm Phú Bằng được giao nhiệm vụ làm biên tập viên Báo QĐND, sau đó được tăng cường vào miền Nam làm phóng viên – biên tập viên Báo Quân giải phóng. Hơn 5 năm làm phóng viên Báo Quân giải phóng, dưới bom đạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phóng viên Phạm Phú Bằng càng thể hiện bản lĩnh nhà báo chiến sĩ. Người phóng viên có vóc dáng mảnh khảnh ấy chẳng sờn lòng trước gian khổ, hiểm nguy, vượt lên bom đạn, tiếp tục bám sát bộ đội, đến tận công sự, trận địa ở các chiến trường miền Nam, tuyên truyền về tinh thần chiến đấu ngoan cường, anh dũng, những chiến công oanh liệt của quân và dân ta. Trong Chiến dịch Tết Mậu Thân – 1968, phóng viên Phạm Phú Bằng bị thương ở ven đô Sài Gòn. Khi vết thương chưa lành, Phạm Phú Bằng đã thiết tha đề nghị cấp trên cho anh được tiếp tục xung trận tác nghiệp.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của phóng viên chiến trường Báo Quân giải phóng, đầu năm 1970, nhà báo Phạm Phú Bằng được điều ra Bắc và bổ nhiệm chức vụ Phó trưởng phòng Biên tập Chính trị Báo QĐND.

Sau đó không lâu, Đoàn cán bộ đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại trại Đa-vít (đóng ở phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn) cần một nhà báo giỏi nghiệp vụ và thông thạo tiếng Anh, để tham gia vào lĩnh vực đấu tranh báo chí, đấu tranh ngoại giao. Vậy là ra Bắc chưa được bao lâu, phóng viên Phạm Phú Bằng lại vui vẻ “Nam tiến” làm nhiệm vụ trên mặt trận đối ngoại căng thẳng và hiểm nguy giữa trung tâm Sài Gòn. Trước nhiệm vụ mới mẻ, đặc biệt này, nhà báo Phạm Phú Bằng đã khôn khéo thực hiện tròn vai, góp phần tích cực vào thắng lợi trên mặt trận không tiếng súng giữa sào huyệt của kẻ thù.

Ngày 30-4-1975, trong niềm vui lớn của cả dân tộc, ngày đoàn tụ thiêng liêng ấy, nhà báo Phạm Phú Bằng cùng đoàn quân tiến về miền Tây Nam Bộ. Đoàn quân tiến qua cửa nhà mình mà Phạm Phú Bằng trong khoảnh khắc chỉ kịp giơ bàn tay nhỏ bé lên vẫy vẫy xem những người đang hồ hởi chào đón đoàn quân giải phóng có ai là người thân nhận ra mình? Không có ai. Ông đã cùng đoàn quân cuốn đi rất nhanh, không thể ghé qua nhà chào mẹ một câu sau bao năm tháng hoạt động ngay gần nơi ở của mẹ mà do yêu cầu công tác nên biển trời cách mặt, vời vợi nhớ thương. Lần ấy, hình ảnh người cha nghiêm nghị và người mẹ tảo tần nhân hậu từng dẫn ông đi theo các chuyến tàu cứu tế lương thực từ khi ông 10 tuổi đã làm ông mềm lòng. Nước mắt dành cho ngày gặp mặt. Nước mắt của ông nhiều gấp hai lần vì ngày đoàn tụ thiêng liêng ấy, ông vẫn chưa được gặp mặt song thân nhất mực kính yêu!

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở phía Nam, tháng 8-1978, nhà báo Phạm Phú Bằng được bổ nhiệm Trưởng phòng Văn hóa, một phòng biên tập mới ra đời theo yêu cầu phát triển đa dạng của tờ báo. Từ đây, sự nghiệp báo chí của nhà báo Phạm Phú Bằng định hình rõ ràng và sâu sắc hơn. Những bài thông tin, đánh giá, nhận định tình hình thế giới, trong nước, khu vực giữa bối cảnh phức tạp, nhạy cảm và cam go ấy của nhà báo Phạm Phú Bằng đã kịp thời cổ vũ tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta. Những bài vạch mặt chỉ tên kẻ thù thông qua trực tiếp thẩm vấn tù binh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới của nhà báo Phạm Phú Bằng đã xuất hiện như một sự kiện báo chí, có khi đến 28 kỳ liên tiếp vừa ngồn ngộn thông tin, vừa thâm thúy thú vị, vừa nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc chúng ta trên một tầm vóc văn hóa lớn. Đó không chỉ là tầm vóc văn hóa của một tòa soạn, mà nó mang ý nghĩa tầm vóc văn hóa của một đạo quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, một đội quân văn hóa, bách chiến bách thắng. Phạm Phú Bằng chủ trì lĩnh vực văn hóa của một tờ báo gạo cội của Đảng trong lực lượng vũ trang, đúng là một sự sắp đặt hoàn hảo của tổ chức, ngỡ như thiên định. Khơi những mạch suối nguồn trong trẻo, âm thầm và bền bỉ, lĩnh vực văn hóa trên Báo QĐND đã chuẩn bị tâm hồn và đạo đức cho lớp lớp thế hệ bạn đọc báo thêm vững vàng tay súng, sáng trong tầm nhìn, trung nghĩa và thiện tâm, ngày ngày bồi tụ nền tảng tinh thần của xã hội. Trong dòng chảy văn hóa ấy, nổi trội lên những tác phẩm và gương mặt rạng rỡ Phạm Phú Bằng.

Sau gần 47 năm công tác, năm 1992, Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng được nghỉ hưu. Đúng là “nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc”, “cựu mà không cũ”, cái duyên nợ với tờ báo chiến sĩ ở cựu phóng viên Phạm Phú Bằng dường như vẫn còn tươi mới. Từ đây, sự nghiệp của nhà báo Phạm Phú Bằng là sự nghiệp chính của một người thầy. Trước những việc khó, tình huống tế nhị, cần nhìn nhận đánh giá, cân nhắc trên mặt báo, anh chị em chúng tôi hay gõ cửa bác Phú Bằng. Trước một chi tiết lịch sử còn có tranh luận, chúng tôi cũng gõ cửa bác Phú Bằng. Thậm chí, trước một cụm từ phiên âm từ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, nếu còn băn khoăn thì cũng hỏi bác Phú Bằng. Nhiều bạn trẻ đã nói không quá rằng, bác Phú Bằng chính là ông google của chúng ta.

Thân nhân Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng và các đại biểu tại Lễ truy điệu.

Cuộc đời của nhà báo Phạm Phú Bằng là một tấm gương trong suốt, điển hình về người thanh niên có địa vị cao trong xã hội cũ tự giác đi theo cách mạng, quyết liệt, thủy chung, dấn thân, tận hiến đến hơi thở cuối cùng. Đồng chí đã được tặng thưởng: Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng; Huân chương Quân công hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Nhì; Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; Huân chương Giải phóng hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam” và nhiều huân chương, huy chương, phần thưởng cao quý khác.

Nhưng có lẽ phần thưởng cao quý nhất đồng chí Phú Bằng nhận được là tình thương yêu và kính trọng đặc biệt của đồng chí, đồng nghiệp, của gia đình và bè bạn với đồng chí.

Cuộc đời làm báo chí cách mạng của đồng chí để lại cho các thế hệ hậu sinh Báo QĐND niềm tự hào chân chính. Chúng tôi biết rằng, những thành tích của Báo QĐND gần 75 năm qua, được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý nhất, có công sức, máu xương của rất nhiều các bác, các anh chị đi trước, trong đó có phần đóng góp rất quý giá của nhà báo Phạm Phú Bằng.

Đời sống báo chí đang thay đổi nhanh chóng. Báo QĐND cũng đang thay đổi nhanh chóng. Nhiều điều khi nhà báo Phạm Phú Bằng đang công tác chỉ là giấc mơ xa, thì nay đã trở thành hiện thực sinh động tại ngôi nhà chung của chúng ta - số 7 Phan Đình Phùng. Báo QĐND là đơn vị báo chí đầu tiên của cả nước xây dựng thành công và được Quân ủy Trung ương phê duyệt đề án xây dựng Báo QĐND thành cơ quan truyền thông chủ lực, đa phương tiện đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, theo định hướng quy hoạch báo chí của Chính phủ. Tôi tin chắc rằng bác Phú Bằng cùng các bậc tiên hiền tiên liệt của Báo QĐND cũng sẽ mỉm cười nơi chín suối, hài lòng với những thành công của Báo QĐND hôm nay.

Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh nhà báo Phạm Phú Bằng. Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng tôi xin hứa với đồng chí: Báo QĐND hôm nay sẽ trân trọng giữ gìn và phát huy di sản đồ sộ của các thế hệ cha anh. Tiếp tục đoàn kết, dấn thân, tận trung, tận hiến sắt son chung thủy với nghề, giữ mãi ngọn lửa thiêng phẩm chất nhà báo chiến sĩ, tuyệt đối trung thành với Đảng, quyết tâm vượt qua khó khăn, không ngừng sáng tạo đổi mới, chuyên nghiệp và bứt phá, đóng góp tích cực cho sự nghiệp báo chí cách mạng, sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng của toàn Đảng toàn dân và toàn quân ta, cùng cả nước hướng đến dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

95 năm tuổi đời, gần 80 năm tay súng tay bút, nhà báo Phạm Phú bằng đã chọn cho mình một con đường gian nan, nhưng kiêu hãnh, một cuộc đời chiến đấu, hy sinh tất cả vì lý tưởng cao đẹp của Đảng, của Bác Hồ. Ẩn sau cái dáng vẻ mảnh mai, nhẹ nhõm và lặng lẽ ấy là một sự nghiệp phong phú và sôi động trước những biến cố dữ dội của thời đại, đất nước và gia đình. Hôm nay giữa trời xuân đương độ, những cây hoa sưa trước cửa nhà số 7 đang bung nở trắng trời Hà Nội. Việc quân, việc nghĩa đã xong rồi. Báo cũng đã lên khuôn rồi. Đồng chí Phạm Phú Bằng hãy thanh thản yên nghỉ nhé! Anh em chúng tôi cùng toàn gia quyến đồng chí sẽ nén đau thương để đồng chí yên giấc ngàn thu và chúng tôi nguyện tiếp tục đi tiếp con đường đồng chí đã đi, thực hiện xuất sắc những mong ước của đồng chí.

(Trích Điếu văn Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng do Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân đọc tại Lễ truy điệu sáng 21-3-2024)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/niem-kieu-hanh-nha-bao-chien-si-769420