Niềm tin là câu chuyện của những giá trị

Đã có người nói, niềm tin chưa bao giờ là câu chuyện của đúng hay sai. Đó là câu chuyện của những giá trị mà mỗi cá nhân mong muốn kiến tạo cho bản thân và cộng đồng mình đang sống. Những giá trị đó là quan điểm chuẩn về những việc được phép và không được phép làm, theo các định hướng pháp luật và đạo đức.

Niềm tin vừa là cảm xúc lại vừa là lý trí, nghĩa là nó chỉ xuất hiện và hình thành khi chúng ta nhìn thấy điều gì đó phù hợp với suy nghĩ và sự hiểu biết của chính chúng ta. Ví dụ, khi ta thấy một người lái taxi tìm cách trả lại một gói đồ do khách bỏ quên trong đó chứa số tiền mà anh ta phải làm mấy năm trời mới kiếm được, ta thấy có niềm tin vào chiến thắng của con người trong cuộc chiến đấu với lòng tham.

Ví dụ, khi ta thấy một ông đã làm đến trung tướng công an ở cục phòng chống tội phạm chủ động tham gia vào đường dây đánh bạc mà pháp luật nghiêm cấm, một bộ trưởng nhận hối lộ mấy triệu đô la để cấu kết với tư nhân chiếm đoạt của nhà nước gần chục ngàn tỉ đồng, khi ấy ta ngay lập tức không còn hoàn toàn tin tưởng vào bộ máy công quyền và cơ quan bảo vệ pháp luật nữa.

GS Ngô Bảo Châu (trái) và KTS Hoàng Thúc Hào (phải) tại tiết học đầu tiên sau lễ khai giảng ở Trường tiểu học Lũng Luông - ngôi trường được dựng lên bởi nhiều tấm lòng thiện nguyện vì cộng đồng. Ảnh: 1+1>2

Không phải thời gian và hoàn cảnh biến đổi có thể làm thay đổi tất cả các giá trị. Nhưng thực tế đã chứng minh cái gì cũng có thể thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh cụ thể. Tại buổi làm việc với một số cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương, ngày 18 tháng 6 năm 1968, để bàn về cách thực hiện loại sách “Người tốt, việc tốt”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Lời nhắn gửi thẳng thắn và chân lý đó được nói ra vào thời điểm công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam thu được nhiều thắng lợi quan trọng, nhưng cũng đồng thời đặt ra những khó khăn và thách thức mới trong công tác tư tưởng.

Hồi đó, niềm tin của nhân dân vào sự trong sáng của Đảng và Nhà nước còn rất cao, thế nên rất khó đong đếm được sức người, sức của toàn dân đổ ra cho mục tiêu lớn nhất là đưa cuộc chiến đấu giành hòa bình, thống nhất đến đích cuối cùng. Nhưng rồi năm tháng qua đi, từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến nay đã sắp 45 năm.

Bên cạnh những thành tựu rất đáng ghi nhận của công cuộc dựng xây và bảo vệ tổ quốc trong điều kiện hòa bình, đã có nhiều “vật đổi sao dời”, nhưng điều mà ít ai trong dân trong Đảng có thể ngờ tới đó chính là sự tha hóa của những con người trong bộ máy Đảng và Nhà nước. Tại sao ít ai ngờ ư ? Bởi vì ông bà ta xưa đã có những câu răn giá trị ngàn đời “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, “Nhà dột từ nóc”, “Một người lo bằng cả kho người làm”. Còn chúng ta thời nay cũng đã có những câu đúng đến không còn gì để nói “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Thế nên khi cái “nóc” ấy, cái “thượng” ấy tự hủy hoại vai trò làm gương của mình trước cả đoàn người, cả cộng đồng, cả đất nước thì niềm tin đổ vỡ từ ít đến nhiều là điều không có gì khó hiểu. Cũng chẳng có gì đáng vui mừng khi biết rằng từ sau đại hội Đảng XII đến nay đã có hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị và 4 Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, 14 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 1 nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, 5 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 Bí thư Tỉnh ủy, 5 nguyên Bí thư Tỉnh ủy và 17 tướng lĩnh; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự. Vui gì, vì ai mà biết được đó có phải là những con số cán bộ tha hóa cuối cùng cần bị lôi ra trước ánh sáng pháp luật hay không.

Nói vậy không phải là tô đen cả bức tranh toàn cảnh cán bộ, công chức đảng và nhà nước. Bởi vì vẫn còn nhiều cán bộ, công chức, đảng viên vẫn đang miệt mài, cần mẫn, hiệu quả với công việc đang làm, có buồn có giận có căm ghét hình ảnh tha hóa tồi tệ của lãnh đạo ngành này, cấp khác nhưng vẫn giữ niềm tin vào những điều tử tế có thật mà VTV đang kể hàng tuần trong chuyên mục “Chuyện tử tế”. Kể cả những chuyện tử tế mà ống kính VTV chưa vươn tới, hoặc nếu có vươn tới cũng chưa chắc được đồng ý cho ghi hình.

Như là câu chuyện gần mười năm nay, một nhóm từ thiện tự phát tự đặt tên là “Chia sẻ - Sharing” đã bằng tiền riêng của mỗi cá nhân và doanh nghiệp riêng của mình giúp đỡ nhà cửa, con giống, cầu đường, giếng nước sạch, học bổng và xe đạp cho học sinh, những ca mổ sáng mắt cho bà con nghèo các vùng khó khăn từ núi cao đến đồng xa. Con số nhìn lại cũng xấp xỉ vài mươi tỉ đồng.

“Những câu chuyện tử tế cần phải tiếp tục kể để góp phần lan tỏa các giá trị sống mà từ đó mỗi người có thể xây dựng cho chính mình niềm tin vào những điều tử tế”. Trong ảnh: Quán cơm xã hội Nụ cười. Ảnh: CNC

Hay như là câu chuyện nhóm cổ đông của chuỗi karake Nice đã âm thầm giúp hơn 3 tỷ đồng cho hệ thống Quán cơm Nụ cười để mỗi người nghèo đến dùng bữa trưa ngon như 20 ngàn đồng mà chỉ phải trả 2000 đồng. Những câu chuyện còn nhiều, còn cần phải tiếp tục kể để góp phần lan tỏa các giá trị sống mà từ đó mỗi người có thể xây dựng cho chính mình niềm tin vào những điều tử tế. Không có tiền để chia sẻ cho người kém may mắn, nhiều người bình thường đang ra sức làm thật tốt những công việc lao động chân chính của mình, tránh xa những điều pháp luật và đạo đức cấm kỵ. Đó cũng là cách sống tử tế. Nhưng, lẽ nào niềm tin chỉ đến từ việc xây cái tốt?

Niềm tin của nhân dân sẽ trở lại khi sự tử tế của người dân dù khó nhận biết đến mấy cũng được nhìn ra, khi từng cán bộ, đảng viên, công chức tự soi vào pháp luật và đạo đức mà tự sửa hàng ngày bản thân mình để chiến thắng lòng tham, bất kể là tham vật chất hay chức quyền (thứ mà vào tay kẻ xấu có thể đẻ ra bạc tiền, của cải!).

Không, niềm tin còn phải đến từ việc không che giấu và nhanh chóng giải quyết những chuyện tiêu cực xấu xa dù ở người nào, cấp nào, dù việc xử lý khó đến mấy; không vì sự khác biệt trong thái độ biểu hiện trước cái xấu, cái nguy cơ của an ninh quốc phòng, cái nguy cơ của tụt hậu do chậm và thiếu quyết liệt cải cách thể chế mà đẩy những người tốt ra khỏi quỹ đạo của việc góp phần làm trong sạch và hiệu quả bộ máy công quyền của chúng ta.

Để lấy lại niềm tin và lòng quý trọng của nhân dân đối với đảng và nhà nước thì còn cần đến nhiều việc. Nhưng trước hết hãy đẩy nhanh hơn nữa tốc độ và xác định “đúng người, đúng tội” hơn nữa khi xử lý những sai phạm rất nghiêm trọng ở dự án Khu đô thị Thủ Thiêm, sai phạm của khách sạn Panorama Mã Pì Lèng, sai phạm của công trình không phép xây dựng 22.000 m2 ở phường Tân Tiến (Tp. Biên Hòa), sai phạm của 7 công trình không có giấy phép của gia đình ông Lê Hữu Thành, Phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức TP.HCM, sai phạm ở trường GateWay Hà Nội, sai phạm trong bảo vệ nguồn nước sinh hoạt ở tỉnh Hòa Bình và Công ty nước sạch Sông Đà, và cả việc để cho Hà Nội rơi vào tình trạng ô nhiễm không khí nhiều ngày…

Niềm tin của nhân dân sẽ trở lại, chẳng chóng thì chày, khi sự tử tế của người dân dù khó nhận biết đến mấy cũng được nhìn ra, khi từng cán bộ, đảng viên, công chức tự soi vào pháp luật và đạo đức mà tự sửa hàng ngày bản thân mình để chiến thắng lòng tham, bất kể là tham vật chất hay chức quyền (thứ mà vào tay kẻ xấu có thể đẻ ra bạc tiền, của cải!).

Nguyễn Thế Thanh

Dân túy, quan túy và thuật “nói vậy mà không phải vậy”
GS-TS. Trần Ngọc Vương: Xây chùa thu tiền “khủng” là kinh doanh tài sản quốc gia
Ác với thiên nhiên thì khó mà yêu thương con người
Doanh nhân, Chính trị gia và “ngưỡng dối lừa”

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/niem-tin-la-cau-chuyen-cua-nhung-gia-tri-21076.html