Niềm tin là 'nguồn vốn đặc biệt' của hợp tác xã

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, các hợp tác xã có bền vững hay không phải dựa trên tinh thần hợp tác, vốn không chỉ được quyết định bởi phân chia lợi ích cân bằng mà còn dựa trên niềm tin lẫn nhau.

Nhân kỷ niệm 77 năm Hợp tác xã Việt Nam (11/4/1946 – 11/4/2023), Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã chủ trì Tọa đàm "Phát triển hợp tác xã nông nghiệp bền vững", ngày 11/4.

Chia sẻ những trăn trở về vai trò của hợp tác xã trong nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, hợp tác xã không chỉ là một thiết chế kinh tế đơn thuần, mà còn là tư tưởng phổ quát. Đó là sự hợp lực những thành viên có lợi thế khác nhau, để trở thành một thiết chế có lợi thế dựa vào quy mô lớn hơn, tối ưu hóa khả năng đóng góp, năng lực và lợi thế của mỗi thành viên.

“Cơ chế hoạt động của hợp tác xã dựa trên góp vốn. Về mặt nào đó, niềm tin chính là ‘nguồn vốn đặc biệt’. Niềm tin có được đến từ năng lực lãnh đạo, có được khi cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đủ khuyến khích mọi người tham gia. Đặc biệt là khi thu nhập, chất lượng sống của thành viên hợp tác xã được nâng lên”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

"Khi và chỉ khi có hợp tác xã bền vững chúng ta mới vượt qua thực trạng một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Hướng đến hình thành chuỗi ngành hàng và nhờ đó tạo ra giá trị gia tăng cao hơn”.

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan

TS Ninh Đức Hùng, Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có chung quan điểm với Bộ trưởng Lê Minh Hoan khi cho rằng, bản chất của hợp tác xã là loại hình kinh tế tập thể, phải dựa vào số đông, lấy sức mạnh của tập thể để chống lại sức ép của thị trường.

Do đó, điều hành, quản trị hợp tác xã phải gây dựng được niềm tin giữa người và người; người với tổ chức, chứ không chỉ nguyên tắc giống như doanh nghiệp.

“Như vậy với cách làm theo nguyên tắc như doanh nghiệp là không phù hợp với loại hình kinh tế tập thể là phải dân chủ, công khai, minh bạch, cùng bàn bạc, cùng thực hiện, cùng hưởng lợi, đó là sức mạnh của kinh tế tập thể. Nếu lãnh đạo hợp tác xã nào vẫn làm theo như doanh nghiệp thì chắc chắn hợp tác xã đó trước sau sẽ bị chết yểu hoặc phá sản, hoặc tan rã”, ông Hùng nhận định.

Tọa đàm "Phát triển hợp tác xã nông nghiệp bền vững", ngày 11/4.

Hợp sức bằng tín dụng nội bộ

Bàn về phương thức hợp sức cho hợp tác xã, ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng xây dựng hợp tác xã nông nghiệp cần theo hình thức hợp sức, hợp vốn.

Tuy nhiên, hợp tác xã vốn có tiềm lực, tài sản có ít, vốn góp ít, do đó ông Tiến đánh giá kênh tín dụng nội bộ là cách thức hữu hiệu giải quyết vấn đề này. Cần hướng dẫn để xây dựng tín dụng nội bộ, có quy chế hoạt động rõ ràng giúp hợp tác xã phát triển.

Theo ông Tiến, các hoạt động hợp tác xã cung cấp dịch vụ cho thành viên cũng cần được miễn thuế, còn cung cấp ra bên ngoài có cơ chế đánh thuế.

“Có những quy định nằm trong hành lang pháp lý để hợp tác xã hoạt động tốt hơn. Không thể đưa tất cả vào một cái hộp và bó chặt, như vậy hợp tác xã hoạt động sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, bản chất hợp tác xã là hai thị trường: Bên trong và bên ngoài. Do đó, không được sử dụng các cơ chế để bắt hợp tác xã chỉ hướng đến nội bộ”, ông Tiến nhấn mạnh.

Việt Nam có gần 19.500 hợp tác xã nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Tiến nêu lên tính cấp thiết cần có hướng dẫn riêng để làm sao phát triển tương xứng loại hình này.

Phương Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/niem-tin-la-nguon-von-dac-biet-cua-hop-tac-xa-post20272.html