Niềm tin và khát vọng vươn lên

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Tết Độc lập năm nay, người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc tưng bừng, phấn khởi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, mừng ngày vui của đất nước. Kinh tế đất nước dần hồi phục đã mang lại niềm tin mới và khát vọng vươn lên trong mỗi người dân...

Khác với hai năm trước, Hà Nội đón Tết Độc lập trong tĩnh lặng, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch COVID-19, thì năm 2022 vào ngày Quốc khánh 2/9, đường phố Thủ đô có nắng vàng trải khắp mỗi con đường, góc phố. Đường phố được trang trí những đài hoa tươi, biểu ngữ, pano cỡ lớn, rực đỏ cờ Tổ quốc khiến Hà Nội trở nên tươi tắn hơn, rực rỡ hơn mang tới cảm nhận về một Thủ đô thanh bình và đang phát triển sôi động trở lại. Nhận định trên càng có cơ sở khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu vì một Hà Nội: Văn hiến, văn minh, hiện đại.

Đường phố ở thành phố Vinh (Nghệ An) được trang hoàng rực rỡ cờ Tổ quốc.

Trong đó, Nghị quyết 15-NQ/TW đã đề ra mục tiêu: “Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới”.

Nhìn nhận nội dung này, theo Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, trong bối cảnh nào Hà Nội cũng luôn là địa phương đi đầu về kinh tế, chính trị so với cả nước. Thời điểm này, khi Hà Nội vừa kiện toàn các chức danh chủ chốt của UBND thành phố, là cơ sở quan trọng để triển khai Nghị quyết 15-NQ/TW.

Cùng với đó, trên tinh thần quán triệt sâu sắc Nghị quyết, Thành ủy Hà Nội đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW, trong đó Hà Nội sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội; phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hà Nội sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới (kinh tế đô thị, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm…) gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Đáng chú ý, thành phố sẽ ưu tiên phát triển các loại dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics; xây dựng Hà Nội thành trung tâm tài chính - ngân hàng hàng đầu ở khu vực phía Bắc và có vai trò quan trọng của cả nước...

* Tại Nghệ An - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày Tết Độc lập 2/9 năm nay thêm nhiều ý nghĩa và càng tự hào hơn, chính mảnh đất này đã sinh ra Người - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới.

Trào dâng nỗi nhớ về Bác, người dân Nghệ An thêm tự hào về những thành quả mà quê hương, đất nước đã đạt được; thêm niềm tin vào Đảng, Bác Hồ, để rồi cùng nỗ lực, phấn đấu đưa quê hương Nghệ An ngày một phát triển đi lên như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn và mong muốn khi Người về thăm quê.

Dịp 2/9 năm nay, trên khắp các làng quê trong tỉnh, cờ hoa được trang hoàng rực rỡ, trang trọng và đẹp mắt. Điều đó thể hiện tình cảm, trách nhiệm trước lá cờ Tổ quốc thiêng liêng, thể hiện tấm lòng tin yêu của đồng bào, chiến sĩ các đơn vị, địa phương đối với Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại và hơn cả là tình yêu với đất nước, quê hương.

Dịp này, nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh đã tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa lịch sử trọng đại của ngày 2/9, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ và các hoạt động khác mang ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và truyền thống yêu nước của quân, dân ta.

Dịp Quốc khánh 2/9 năm nay ở Nghệ An, trên mọi tuyến đường, kể cả ở các vùng nông thôn, miền núi dường như tấp nập, đông vui hơn. Điều đó cho thấy sức sống, dòng chảy của xã hội và của mỗi gia đình đã được phục hồi, phát triển sau những năm tháng bị ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, khác hẳn với không khí ảm đạm trước đây khi đại dịch đang bủa vây.

Tại một số điểm du lịch, các di tích lịch sử, văn hóa, du khách và người dân địa phương đến tham quan, nghỉ dưỡng đông hơn rất nhiều so với ngày thường, có những thời điểm rơi vào tình trạng quá tải. Dịp Quốc khánh 2/9 năm nay, nhiều người dân từ mọi miền của Tổ quốc và một số địa phương, đơn vị trong tỉnh cũng đã đến dâng hoa, dâng hương lên bàn thờ Bác ở Khu Di tích Kim Liên với lòng thành kính, nhớ ơn Người.

* Kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và 77 năm Ngày Sài Gòn khởi nghĩa giành chính quyền, trong những ngày này, dọc các tuyến phố, ngõ hẻm ở Thành phố mang tên Bác, đâu đâu cũng rực rỡ cờ hoa. Nhiều tuyến đường ở khu vực trung tâm như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Duẩn, Lê Lợi, Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám, Điện Biên Phủ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa... được trang trí cờ hoa, băng rôn, pano, áp phích rực rỡ. Các khu vực cửa ngõ của Thành phố, trung tâm hành chính của các quận, huyện, thành phố Thủ Đức cũng được trang hoàng rực rỡ hơn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi.

Năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh không tổ chức bắn pháo hoa chào mừng Quốc khánh 2/9 như thường lệ mà dành kinh phí đó để chăm lo nhiều hơn cho người dân khó khăn. Thay vào đó, thành phố tổ chức Lễ hội Tết Độc lập với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao nhằm mang đến những ngày nghỉ lễ hấp dẫn, đầy màu sắc trên khắp địa bàn thành phố.

Tết Độc lập luôn được xem là ngày Tết thiêng liêng của dân tộc, trong mỗi người dân đều cảm thấy tự hào trước những thành quả to lớn mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chung sức đồng lòng xây dựng nên. Các hoạt động chào mừng kỷ niệm Quốc khánh 2/9 tạo dấu ấn đậm nét, là dịp để người dân Thành phố Hồ Chí Minh gửi gắm thêm niềm tin, niềm khát vọng vươn lên.

Em Nguyễn Văn Hải, ở Thủ Đức, chia sẻ: May mắn được sinh ra và lớn lên trong thời bình khi đất nước đã phát triển, vật chất không còn thiếu thốn, nên càng trân quý giá trị của độc lập, tự do và thấy rõ trách nhiệm của mình phải cố gắng sống, làm việc thật tốt để xứng đáng với cha ông mình. Đối với thành phố, trải qua một giai đoạn khó khăn bởi đại dịch COVID-19, nhưng tất cả đã chung sức đồng lòng vượt qua nên em càng trân trọng hơn những gì mình đang có.

Đến với Thành phố Hồ Chí Minh những ngày này, ai cũng có thể cảm nhận được hình ảnh một Thành phố dần sôi động trở lại và tiếp tục có những bước phát triển đáng ghi nhận. Anh Trần Ngọc Đạt, du khách đến từ Hà Nội, cho biết: Đến thăm thành phố sau dịch COVID-19, tôi rất ngạc nhiên khi nhịp sống của thành phố đã trở lại bình thường như trước đây. Không còn những hình ảnh vắng vẻ, xơ xác của những ngày đại dịch COVID-19 quét qua thành phố năm 2021.

Chia sẻ về những kết quả bước đầu trong khôi phục kinh tế, đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Sau năm 2021 với nhiều biến cố và thách thức, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã phục hồi khá nhanh, toàn diện và đồng bộ, quy mô, tốc độ tăng trưởng các ngành, lĩnh vực cơ bản đạt trạng thái trước khi có dịch COVID-19. Tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2022 đạt 3,82%; trong đó tốc độ tăng trưởng quý II tăng hơn 3 lần so với quý I, cho thấy kinh tế Thành phố phục hồi sớm hơn kỳ vọng.

Bên cạnh đó, các chỉ số ghi nhận đều tăng trưởng ấn tượng, một số lĩnh vực tăng vượt chỉ tiêu kế hoạch như Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,2%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13,8% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 13,7% so với cùng kỳ; đầu tư nước ngoài Thành phố thu hút được hơn 2,18 tỷ USD, tăng hơn 60% so với cùng kỳ; ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ, thu hút gần 500.000 lượt khách quốc tế.

l Sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Tết Độc lập năm nay, đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên từ khắp các bản làng vùng cao đã nô nức xuống phố tham quan các điểm di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ và tham gia các trò chơi dân tộc.

Ngay từ sáng sớm, trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp xuyên suốt chiều dài thành phố Điện Biên Phủ, những nhóm người trong bộ trang phục dân tộc rực rỡ sắc màu cùng nhau xuống phố. Những khu vực tập trung đông nhất là các điểm như: Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đồi A1, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ…

Đặc biệt là các chàng trai, cô gái Mông từ các bản làng vùng cao khoác lên mình những bộ trang phục dân tộc đẹp nhất, rực rỡ nhất để xuống phố. Hành trang xuống phố của các chàng trai, cô gái Mông có thể là những chiếc khèn, quả pao bởi với họ, ngày Tết Độc lập là cơ hội để gặp gỡ nhau, làm quen.

Sân hành lễ Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ từ nhiều năm nay luôn trở thành điểm hẹn để người dân trên địa bàn hội tụ về đây chung vui trong ngày Tết Độc lập. Đối với đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông, ngày Tết Độc lập có ý nghĩa vô cùng to lớn. Bởi vậy, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng đến ngày Quốc khánh, họ có thể gác lại những bộn bề lo toan để xúng xính váy hoa cùng nhau xuống phố tận hưởng niềm vui của đất nước. Đối với họ, đôi khi vượt hàng chục km xuống phố chỉ để chụp một tấm ảnh, ăn que kem, ngắm nhìn mọi người ném pa pao, thổi khèn đã là một ngày vui trọn vẹn.

Để tạo sân chơi cho bà con, sáng 2/9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cũng đã tổ chức chương trình nghệ thuật phục vụ người dân. Bên cạnh đó, Sở cũng đã tổ chức nhiều trò chơi truyền thống các dân tộc, như ném pa pao, giã bánh dày, tung còn, kéo co,… thu hút sự tham gia của đông đảo người dân.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết: Dịp lễ mồng 2/9 năm nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị và tổ chức chu đáo các hoạt động văn hóa, thể thao, văn nghệ tại thành phố Điện Biên Phủ; phối hợp với các địa phương tổ chức các ngày hội ở một số huyện, thị xã, thành phố. Thông qua các hoạt động này để bảo tồn giá trị truyền thống, gắn chặt thêm tình đoàn kết của đồng bào các dân tộc, giúp người dân ôn lại lịch sử hào hùng của đất nước, cùng nhau cố gắng xây dựng quê hương giàu đẹp.

Ngoài các hoạt động trên, trong ngày 2/9, ngành du lịch tỉnh Điện Biên đã mở cửa miễn phí tham quan tại các điểm di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cho bà con nhân dân trong tỉnh, nhằm tạo điều kiện cho người dân được tìm hiểu nét văn hóa, lịch sử hào hùng của dân tộc.

Nhóm PV

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/niem-tin-va-khat-vong-vuon-len-i666187/