Niềm vui của cô giáo dạy trẻ tự kỷ

Tại Việt Nam hiện có khoảng 200.000 trẻ mắc chứng tự kỷ, tuy nhiên số lượng thực tế có thể nhiều hơn 2-3 lần do các yếu tố như phương tiện, nhân lực cũng như thời gian chẩn đoán kéo dài để xác định chính xác căn bệnh này tại các cơ sở y tế còn nhiều hạn chế dẫn đến nhiều trường hợp bị bỏ sót.

Theo thống kê gần đây, số lượng trẻ có rối loạn phát triển được đưa đến Bệnh viện Nhi T.Ư chẩn đoán và điều trị đã tăng gấp 50 lần so với giai đoạn 2000-2007; tỉ lệ này ở TPHCM tăng 160 lần.

“Bé T.H.A đã biết ngồi vào bàn ăn sau hơn 1 tháng “đồng hành” cùng cô Hoa, cô Hiển; bé T.H biết hướng mắt nhìn theo tay cô Hòa trên bảng chữ số sau 4 tháng...” - những thông tin như vậy làm cả trung tâm vui mừng - “Với trẻ tự kỷ, số lần cô giáo hướng dẫn cho bé tập làm theo có khi cả trăm lần thì các con mới biết thực hiện những hành động như ngồi ghế, hướng mắt về phía cô giáo gọi”; cô Vân Anh - Quản lý một trung tâm dạy trẻ rối loạn phát triển - chia sẻ.

Trẻ em mắc chứng tự kỷ thường có những khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ/phi ngôn ngữ và hành vi, sở thích lặp đi lặp lại nhiều lần. Bé Đ.Q luôn có sở thích quay bánh xe ôtô đồ chơi, không giao tiếp; để tăng tính giao tiếp cho bé, cô Hiển đã cùng cầm ôtô và chơi cùng.

Với trẻ bình thường, trò chơi về con số, màu sắc, hình khối luôn làm trẻ thích thú nhưng với trẻ tự kỷ việc dạy các bé có thể phân biệt về màu, chỉ số đúng luôn gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Bé T.H vào học trung tâm khi 24 tháng với biểu hiện chưa có ngôn ngữ, âm vô nghĩa, ít giao tiếp mắt, gọi rất ít hồi đáp, hành vi lăng xăng; sau một thời gian dài bé đã có giao tiếp mắt, giảm bớt hành vi không chủ đích, có thể chỉ số đúng theo yêu cầu của cô giáo.

Thế giới quan của mỗi bé mắc chứng tự kỷ không giống nhau, việc quan sát và tìm ra giáo án phù hợp cho mỗi trường hợp quyết định sự thành bại của việc nuôi dạy trẻ và niềm vui của cô Hiển, Ban khi bé chịu ăn cháo sau thời gian dài đến lớp chỉ uống sữa và khóc.

Nuôi dạy trẻ tự kỷ là một hành trình nhiều đầy khó khăn, thử thách và cả nước mắt. Với giáo viên mầm non dạy trẻ rối loạn phát triến ngoài kỹ năng chuyên môn, sự kiên nhẫn, nhiệt tình và trên cả là tình thương, lòng yêu nghề mới có thể giúp trẻ hòa nhập, tiến bộ.

Theo tổ chức y tế thế giới WHO, tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển suốt đời được phát hiện trong vòng 3 năm đầu đời. Tự kỷ là do rối loạn hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ, có thể xảy ra ở bất kỳ một cá nhân nào không phân biệt giới tính… Cho đến thời điểm hiện tại chưa có phương pháp điều trị nào có thể chữa lành hoàn toàn rối loạn tự kỷ, chỉ có thể điều trị bằng can thiệp hành vi và giáo dục. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc can thiệp sớm cho trẻ có thể cải thiện khả năng phát triển của trẻ tự kỷ. Việc phát hiện sớm trẻ có nguy cơ mắc tự kỷ là cơ hội vàng để trẻ có thể được điều trị sớm.

Tên các bé trong bài viết đã được thay đổi.

HẢI NGUYỄN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/suc-khoe/niem-vui-cua-co-giao-day-tre-tu-ky-576823.ldo