Niềm vui của những nhà báo Hà Nội

Tháng 12- 2018, được chứng kiến buổi gặp mặt các thế hệ Ban Chấp hành và lãnh đạo Hội qua các thời kỳ nhân dịp kỷ niệm Hội tròn 30 tuổi, điều làm tôi xúc động nhất chính là sự hân hoan của các thế hệ nhà báo lão thành. Ai nấy đều hồ hởi, tay bắt mặt mừng những người đồng chí, đồng đội... Nhiều hội viên Hội Nhà báo TP Hà Nội đã giành giải báo chí Quốc gia, giải báo chí Ngô Tất Tố của Hội Nhà báo TP và các giải của các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương là tấm gương cho chúng tôi noi theo…

Để báo chí Hà Nội có được những thành quả tốt đẹp đó, có phần đóng góp không nhỏ của hội viên Hội Nhà báo TP. Dưới mái nhà chung của mình, từ những ngày đầu thành lập chỉ với gần 200 hội viên, đến nay, số lượng hội viên đã tăng lên hơn 1.000 hội viên thuộc 19 cơ quan báo chí và quản lý báo chí của Thủ đô.

Góp phần nhỏ trong những thành công đó không thể không kể tới những giải thưởng của các PV báo Pháp luật & Xã hội. Ở báo Pháp luật & Xã hội, cứ mỗi đầu xuân năm mới, một thông lệ đã thành quen, Ban biên tập lại cùng các PV điểm lại những giải thưởng báo chí đã đạt được trong năm qua, cùng rút kinh nghiệm trong năm tới. Và đề ra những kế hoạch, mục tiêu cụ thể trong năm mới mà như nhiều người vẫn nói vui rằng: “Một mùa săn giải mới lại bắt đầu”. Bởi, trong nghề báo, mỗi tác phẩm ra đời, được bạn đọc đón nhận và yêu mến lại được thêm các cơ quan, ban ngành, các Hội đồng giám khảo gồm các nhà báo lão thành uy tín công nhận, chấm giải cao- đấy thực sự là món quà tinh thần vô giá mà nhà báo nào cũng mong có được.

Năm 2018 các hội viên chi hội Báo Pháp luật và Xã hội liên tiếp nhận được nhiều giải thưởng báo chí.

Năm 2018 – lại thêm một năm khó quên của các PV báo Pháp luật & Xã hội – một năm bội thu giải thưởng báo chí. Đó vừa là sự ghi nhận của các cơ quan, ban ngành, của Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo TP Hà Nội, vừa là thành quả đáng tự hào của cả một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ.

Đó là loạt bài “Những người con Hà Nội vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc” (Giải Ba giải báo chí Ngô Tất Tố 2018) của Phương Tâm– nhà báo đầy nhiệt huyết, không quản ngại khó khăn, vất vả theo những chuyến tàu ra tận Trường Sa để có những loạt bài viết chất lượng. Hay loạt bài “Ký sự biên cương” (Giải Khuyến khích giải báo chí Ngô Tất Tố 2018) của Khắc Hạnh- nhà báo lăn mình thực tế cả tuần ở vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc, đối mặt với hiểm nguy cả tính mạng khi di chuyển cùng hướng với đàn voi rừng dữ tợn.

Nhắc đến mùa vàng giải thưởng của Pháp luật & Xã hội mà không nhắc tới nhà báo Điệp Quyên là chưa đầy đủ. Không chỉ “sát” giải, Điệp Quyên còn đang giữ kỷ lục năm 2018 của báo khi đang nắm giữ tới 5 giải báo chí trong tay. Những đề tài khó và “khô” như cải cách thủ tục hành chính, ứng xử nơi công sở đã được nữ nhà báo biến thành những tác phẩm rất dễ đọc và dễ đi vào lòng người, lại còn khiến các giám khảo không thể không trao giải. Có thể kể tới tác phẩm “Những sáng kiến, giải pháp cải cách thủ tục hành chính” cùng đạt giải Khuyến khích giải báo chí Ngô Tất Tố và giải Nhì cuộc thi tuyên truyền về Thủ đô với công tác cải cách hành chính; Cũng tại cuộc thi tuyên truyền về Thủ đô với công tác cải cách hành chính Điệp Quyên lại có thêm giải Ba với tác phẩm “Quận Hà Đông, Hà Nội: Cán bộ trao giấy khai sinh, khai tử cho công dân tại nhà”. Ở giải báo chí viết về Người tốt việc tốt TP Hà Nội, Điệp Quyên cũng có tác phẩm “Điểm 10 tặng những cô giáo sau giờ lên lớp” đạt giải Khuyến khích, rồi giải Khuyến khích cuộc thi viết về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch ở loạt bài: “Cán bộ một cửa chia sẻ bí quyết ứng xử trong tình huống khó”.

Cũng không thể không kể tới các giải thưởng của các nhà báo Văn Biên với Giải chuyên đề cuộc thi “Phụ nữ với trật tự ATGT và văn minh đô thị”; Giải Ba giải báo chí về “Đồng bằng sông Cửu Long năm 2018” với tác phẩm “Diện mạo nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long" của nhà báo Nguyễn Khuê; Giải Khuyến khích giải báo chí Người tốt việc tốt TP Hà Nội với tác phẩm “Gặp cựu chiến binh hiến 2.000m2 đất xây Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng” của nhà báo Tuyết Mai; Giải chuyên đề cuộc thi Vành khuyên xanh 2018 chủ đề Phòng chống tác hại thuốc lá của nhà báo Thịnh An; Giải Bài báo hay viết về Hà Nội của nhà báo Phan Thủy.

Lúc bài báo này đang ở dạng bản thảo, chúng tôi lại tiếp tục nhận được những tin vui về giải thưởng. Năm 2018, lần đầu tiên, TP Hà Nội tổ chức hai giải báo chí viết về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của TP Hà Nội và viết về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch. Rất nhiều tác phẩm chất lượng của các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội đã gửi tới dự thi. Báo Pháp luật & Xã hội, với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Ban biên tập, các đồng chí trưởng phó phòng chuyên môn, cùng sự nỗ lực, tìm tòi, lăn xả của PV đã có nhiều tác phẩm chất lượng cho hai đề tài này. Và thành quả như đã phác thêm những niềm vui nhỏ hòa chung niềm vui lớn. Đó là các tác phẩm: Loạt bài đạt giải C “Hà Nội: Những chuyển biến sau hơn 1 năm triển khai hai bộ Quy tắc ứng xử” của Phan Thủy- Hồng Giang- Thanh Hải.

3 loạt bài đạt giải Khuyến khích: Ngoài tác phẩm của Điệp Quyên đã nhắc ở trên còn có các loạt bài “Những đổi thay của Thủ đô Hà Nội sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính” của nhà báo Thịnh An; loạt bài về những điều đặc biệt riêng có của Hà Nội nhân sự kiện Kỷ niệm 63 năm Ngày giải phóng Thủ đô của nhóm tác giả: Tuyết Mai- Phan Thủy- Vi Giáng- Hồng Giang.

Xuân tới, mang bao hy vọng mới, nhưng hơn cả, với mỗi chúng tôi, niềm tự hào về truyền thống, niềm tự hào khi là những nhà báo của Hà Nội sẽ luôn là động lực thôi thúc chúng tôi bước tin, bước vững chắc trên chặng đường tương lai sắp tới.

Xuân Thanh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/niem-vui-cua-nhung-nha-bao-ha-noi-135938.html