Niềm vui đầu năm của người lao động

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, số công nhân, người lao động trở lại làm việc chiếm tỷ lệ rất cao và nhiều DN tuyển dụng lao động đã cho thấy tình hình thị trường lao động đang có chuyển biến tích cực.

Tại Hà Nội, đã có 99,2% DN mở xưởng sản xuất với 97,8% công nhân lao động trở lại làm việc, tính đến trưa ngày 30/1. Tại TP Hồ Chí Minh, đến hết ngày 1/2, có hơn 94% DN hoạt động trở lại, với hơn 98% người lao động làm việc.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu nắm bắt tình hình đầu năm và chúc Tết công nhân lao động

Đây là tín hiệu tích cực, đáng mừng và cũng cho thấy tình trạng người lao động “nhảy việc” đầu năm không còn phổ biến như nhiều năm trước.

Cùng với người lao động phấn khởi trở lại làm việc sau kỳ nghỉ lễ, hiện có nhiều DN trên cả nước đang có nhu cầu tuyển dụng lao động để mở rộng sản xuất, kinh doanh, đáp ứng đơn hàng. Những con số 268 đơn hàng đăng ký tuyển dụng với gần 4.000 chỉ tiêu tại Hà Nội, hay 499 DN tại TP Hồ Chí Minh có nhu cầu tuyển thêm 14.300 người lao động ngành may mặc, giày da, điện – điện tử, hóa nhựa… đã thể hiện người có việc lớn hơn rất nhiều so với những người bị mất việc. Điều này sẽ tạo ra cân bằng về cung cầu lao động và thị trường lao động sớm có những chuyển biến tích cực.

Người tìm việc và DN có nhu cầu tuyển dụng đã tìm được cầu nối từ các Trung tâm Dịch vụ việc làm. Trong ngày 9/2, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 7 tỉnh, TP với sự tham gia của 60 – 80 DN với đa dạng ngành nghề. Qua đó để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, đảm bảo phát triển đồng đều và bền vững, không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hoạt động của DN.

Nhằm phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội, ngày 10/1/2023, Chính phủ đã có Nghị quyết số 06/NQ-CP. Trong Nghị quyết này, Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp, như thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động.

Chính phủ sẽ tăng cường đầu tư nguồn lực cho các chương trình, đề án tạo nhiều việc làm bền vững, nhất là việc làm năng suất cao. Cùng với đó là có các chính sách hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo,… tham gia thị trường lao động, có việc làm bền vững. Tăng cường các nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, sáng tạo, chất lượng cao, bền vững; việc làm xanh cho đối tượng yếu thế, vùng sâu, vùng xa cũng là nội dung được Chính phủ đặt ra để phát triển thị trường lao động.

Nhà nước ưu tiên bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để có đủ nguồn lực triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động. Chính phủ sẽ thí điểm triển khai một số mô hình đào tạo mới, nhất là đào tạo những ngành, nghề đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; triển khai mô hình đào tạo tại DN; tiếp tục đầu tư đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động.

Hy vọng với những nhiệm vụ và giải pháp đã được Chính phủ đưa ra cộng với sự vào cuộc tích cực của các địa phương sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển thị trường lao động. Và người lao động có việc làm tốt hơn để có điều kiện tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Trần Oanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/niem-vui-dau-nam-cua-nguoi-lao-dong.html