Niềm vui lớn cho bà con đảo Trần

Đảo Trần- nơi chúng tôi có dịp đặt chân đến trong chuyến công tác cùng Bộ Tư lệnh Vùng 1- Hải quân vừa được cấp điện lưới quốc gia. Dân có điện, đời sống nhân dân sẽ khấm khá, ấm no hơn; trẻ em được vui tươi đến lớp, đến trường, thụ hưởng nhiều tiện ích mới. Đây là một tin vui không chỉ cho người dân sinh sống ở đảo Trần mà cho cả người dân ở đất liền.

Được biết, điện lưới quốc gia được đưa từ xã Vĩnh Thực, TP Móng Cái ra đảo. Dự án được khởi công từ tháng 1, tổng mức đầu tư 397 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư.

Quy mô dự án gồm xây dựng mới gần 20 km đường dây trung áp 22 kV, trong đó có trên 13,5 km cáp ngầm dưới biển và gần 7 km đường dây trên không; xây 3 trạm biến áp với tổng công suất 460 kVA, 3,2 km đường dây hạ áp 0,4 kV và 65 công tơ đo đếm điện.

Trước đó năm 2016, để chuẩn bị đủ điều kiện kết nối điện lưới quốc gia từ đảo Vĩnh Thực ra đảo Trần, điện lực Quảng Ninh đã thi công mở rộng lộ xuất tuyến, xây dựng mới đường dây, cáp ngầm trên cạn, cáp ngầm xuyên biển từ TP Móng Cái ra đảo Vĩnh Thực với tổng vốn đầu tư 197 tỷ đồng.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, chiến sỹ, nhân dân trên đảo vui mừng trong Lễ khánh thành công trình cấp điện lưới quốc gia cho đảo Trần. Ảnh: C.N

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, chiến sỹ, nhân dân trên đảo vui mừng trong Lễ khánh thành công trình cấp điện lưới quốc gia cho đảo Trần. Ảnh: C.N

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định, việc đầu tư xây dựng điện lưới quốc gia cho đảo Trần có ý nghĩa to lớn về phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Dự án hoàn thành giúp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo yên tâm sinh sống, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trong niềm vui lớn, bà Nguyễn Thị Cảnh, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Đảo Trần cho biết, 6g30 ngày 2-9, đảo Trần được đóng điện lưới quốc gia nhưng nhân dân trên đảo đã háo hức, chờ đợi ngày này từ lâu lắm rồi. Trước đây, bà con muốn có điện phải chạy máy phát, chi phí mua máy, mua xăng dầu rất tốn kém; trung bình 5-7 triệu đồng tiền điện mỗi tháng nên không dư dả kinh tế. 90% hộ gia đình trên đảo sống bằng nghề đi biển nên từ nay, các dịch vụ hậu cần nghề cá sẽ có tương lai mới.

Khi đánh cá, câu mực, người dân không phải bán luôn với giá rẻ như trước mà về cấp đông rồi đổ bán với giá cao hơn. Đời sống kinh tế của người dân vì thế sẽ được nâng cao. Khi điện, nước đảm bảo cũng giữ chân được dân ở lại lâu dài với đảo; đồng thời cũng thu hút được những hộ gia đình mới từ đất liền xung phong ra sinh sống, lập nghiệp ở nơi đây.

Đảo Trần thuộc huyện đảo Cô Tô, là hòn đảo xa đất liền nhất của Quảng Ninh, cách đường phân định vịnh Bắc Bộ khoảng 4-5 km. Ngoài các đơn vị quân đội, biên phòng, trạm ra-đa, hiện đảo có 12 hộ dân với 57 nhân khẩu “Trong 57 nhân khẩu thì có 2 cháu bé mới chào đời trong năm nay. Dân đông hơn, điện lưới lại có, đời sống người dân sẽ đổi khác, khấm khá hơn nhiều; đảo Trần từ nay sẽ bước sang trang mới…”- bà Nguyễn Thị Cảnh vui mừng nói.

Linh Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/niem-vui-lon-cho-ba-con-dao-tran-208692.html