Niềm vui ngày tết của ba

Ba tôi kể rằng ông có một tuổi thơ gian nan, khó nhọc cùng chúng bạn ở quê nghèo. Từ ngôi làng ông sinh sống xuống phố huyện là mất cả một ngày đường. Được đến trường làng học mỗi ngày không phải dễ vì đa phần trẻ phải theo cha mẹ giăng câu chài lưới, chăn trâu, mót lúa, trồng khoai. Ấy là chuyện của thật nhiều năm tháng trước.

Khi bà con thu hoạch vụ lúa đông xuân xong, tiết trời se lạnh rồi mát dần, mai vàng hé nụ là ba tôi và các bạn biết xuân về, tết đến. Thật ra ngày tết với làng quê nghèo không khác gì ngày thường. Có chăng là mâm cơm đủ đầy hơn chút, bánh trái được cha mẹ phân phát nhiều hơn. Chuyện được mặc quần áo mới tung tăng chỉ là giấc mơ, nói chi đến việc mừng tuổi người lớn được nhận phong bao lì xì như trong sách.

Nhưng niềm khao khát được hưởng trọn vẹn không khí ngày xuân đã thôi thúc ba tôi có một quyết định táo bạo. Đó là đứa trẻ 12 tuổi tìm tòi, chế tác một con lân để cùng lũ bạn vui xuân và múa chúc tết khắp xóm nghèo.

Trước khi phục vụ, lân múa ngày tết vào chùa để được khai quan điểm nhãn

Ba kể trước khi bắt tay vào việc, ba đến gặp thầy giáo xin được xem lại tranh vẽ múa lân ngày tết trong quyển sách của thầy. Ba ghi nhớ những chi tiết đặc tả của lân như sừng, mắt, râu, thân hình, màu sắc… để về thực hiện. Thầy biết ý định của ba tôi là làm một con lân để vui tết, thầy khen và hứa sẽ giúp cho cọ vẽ, bột màu để trang trí tác phẩm.

Về nhà, ba mượn một cái thau nhôm đường kính khoảng 80cm của bà cô làm cái cốt của đầu lân, lật ngược chiếc thau lại, lấy giấy bồi dán xung quanh rồi cắt ra làm miệng, dùng bột màu vẽ lên đó hàm râu của con lân, vẽ đôi mắt tròn to như tranh vẽ trong sách của thầy. Lân phải có sừng mới oai vệ, ba tìm mấy nhánh điên điển dài tầm cườm tay một đứa trẻ, có hình dạng cong cong gọt bỏ lớp vỏ xù xì bên ngoài làm lộ ra lớp lõi trắng xốp bên trong. Ba cắt lấy một đoạn, tô màu rồi dùng keo dán lên chiếc mâm. Thế là lân đã có sừng có râu, có mắt.

Tiếp theo, ba mượn của bà tấm khăn rằn là sản phẩm của làng dệt choàng Long Khánh - Hồng Ngự - Đồng Tháp. Ba kết tấm khăn vào đầu lân. Thế là lân đã thành hình. Úp chiếc thau ấy lên đầu, hai tay vịn vào vành thau, nâng lên, hạ xuống, chân bước tới, bước lui, lân đã ra dáng lắm rồi. Nhưng múa lân phải có trống, có chập chả mới tạo không khí rôm rả của ngày xuân. Ba ới một tiếng, lũ bạn mang đến một chiếc thùng thiếc và hai chiếc nắp nồi để làm trống con. Dùi trống là đôi đũa bếp xới cơm được điểm xuyết bằng hai sợi dây vải màu đỏ xin được của cô thợ may trong xóm. Thế là bắt đầu hành trình múa lân ngày tết.

Ba ngày đầu xuân, ba tôi và lũ bạn háo hức, mê say vác con lân đi khắp xóm múa từng nhà, từng nhà. Lân cũng biết đứng tấn, thủ thế, cũng biết cúi đầu chào chủ nhà, biết nhảy lên cao để đón nhận quà treo trên cây tre trước cổng... Mệt lắm mới chịu đổi cho bạn thay thế. Quà tặng của bà con chỉ là bánh, kẹo, thi thoảng được vài đồng xu nhưng đội lân rất vui. Bạn của ba giành nhau đứng vị trí đầu lân, ít người chịu thủ phần thân vì phải cúi lưng, mau mỏi và... không thể ra oai, ra bộ với người xem.

Ba ngày tết mau chóng qua đi, con lân cũng hoàn thành nhiệm vụ, tơi tả vì quá nhiều lượt nhảy múa. Chiếc thùng thiếc móp méo, đôi đũa bếp gãy ngang, hai chiếc nắp vung chỉ còn nguyên có một nhưng không ai bị la rầy.

Những năm sau ba có cải tiến hơn. Ba làm đầu lân từ những vỏ thùng giấy các tông xin được. Phụ liệu đa dạng hơn, nét vẽ sống động hơn. Bà con trong xóm khen lắm.

Rồi chiến tranh lan đến làng quê, bà con tìm nơi an toàn hơn để sinh sống. Ba tôi lớn lên, theo người thân lên tỉnh học hành. Niềm vui múa lân ngày tết không còn nữa...

Sau này có gia đình, đời sống khá hơn, ba mua cho anh em chúng tôi những chiếc đầu lân thật đẹp để vui trong ngày xuân.

Ba tâm tình rằng dù ngày nay lân ba mua cho các con, các cháu có đẹp, có bền hơn, có đủ nhạc khí đi kèm nhưng mãi không quên con lân và chúng bạn của những ngày xưa cũ thiếu thốn, khó khăn nơi làng quê.

Nhìn ba trầm ngâm nhớ lại những cái tết của thời thơ ấu, tôi cảm thông được nỗi niềm của ba. Bây giờ, đời sống khá hơn lân ngày tết được làm tinh xảo, đội múa lân tập luyện bài bản hơn, thu hút người xem nhiều hơn, có đội còn ra thi đấu, biểu diễn ở nước ngoài, thành công vang dội.

Những cái tết xưa mãi là nỗi nhớ niềm thương của ba.

NGUYỄN HỮU NHÂN

Phường 2, TP Sa Đéc, Đồng Tháp

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/niem-vui-ngay-tet-cua-ba-post724833.html