Niềm vui qua những nhịp cầu mới

Cùng với nguồn vốn nhà nước, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) huy động nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn. Cách làm này giúp địa phương từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Những nhịp cầu vui

Thoại Sơn là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh, đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày càng được nâng cao. Và việc xã hội hóa cầu nông thôn phần nào góp thêm thành tựu rực rỡ đó. Điển hình, ngày 18/3, UBND xã Mỹ Phú Đông (huyện Thoại Sơn) phối hợp Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh An Giang tổ chức khánh thành cầu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Tải - Nguyễn Thị Mẵng, tại ấp Tân Phú.

Gần 3 tháng thi công, công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng. Cầu có kết cấu bê-tông cốt thép, dài 25m, rộng 4m, độ thông thuyền 3,5m, kinh phí xây dựng 435 triệu đồng. Trong đó, gia đình Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Tải và Hội Tình nguyện chung tay vì cộng đồng hỗ trợ 200 triệu đồng; gia đình ông Võ Văn Đăng Khoa (xã Mỹ Phú Đông) hỗ trợ 200 triệu đồng và nguồn đóng góp từ nhân dân trong xã.

Niềm vui bên những cây cầu xã hội hóa

Niềm vui bên những cây cầu xã hội hóa

Trước đó, cầu An Yên 1 - Út Khoa (kênh ranh 2 xã Mỹ Phú Đông và An Bình, huyện Thoại Sơn) cũng vừa đưa vào sử dụng. Cây cầu dài 33m, rộng 4m, kết cấu bê-tông cốt thép, kinh phí xây dựng 490 triệu đồng. Trong đó, Câu lạc bộ chuyến xe yêu thương tài trợ 150 triệu đồng; gia đình ông Võ Văn Đăng Khoa đóng góp 200 triệu đồng; UBND xã Mỹ Phú Đông và An Bình vận động nhà hảo tâm đóng góp 140 triệu đồng. Quá trình thi công cầu, cán bộ và nhân dân 2 xã còn tích cực đóng góp 150 ngày công lao động.

Điểm đặc biệt của các công trình này là được đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí, người dân và chính quyền địa phương trực tiếp giám sát và góp công xây dựng. Là một trong những địa phương tích cực xã hội hóa xây dựng cầu giao thông nông thôn, từ năm 2022 đến nay, thị trấn Phú Hòa đã khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng 5 cây cầu, với tổng kinh phí trên 6,7 tỷ đồng.

Ý nghĩa, thiết thực

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ai có của góp của, ai không có của thì góp sức, không phân biệt ít nhiều, những chiếc cầu “nối nhịp bờ vui” trên địa bàn huyện Thoại Sơn đã hình thành trong niềm vui của nhân dân địa phương. Nhiều cầu giao thông nằm ở vị trí quan trọng, kết nối nhiều ấp, có lưu lượng phương tiện qua lại đông. Việc vận động xây dựng cầu giao thông nông thôn đã giúp các xã hoàn thành tiêu chí về giao thông trong hành trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

Ông Dương Văn Hồng (sinh năm 1964, ngụ xã Mỹ Phú Đông) chia sẻ: “Khi địa phương có công trình sửa chữa, xây cất cầu, đường giao thông, tôi tích cực hưởng ứng, vận động mọi người cùng đóng góp tiền của, ngày công lao động để diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc”.

Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Phú Đông Trần Văn Thơm cho biết: “Các cây cầu giao thông nông thôn được xây dựng đã đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân, đồng thời góp phần hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng nông thôn, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương phát triển. Quá trình triển khai thực hiện nhận được sự đồng thuận cao từ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Địa phương đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích, giá trị được hưởng lợi sau đầu tư. Từ đó, nhân dân đã tự nguyện đóng góp nguồn lực, chung sức cùng chính quyền địa phương xây dựng giao thông nông thôn”.

Xã Phú Thuận - một trong những địa phương tích cực phát động, vận động nhân dân tham gia xây dựng các công trình giao thông nông thôn. 3 năm qua, xã xây dựng 5 cây cầu, gồm: Cầu Võ Văn Suông, cầu Hy Vọng 99, cầu Hy Vọng 146, cầu Sáu Lái, cầu Mười Chánh, với tổng kinh phí trên 2,1 tỷ đồng, hơn 950 ngày công. Đồng thời, vận động kinh phí sửa chữa 3 cây cầu, với kinh phí 250 triệu đồng. Việc xây dựng các cây cầu trên đảm bảo đúng tiến độ, thời gian, chất lượng, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Theo đó, UBMTTQVN xã Phú Thuận đã tham mưu Thường trực Đảng ủy phối hợp UBND xã Phú Thuận tổ chức 2 đợt vận động quỹ xây dựng cầu ở ấp Hòa Tây B và Hòa Tây A. Kết quả, vận động được 520 triệu đồng. “Những kết quả đạt được trong xã hội hóa xây dựng cầu giao thông nông thôn nhờ sự lãnh, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, vận động của các tổ chức chính trị - xã hội.

Đặc biệt, địa phương rất quan tâm thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai minh bạch các khoản thu - chi, thông báo danh sách những người có đóng góp trên loa truyền thanh xã. Tất cả đã tạo lòng tin trong nhân dân, ra sức đóng góp vì sự phát triển của địa phương. Đồng thời, thực hiện sơ, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu cho phong trào xã hội hóa giao thông nông thôn” - Bí thư Đảng ủy xã Phú Thuận Nguyễn Quốc Khánh thông tin.

Niềm vui, tiếng cười của học sinh, người dân khi bước đi trên những cây cầu mới, cho thấy ý nghĩa thiết thực từ việc xã hội hóa xây dựng cầu giao thông nông thôn.

PHAN LƯƠNG

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/niem-vui-qua-nhung-nhip-cau-moi-a359506.html